Hai năm trở lại đây, nhằm trợ giúp người sản xuất lúa, cà phê và muối vượt qua khó khăn do giá xuống thấp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành và doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ một khối lượng sản phẩm lớn với giá đảm bảo cho nông dân có lãi 30%.
Việc thực hiện các chương trình này đã giúp giá các sản phẩm này tăng trở lại, cà phê tăng từ 24.000 đồng/kg lên 29.000 – 30.000 đồng/kg; giá lúa nhích lên thêm 200 – 300 đồng/kg.
Xem thêm: Phải đảm bảo người trồng có lãi ít nhất 30%
Tuy nhiên, theo ý kiến người trồng lúa, làm muối và trồng cà phê – những người được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình, việc triển khai chương trình thu mua tạm trữ đúng nhưng chưa trúng. Theo họ, chưa trúng ở thời điểm thực hiện (đối với mặt hàng cà phê, thực hiện mua tạm trữ khi lượng tồn trong dân không còn bao nhiêu), chưa chọn đúng doanh nghiệp tham gia thực hiện (một số đơn vị không được ngân hàng cho vay vì còn đang… nợ) bởi vậy số lượng mua tạm trữ chưa đạt chỉ tiêu (đối với cà phê, mua chưa được 10% kế hoạch; đối với muối còn ì ạch hơn), người sản xuất, thậm chí cả doanh nghiệp trong nước cũng không được lợi như mong muốn của Chính phủ (trong khi các doanh nghiệp trong nước loay hoay lo vay vốn thì các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào mua sạch với giá rẻ).
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chúng ta không nắm chắc diễn biến thị trường, sự phối hợp thiếu đồng bộ và thủ tục rườm rà đã làm cho chủ trương lớn của Chính phủ giảm hiệu quả.
Qua việc thực hiện mua tạm trữ một số loại nông sản thấy cả người sản xuất (người trồng lúa, cà phê, diêm dân), doanh nghiệp và Nhà nước bộc lộ những điểm yếu. Đối với doanh nghiệp, thiếu vốn, hệ thống kho bãi không đáp ứng yêu cầu, không có hệ thống chân rết. Đối với người sản xuất, chất lượng sản phẩm thấp, sản phẩm không đồng nhất (quá nhiều giống, đối với lúa). Đối với các cơ quan chức năng của nhà nước, công tác dự báo và phân tích thị trường chưa tốt, chưa chủ động, thiếu sự phối hợp đồng bộ.
Thực tế cho thấy, tuy là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng chúng ta không chi phối được giá trên thị trường thế giới nên giá trị mang lại từ xuất khẩu chưa cao (chưa nói đến việc xuất nguyên liệu thô và chưa có thương hiệu). Để có thể chi phối được giá thị trường, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, nhất là phân tích thị trường để chủ động thực hiện thu mua tạm trữ.