Giá cà phê tăng mạnh: Càng khuyên ngăn, trồng càng nhiều

Giá cà phê  tăng mạnh, có lúc đạt 41.000 đồng/kg đã khiến nhiều người dân Tây nguyên đổ xô trồng cà phê, bất chấp mọi sự rủi ro và khuyến cáo của chính quyền địa phương…

Ông Ama Thái ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pách, Đắc Lắc hiện có 2ha cà phê mười năm tuổi. Năm 2007, ông chặt bỏ 1ha cây bắp lai để trồng thêm cà phê.

dien-tich-ca-phe
Diện tích cà phê tăng thêm 22.000 ha cà phê trong năm 2007

Bỏ bắp trồng cà phê

Tháng 3-2008, Ama Thái phá nốt 0,6ha dưa hấu để trồng cà phê. “Giá cà phê năm ngoái là 29.000 đồng/kg và năm nay đã lên đến 40.000 đồng/kg, mình thấy trồng cà phê có lợi hơn hẳn so với trồng bắp, đậu, dưa hấu. Mình nghĩ từ nay cà phê không thể rớt giá thê thảm như năm 1999 chỉ có 4.000 đồng/kg nữa đâu, bởi nước ta gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) rồi mà!” – Ama Thái tự tin nói.

Anh Yrích Kbua ở xã Ea Kiết, huyện Chư Mgar từ năm ngoái đến nay đã bỏ 4ha bông vải sang trồng cà phê. Anh Yrích cho biết: “Trồng bông vải tuy đầu tư ít nhưng giá rẻ quá. Trồng cà phê phải đầu tư nhiều hơn nhưng giá cao như từ năm ngoái trở lại đây thì vẫn có lợi hơn nhiều”. Theo anh Yrích, chính quyền xã có khuyên bà con không nên trồng mới cà phê nhiều vì sợ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và lo ngại cà phê lại sụt giá thê thảm nhưng nhiều người vẫn không nghe.

Ở xã Ea Ral, huyện Ea Hleo đất canh tác không còn, bà con đành khai thác tất thảy mọi “đầu thừa đuôi thẹo” ngoài nương rẫy, đất trồng bí quanh nhà để “thả” cây cà phê xuống. Chỉ riêng năm 2007, toàn xã Ea Ral đã trồng mới được 93ha cà phê. Chủ tịch UBND xã Ea Ral Nguyễn Hoài Linh cho biết xã không khuyến khích các hộ trồng mới cà phê vì về lâu dài không đảm bảo đủ nước tưới thì chất lượng cà phê sẽ kém. Tuy nhiên, khuyến cáo là trách nhiệm của chính quyền, còn nghe hay không là quyền của dân. “Người dân đã được cấp quyền sử dụng đất, giá cà phê tăng cao, thấy có lợi là họ trồng, không có chính quyền nào ép họ phải trồng cây này hoặc phải nuôi con kia được cả”, ông Linh nói.

Nhiều cà phê, thiếu nước tưới

Theo các chuyên gia nông nghiệp, năng suất, chất lượng cà phê phụ thuộc nguồn nước tưới. Lượng nước tưới cho cây cà phê tốn gấp ba, bốn lần so với các loại cây công nghiệp khác. Thế nhưng nhiều năm qua Tây nguyên thường xuyên bị hạn hán, nhiều nơi thiếu nước tưới.

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên đã nhiều lần khuyến cáo: cùng với việc dừng tăng thêm diện tích cà phê, cần chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng các loại cây khác có khả năng chịu hạn tốt hơn nhằm cân bằng sinh thái và để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây nguyên diễn ra rất chậm chạp.

Qui hoạch của ngành nông nghiệp là không phát triển thêm diện tích cà phê, chỉ đầu tư thâm canh tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm cà phê xuất khẩu trên diện tích 500.000ha hiện có. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương định hướng đó không đơn giản vì thiếu các biện pháp hỗ trợ.

Thôi trồng cà phê thật là khó

Trước đây Công ty cà phê Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc đã vận động bà con các dân tộc buôn Tung, xã Ea Na chuyển đổi 70ha cà phê thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang trồng ca cao, bà con trồng ca cao nhưng đã bảy năm qua mà không có quả dẫn đến đói kém, nợ nần chồng chất… “Rõ ràng là chỉ đề ra chủ trương chung chung, hô hào chung chung mà không có chính sách cụ thể thì khó ngăn được tình trạng phát triển diện tích cà phê như hiện nay”, ông Hoàng Thanh Tiệm – viện trưởng Viện Nông lâm nghiệp Tây nguyên, nhấn mạnh.

Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Dương Thanh Tương, để kiềm chế diện tích cà phê trồng mới, giảm thiểu rủi ro cho người trồng cà phê, Chính phủ phải ban hành ngay một chính sách cụ thể đối với nông hộ chí thú đầu tư thâm canh cà phê cũ. Tỉnh Đắc Lắc hiện có gần 171.000ha cà phê, tới đây sẽ tuyên truyền sâu rộng trong nông dân rằng trồng mới cà phê là “lợi bất cập hại”; chỉ rõ cho mọi người thấy bài học rủi ro năm 1999 khi giá cà phê tụt xuống còn 4.000 đồng/kg, và tháng ba năm nay giá cũng đã rớt từ 41.000 đồng xuống còn 35.000 đồng/kg do giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh là do yếu tố đầu cơ…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng