Bán cà phê ở vùng chiến sự

“Ở đâu có nguy hiểm, ở đó có lợi nhuận”. Câu này rất đúng đối với Jason Araghi, chủ công ty cà phê có cái tên “trúc trắc”: Green Beans Coffee Worldcafé. Hơn chục năm nay, Jason đã lăn lộn ở những điểm nóng nhất của thế giới và kiếm bộn tiền bằng nghề mở cửa hàng cà phê cho lính Mỹ.

Chiếc máy bay quân sự C-130 của quân đội Mỹ chao đảo trên bầu trời Afghanistan, tránh những làn đạn của phiến quân Taliban từ dưới đất bắn lên. Jason Araghi là hành khách dân sự duy nhất của chuyến bay. Anh đang trên đường chuyển máy móc tới quán cà phê mới khai trương trong căn cứ quân sự Mỹ ở Kandahar. Ngồi lặng yên trong tiếng máy bay gầm rú, Jason không cảm thấy sợ hãi. Giống như trong hàng chục chuyến bay bão táp khác, trong anh lại hiện lên hình ảnh vợ con và câu hỏi: Liệu có đáng không, nếu vì cà phê?

11 năm kể từ khi thành lập, công ty của Jason đã vượt qua mọi nguy hiểm: đánh bom tự sát, không tặc, bắn tỉa… để mang những ly moca, capuccino, expresso thơm ngon tới những người lính Mỹ đang chiến đấu ở Trung Đông và Trung Á.

Jason Araghi, 38 tuổi, sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Iran, lớn lên ở Los Gantos, bang California. Sau khi tốt nghiệp trường Y, anh sang Saudi Arabia và mở phòng mạch chuyên về nắn xương. Bước ngoặt đã đến với Jason khi một công chúa Saudi, khách hàng của anh, đề nghị mở một cửa hàng cà phê kiểu Mỹ trong khu tổ hợp bán đồ nội thất do bà làm chủ. Với sự giúp đỡ của anh trai Jon, Jason bắt đầu “sự nghiệp” bán cà phê ở Ryadh. Tiếng lành đồn xa, đích thân tư lệnh Mỹ tại Saudi Arabia đã tới thăm và đề nghị mở một quán ngay trong căn cứ.

Những quán Green Bean còn theo chân quân Mỹ tiến vào Kuwait và Qatar. Năm 2001, Jason đã mở được 15 quán. Do các lực lượng quân đội thường xuyên được điều chuyển nên họ cũng phải hết sức cơ động và sáng tạo. Những container dài 12m, rộng 2,5m trở thành các điểm bán cà phê có tủ gỗ và bàn mặt đá. Những quán cà phê – container này được đặt lên các xe tải quân sự và rong ruổi khắp chiến trường Trung Đông.

Thật dễ hiểu vì sao lính Mỹ ưa thích quán của Jason! Cuộc sống lính chiến đầy sức ép, rủi ro. Vào quán, họ được nghe nhạc, chơi bài và thư giãn với cà phê loại 1 – liệu pháp xả stress vừa rẻ vừa hữu hiệu. Jason nói: “Lính thường chẳng có nhiều tiền. Cà phê là một sản phẩm đáp ứng được hai điều kiện: phải chăng và gợi nhớ quê nhà. Có lẽ đó là nguyên nhân thành công của tôi”.

Sau sự kiện 11/9, quân Mỹ được điều động tới Afghanistan và sau đó là Iraq. Cà phê Green Bean được phục vụ trực tiếp ở những vùng chiến sự. Công việc thật nguy hiểm nhưng Jason và các đồng sự không nao núng. Họ xin giấy phép trang bị vũ khí cá nhân và áo giáp, đi thành đoàn và thuê quân cảnh áp tải hàng. Cho đến giờ, ngẫm lại, Jason thấy mình thật liều. Các container hàng chở đến thường lỗ chỗ vết đạn, hai trong số đó bị cướp dọc đường, mỗi chiếc mang theo lượng hàng trị giá 110.000 USD. “Ở chỗ đánh nhau này thì chẳng có bảo hiểm gì cả. Mất là mất. Có thế thôi”, Jason kể lại.

Quyết đoán và liều lĩnh đã mang lại lợi nhuận cho anh em Araghi. Từ 20.000 USD đầu tư ban đầu và quán cà phê duy nhất, nay, họ đã có một công ty trị giá 20,8 triệu USD và 68 cửa hàng trong hoặc gần căn cứ quân sự Mỹ. Ngay tại Mỹ, Green Beans có 4 cửa hàng ở Kentucky, California, Oklahoma và dự định mở thêm 8 cái nữa cuối năm nay.

Với Jason Araghi, “điều khiến tôi bực mình nhất là một số người gắn công việc của tôi với chính trị, cho rằng tôi kiếm lợi nhuận bằng chiến tranh. Chúng tôi chỉ là một công ty. Chúng tôi chỉ muốn phục vụ khách hàng, bất kể là ai. Chiến tranh chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho ai cả. Khi không có chiến tranh, công việc làm ăn của chúng tôi còn ổn định hơn”.

Cũng để xoa dịu những nỗi đau chiến tranh, Jason bỏ ra 2% doanh thu mỗi năm của Green Beans cho vào các quỹ từ thiện dành cho các cựu chiến binh Mỹ.

————————–
Tuấn Minh (Theo Reader’s digest và ABCNews)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng