Tên gọi cho hợp đồng và thị trường kỳ hạn chuẩn (futures contract)

Các loại công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng “forward”, hợp đồng “futures”, hợp đồng quyền chọn (option), hợp đồng hoán chuyển (swap) đã có mặt ở Việt Nam trong tầm chục năm trở lại đây. Xét riêng phần tên gọi, hợp đồng quyền chọn và hoán chuyển đã có tên gọi thống nhất.

Chỉ riêng hợp đồng “forward” và hợp đồng “futures” thì có tên việt hóa khá rối rắm, dễ bị nhầm lẫn.

Hợp đồng “forward” được gọi là “hợp đồng kỳ hạn”, “hợp đồng triển hạn”; hợp đồng “futures” được gọi với nhiều danh xưng hơn, nào là: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng giao sau.

Sự nhập nhằng về tên gọi này diễn ra từ văn bản luật cho đến văn bản dưới luật; từ văn bản hàn lâm nghiên cứu đến các bài báo, bài viết chuyên đề; từ trên bàn thảo luận của các chuyên gia đến các hợp đồng của các thương nhân. Sự lúng túng trong tên gọi này được chính các nhà làm nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà làm chính sách, các nhà kinh doanh cũng như giới truyền thông thừa nhận.

Dù là mọi người đều có mong muốn thống nhất tên gọi quy ước để tránh các trường hợp hiểu lầm nhưng cho đến nay hầu như chưa có một đề xuất nào được cho là thỏa đáng.

Hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng tương lai
Hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng tương lai

Rối từ tập quán đến các văn bản pháp quy

Tên gọi “hợp đồng kỳ hạn” xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Thuở mới xuất hiện, “hợp đồng kỳ hạn” không phải là thuật ngữ luật định mà chỉ được dùng trong học thuật, tập quán kinh doanh và được dùng cho hợp đồng “forward”.

Sau đó, các công cụ tài chính phái sinh phức tạp như hợp đồng “futures”, “option” xuất hiện và được giới học thuật, kinh doanh giới thiệu vào Việt Nam. Khi chuyển ngữ hợp đồng “futures” sang tiếng Việt, giới nghiên cứu và học giả bắt đầu có sự lúng túng khi đề cập đến loại hợp đồng này trong các ấn phẩm của mình.

Nhìn chung, các học giả đều có ý tránh nhầm lẫn với hợp đồng kỳ hạn (forward) nên đã cố gắng đề xuất tên gọi mới là hợp đồng giao sau, hợp đồng tương lai. Có vài học giả còn đề xuất dùng “hợp đồng triển hạn” cho “forward” và “hợp đồng kỳ hạn” cho “futures”. Việc này làm cho việc sử dụng thuật ngữ càng rối hơn, khi mà “hợp đồng kỳ hạn” được dùng cho cả hợp đồng “forward” và “futures”. Mỗi người một ý, nhưng hầu như ai cũng đồng tình là các thuật ngữ gợi ý này chưa thực sự thuyết phục và mọi người trông chờ sự thống nhất từ phía nhà nước.

Nhưng thực tế đáng tiếc là các văn bản pháp quy lần lượt ra đời sau đó càng cũng cố thêm cho sự phân mảnh vốn có này. Luật thương mại năm 2005, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Thương mại – nay là Bộ Công Thương, là văn bản pháp quy đầu tiên giới thiệu các hợp đồng “futures” với tên gọi là “hợp đồng kỳ hạn”. Sau đó một năm, Luật Chứng khoán năm 2006, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, cũng giới thiệu sản phẩm phái sinh và hợp đồng “futures” lúc này được gọi là “hợp đồng tương lai”.

Các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành sau đó cũng lập lại thuật ngữ theo hai hướng như vừa nêu. Để an toàn, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 và các hướng dẫn của nó liệt kê luôn cả “hợp đồng kỳ hạn” và “hợp đồng tương lai” trong danh sách các sản phẩm phái sinh mà không có định nghĩa giải thích thuật ngữ đi kèm. Thuật ngữ “hợp đồng giao sau” không được thừa nhận trong bất kỳ văn bản pháp quy nào.

Chính sự không đồng nhất này làm cho người dùng (sinh viên, nhà nghiên cứu, học giả, doanh nghiệp, nhà quản lý) cứ mãi băn khoăn khi sử dụng. Họ phải định danh lại tên gọi mỗi khi dùng. Đó là chưa kể đến các xung đột pháp luật, các tranh chấp có thể xảy ra do việc dùng tên gọi không thống nhất và hệ lụy của nó chắc cũng không nhỏ. Vì thế, việc tìm kiếm các tên gọi phản ánh nội hàm của  hợp đồng “forward” và “futures”, có tính thuyết phục cao và được thống nhất sử dụng là điều cần thiết.

Luận về nội hàm

Các tài liệu học thuật trên thế giới thường dành một phần đặc biệt để phân biệt hợp đồng “forward” và hợp đồng “futures” mỗi khi giới thiệu các công cụ tài chính phái sinh.

Về nguyên lý, cả hai loại hợp đồng này đều là những thỏa thuận trong đó các bên mua hoặc bán một loại hàng hóa xác định trong một thời hạn và với một mức giá định trước. Chúng cùng được xem là những công cụ phái sinh.

Nhưng khi xét trên từng điều khoản cơ bản, từng vấn đề pháp lý riêng rẽ của hợp đồng “forward” và hợp đồng “futures”, chúng hầu như hoàn toàn khác nhau:

Hợp đồng “Forward” Hợp đồng “Futures”
Định nghĩa Hợp đồng “forward” là một thỏa thuận giữ hai bên để mua hoặc bán một tài sản (bất kỳ) ở một thời điểm định trước. Hợp đồng “futures” là một loại hợp đồng được tiêu chuẩn hóa, được mua bán trên sàn giao dịch “futures”, để mua hoặc bán một vài hàng hóa cơ sở vào một ngày được xác định trong tương lai và với một mức giá định trước.
Phương pháp giao dịch Thương lượng trực tiếp giữa 2 bên mua và bán. Theo dõi giá niêm yết và đặt lệnh mua bán qua Sàn.
Cấu trúc hợp đồng Tự do thỏa thuận. Tiêu chuẩn hóa (được công bố bởi sàn giao dịch)
Khối lượng hợp đồng Tự do thỏa thuận Tiêu chuẩn hóa (được công bố bởi sàn giao dịch)
Chất lượng hợp đồng Tự do thỏa thuận Tiêu chuẩn hóa (được công bố bởi sàn giao dịch)
Giá hợp đồng Tự do thỏa thuận Giá niêm yết trên sàn giao dịch
Ngày giao hàng Tự do thỏa thuận Tiêu chuẩn hóa (được công bố bởi sàn giao dịch)
Nơi giao hàng Tự do thỏa thuận Tiêu chuẩn hóa (được công bố bởi sàn giao dịch)
Biện pháp bảo đảm Không có bảo đảm thanh toán. Việc thanh toán diễn ra vào ngày giao hàng dựa trên mức giá được xác định trước. Cả hai bên mua và bán đều phải ký quỹ bảo đảm thanh toán (margin). Giá trị của hợp đồng sẽ được tính trên cơ sở giá thị trường. Lời, lỗ được kết toán mỗi ngày và được bù trừ vào chính tài khoản ký quỹ.
Định chế bảo đảm
thanh toán
Giữa các bên Cơ quan thanh lý – bù trừ
Thanh lý hợp đồng Hợp đồng Forward thông thường được thanh lý sau khi giao hàng Việc giao hàng không nhất thiết là căn cứ để thanh lý hợp đồng Futures. Việc mua hay bán một hoặc nhiều hợp đồng ở vị thế ngược lại để xóa bỏ vị thế hiện có cũng được chấp nhận như là căn cứ từ bỏ nghĩa vụ của hợp đồng.
Luật lệ điều chỉnh Luật dân sự, thương mại Luật tổ chức thị trường – sàn giao dịch.

Nhìn chung, hợp đồng “futures” khác biệt với hợp đồng “forward” dựa trên sự có mặt của 2 định chế tài chính đặc biệt: Sở giao dịch (Exchange) tổ chức, quản lý mọi giao dịch và chuẩn hóa hợp đồng “futures”, Cơ quan thanh lý bù trừ (Clearing house) đảm bảo thanh toán của mọi giao dịch “futures” và yêu cầu nghĩa vụ tài chính đối với các bên tham gia.

Căn cứ pháp lý

Soi chiếu hai loại hợp đồng này qua lăng kính pháp lý, chúng ta có thể nhận diện và định vị chúng trong luật pháp về hợp đồng của Việt Nam.

Hợp đồng “forward” chỉ là hợp đồng mua bán hàng hóa theo luật thương mại# hay thậm chí là một hợp đồng dân sự# thuần túy với điều khoản đặc biệt về thời hạn giao hàng: giao sau, giao trong tương lai hay giao theo kỳ hạn#.

Trong khi đó, hợp đồng “futures” là một hợp đồng thương mại đặc thù được quy định trong Mục 3 Luật Thương mại 2005# (Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa) và Luật Chứng khoán 2006#.

Cụ thể, Điều 64- Khoản 1, 2 Luật Thương mại định nghĩa “Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn” và “Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng”. Nghị định 158/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa không hề đề cập hoặc giải thích thêm về định nghĩa hợp đồng kỳ hạn.

Khoản 8 Điều 6 Luật Chứng khoán qui định: “Hợp đồng tương lai là cam kết mua hoặc bán các loại chứng khoán, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán nhất định với một số lượng và mức giá nhất định vào ngày xác định trước trong tương lai.”

Đành rằng “hợp đồng kỳ hạn” hay “hợp đồng tương lai” đều được ngầm hiểu là hợp đồng “futures” nhưng nếu qua Sở giao dịch hàng hóa thì với tên gọi là “hợp đồng kỳ hạn”, còn nếu đối tượng là chứng khoán thì với tên gọi là “hợp đồng tương lai”.

Với cách định nghĩa như thế này, không rõ là vô tình hay do chủ ý, vừa tạo nên sự mơ hồ, không phân định, vừa tạo trùng lặp không cần thiết.

Xét cho cùng, “hợp đồng futures” có đặc điểm nhận dạng là những điều khoản được tiêu chuẩn hóa; giao dịch có điều kiện là tiền bảo chứng (margin) và việc thanh toán được bảo đảm bởi Cơ quan thanh lý bù trừ. Vì chính nhờ những đặc điểm này, hợp đồng futures trở thành một công cụ tài chính.

Do đó, bất kể đối tượng giao dịch của nó là chứng khoán hay hàng hóa, “hợp đồng futures” chịu chế tài bởi thiết chế pháp lý đặc biệt dành cho thị trường tài chính cao cấp. Vì thế mà việc hợp nhất “hợp đồng kỳ hạn” trong mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch và “hợp đồng tương lai” trong thị trường chứng khoán là một việc không thể không thực hiện theo hướng pháp điển hóa và phù hợp xu thế quốc tế.

Thêm nữa, nếu tách riêng định nghĩa “hợp đồng kỳ hạn” và “hợp đồng tương lai” theo luật Việt Nam, liệu chúng có được phép tồn tại độc lập với Sở giao dịch, cơ quan thanh lý hay không?

Hệ quả pháp lý của chúng thực sự là khác nhau. Nếu chúng chỉ tồn tại thông qua Sở giao dịch và Cơ quan thanh lý thì định nghĩa hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai trùng khớp với nội hàm của hợp đồng “futures”. Ngược lại, nếu chúng được phép tồn tại độc lập với các cơ quan trên thì các tên gọi này dùng chung cho hợp đồng “forward” và hợp đồng “futures”. Vậy, như thế nào là hiểu đúng? Các văn bản hướng dẫn vẫn bỏ ngõ câu trả lời.

Kết luận và hướng đề xuất

Vậy, tên gọi nào được xem là hợp lý cho “hợp đồng futures” và “hợp đồng forward”?

Đành rằng, nếu thuật ngữ sử dụng được định nghĩa, giải thích rõ ràng, được mọi người cùng chấp nhận và sử dụng thống nhất thì tính hợp lý của tên gọi không phải là vấn đề quan trọng. Thế nhưng, nếu thuật ngữ lựa chọn đã xét đến tính hợp lý của từ ngữ thì việc chấp nhận và ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn.

Đối với “hợp đồng futures”, trong số các cách gọi tên, tên gọi “hợp đồng giao sau” dùng cho “futures” được sử dụng khá rộng rãi trong giới học thuật trước đây và thậm chí còn kéo dài đến ngày nay. Tuy vậy, xét về nội hàm, cả hai hợp đồng “forward” và “futures” đều mang ý nghĩa “giao sau, giao trong tương lai” nên tên thuật ngữ “giao sau” dành cho hợp đồng “futures” không diễn tả được sự khác biệt về nội hàm của “futures” so với “forward”. Có thể đó cũng là lý do để các nhà làm luật không thừa nhận tên gọi chính thức hợp đồng “futures” trong luật Thương mại và Luật Chứng khoán. Tên gọi này vì thế cũng nên hạn chế hoặc ngừng sử dụng.

Hiện nay, hai thuật ngữ luật định được các nhà làm luật chọn dùng dựa trên 2 nguyên tắc: một theo lối dịch thuật, một theo lối ngữ nghĩa.

Tên gọi “hợp đồng tương lai” chẳng qua là thuật ngữ theo lối dịch thuật: phiên dịch thô từ “future” (nghĩa là tương lai) trong từ “futures contract”. Trong thực tế, thuật ngữ futures trong “hợp đồng futures” luôn có “s” ở cuối từ.

Tên gọi “hợp đồng kỳ hạn” theo lối ngữ nghĩa, có phần dễ nghe và gần với nội hàm “hợp đồng futures” hơn – với ý nghĩa là “hợp đồng có thời hạn – theo các kỳ (định trước)”.

Trước khi bàn về tính đúng đắn của hai hướng lựa chọn này, chúng ta tham khảo kinh nghiệm của Pháp, nơi mà các công cụ phái sinh ra đời muộn hơn so với các nước Anglo-Saxon. Họ cũng gặp phải vấn đề không thống nhất trong tên gọi. Một số ít (rất ít), chủ yếu là các nhà học thuật, sử dụng lối dịch thuật (contrat future), số còn lại, bao gồm các văn bản pháp lý và hầu hết các tài liệu chính thống đều sử dụng tên gọi theo lối ngữ nghĩa (contrat à terme – kỳ hạn).

Đấy cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam, ta nên lựa chọn tên gọi theo lối ngữ nghĩa (kỳ hạn) dành cho “hợp đồng futures” khi pháp điển hóa loại hợp đồng này.

Đáng tiếc là “hợp đồng forward” cũng có tên gọi tương tự. Tên gọi “hợp đồng kỳ hạn” tuy chỉ là một tập quán trong kinh doanh quốc tế (không phải là tên gọi luật định) dùng cho “forward” nhưng nó vẫn được sử dụng phổ biến và ít có cơ hội xóa bỏ. Dù đã được các học giả gợi ý thay thế để tránh nhầm lẫn, tên gọi “hợp đồng triển hạn” dùng cho forward vẫn không được chào đón rộng rãi.

Để tránh sự lầm lẫn của từ ngữ “kỳ hạn” dành cho “forward” và “futures”, theo thiển ý của tác giả, chúng ta vẫn có thể duy trì tập quán dùng “kỳ hạn” cho “forward” và áp dụng thuật ngữ mới cho “futures” là “kỳ hạn chuẩn”. Từ “chuẩn” ở đây rất đắt giá vì hàm chứa tất cả các yếu tố “tiêu chuẩn hóa” (standardization) bởi thiết chế luật đặc biệt của nhà nước và của Sàn giao dịch. Tính “chuẩn” là cũng là căn cứ phân biệt một cách đầy đủ hợp đồng “forward” (không được chuẩn hóa) và hợp đồng “futures” (được chuẩn hóa).

Tóm lại, tên gọi cho tối ưu và hợp lý nên dùng cho hợp đồng “futures” và “forward” là như sau: “hợp đồng kỳ hạn” dùng cho “hợp đồng forward”, “hợp đồng kỳ hạn chuẩn” dùng cho “hợp đồng futures” và “thị trường kỳ hạn chuẩn” dùng để chỉ “thị trường futures”.

>> Nên gọi “futures market” là thị trường kỳ hạn hay tương lai?

Y5Cafe xin trích đăng lại từ blog của anh Lê Hoàng Nhi (https://lehoangnhi.wordpress.com/2012/10/15/ten-goi-cho-hop-dong-va-thi-truong-ky-han-chuan-futures-contract/)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Vịnh

    Văn bản thị trường dùng từ “Futures” chứ không dùng từ “Future”, mà sao cứ dịch là “Tương lai” nhỉ ?!

Tin đã đăng