Vụ thu hoạch mới chỉ bắt đầu nhưng nhiều người dân trồng cà phê không khỏi lo lắng dù năng suất tăng cao nhưng giá có dấu hiệu sụt giảm, không được như kỳ vọng.
Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang chính thức bước vào vụ thu hoạch cà phê. Từ mọi ngả đường, những chiếc công nông, xe tải nhỏ chở theo đoàn người cùng tiến về những vườn cà phê chín rộ, chờ thu hoạch.
Năng suất cao hơn năm ngoái
Đi dọc trên những triền đồi của huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh từng nhóm công nhân thu hái cà phê, rộn rã tiếng cười. Cũng như mọi năm, lượng người hái cà phê ở nhiều nơi đổ về Gia Lai rất đông. Chính vì việc thu hoạch cà phê chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng nên nhiều người đã tận dụng thời gian hái thuê, kiếm thêm thu nhập.
Tại vườn cà phê 3ha của gia đình ông Phạm Văn Trung (làng A Mơng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), hàng chục công nhân đang đua nhau vuốt từng chùm quả cà phê rơi xuống bạt. Chẳng mấy chốc, bạt lại đầy ắp cà phê rồi được trút vào bao tải đưa lên xe chở đi.
Ông Trung cho biết, thời tiết năm nay thuận lợi giúp cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Trung bình 1ha cà phê của gia đình cho thu hoạch khoảng 20 tấn tươi (khoảng 4,5 tấn nhân), cao hơn so với mùa vụ năm ngoái.
Tương tự, tại vườn cà phê 2ha của gia đình ông Nguyễn Văn Ba (làng AL, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh), những chiếc bạt lớn được phủ quanh các gốc cà phê để các công nhân thu hái theo kiểu “cuốn chiếu”, tránh bỏ sót.
Chỉ mất vài phút, cà phê lại rơi đầy bạt, người thu hái trút vào bao tải đưa ra xe công nông đợi sẵn. Ông Ba cho biết, vườn cà phê năm nay cho năng suất cao, chỉ cần hái 2-3 cây là đã đầy 1 bao. Cứ thế, cà phê được hái hết lô này đến lô khác, tiếng quả cà phê rơi lộp bộp như mưa xuống nền bạt. Những công nhân vừa hái vừa trêu đùa, còn ông Ba đứng nhìn nở nụ cười mãn nguyện như báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Theo ước tính của ông Ba, năm nay vườn cà phê của gia đình cho sản lượng trên 20 tấn cà phê tươi/ha, so với mùa vụ năm ngoài cao hơn khoảng hơn 10%.
Ngược về huyện Ia Grai, nhiều vườn cà phê cũng bắt đầu thu hái. Tại nông trường Ia Sao 2 (xã Ia Sao, huyện Ia Grai), vườn cà phê rộng lớn hàng trăm ha bắt đầu chín rộ, quả trĩu cành. Ông Phạm Ngọc Bảy, Đội trưởng Đội 10, Nông trường Ia Sao 2 đang kiểm tra độ chín của quả, chờ ngày thu hái.
Ông Bảy cho biết, Nông trường Ia Sao 2 có hơn 400ha cà phê, chỉ khoảng hơn chục ngày nữa sẽ bắt đầu cho thu hoạch đồng loạt. Dù vườn cà phê có nhiều diện tích cây bị già cỗi cùng một vườn cây mới cho thu hoạch nhưng năng suất trung bình cũng đạt khoảng 18 tấn tươi/ha. So với năm ngoái, năng suất cà phê năm nay có nhỉnh hơn đôi chút.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng gần 18 ngàn ha cà phê, trong đó hơn 16 ngàn ha cà phê kinh doanh.
Hiện thời điểm này bà con trên địa bàn huyện Ia Grai đã thu hoạch được hơn 20% diện tích. Đối với niên vụ cà phê năm 2022, năng suất tăng từ 10-15% so với năm 2021. Trung bình 1ha đạt khoảng 3,5 tấn nhân, thậm chí có những diện tích bà con đầu tư bài bản thì 4-5 tấn nhân/ha.
Xem thêm: Tròn 100 năm cây cà phê đến với Đắk Lắk, trở thành cây trồng chủ lực
Hồi hộp chờ giá bán
Dù năng suất năm nay hứa hẹn được mùa, song giá cả vẫn là mối quan tâm nhất của người trồng cà phê. Hiện giá cà phê đang có xu hướng giảm dần theo từng ngày, khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng.
Ông Bảy cho biết, khoảng 10 ngày trước khi bắt đầu vào vụ thu hoạch, người dân trong vùng rất phấn khởi với giá cà phê tăng vọt lên 46.000 đồng/kg nhân. Còn hiện tại, giá đã giảm sâu xuống còn 41.000 đồng/kg nhân. Nếu giá này cứ giữ nguyên trong những ngày tới, hoặc giảm hơn nữa, người dân xem như thất bại với vụ cà phê năm nay.
Lý do được ông Bảy đưa ra là do phân bón trong tăng quá cao, thậm chí gấp đôi so với năm ngoái, trong khi sản lượng tăng không đáng kể.
“Phân bón, nước tưới, nhân công… trung bình 1 năm cũng hết 60 triệu/ha, cùng với các khoản đầu tư khác, như vậy sao mà có lời được”, ông Bảy chia sẻ.
Cũng lo sợ giá cà phê không ổn định, ông Phạm Văn Trung cho biết, khoảng hơn 10 ngày trước, khi mới bắt đầu vụ thu hoạch, giá 1kg cà phê tươi có giá 9.300 đồng, hiện tại đã giảm xuống còn 8.600 đồng và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Với giá hiện tại, cộng phân bón tăng gần gấp đôi như hiện nay, người dân xem như không có lợi nhuận.
“Trung bình 1ha thu hoạch khoảng gần 200 triệu đồng, trong khi tiền phân bón đầu tư hết hơn 60 triệu đồng, cộng với việc thuê nhân công thu hái, chi phí vận chuyển… chưa kể phải dành ra khoản tiền tái đầu tư cho mùa vụ năm sau, xem như người dân không có lãi”, ông Trung tính toán.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, hiện các thành viên trong HTX có trên 500ha cà phê, trong đó trên 200ha trồng theo tiêu chuẩn 4C để phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Năm nay, các thành viên rất chú trọng khâu chăm sóc, đầu tư cho cây cà phê nên năng suất dự kiến đạt khoảng 22-25 tấn tươi/ha.
Tuy nhiên, giá cà phê đang giảm sâu trong những ngày qua đang trở thành mối lo ngại rất lớn cho các hộ dân.
“Để cà phê đạt năng suất trên 22 tấn tươi/ha, các hộ dân phải chấp nhận bỏ chi phí đầu tư phân bón khá lớn, thậm chí lên đến hơn 80 triệu đồng/ha. Chưa kể, thuê nhân công hái cà phê cũng bào mòn rất nhiều chi phí, thậm chí lên đến vài chục triệu đồng. Với giá 41.000 đồng/kg nhân thu về cũng chỉ được khoảng 200 triệu đồng, hoạch toán chi phí để thấy rằng, người dân bị bào mòn lợi nhuận”, ông Thanh chia sẻ.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của tỉnh Gia Lai, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) cho biết, giá cà phê giảm xuống liên tục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người trồng cà phê.
Theo lý giải, hiện nay tiền đổ vào bất động sản nhiều quá, nên ngân hàng không giải ngân tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua cà phê, dẫn đến cà phê bị ép giá.
Theo ông Hiệp dự đoán, giá cà phê sẽ giảm còn dưới 40 ngàn đồng/kg nhân và còn tùy theo lãi suất (lãi suất càng tăng thì giá cà phê càng giảm). Nếu giá cà phê mà giá dưới 40 ngàn đồng thì người trồng lãi không bao nhiêu bởi chi phí vật tư rất cao, phí nhân công và lãi suất cũng cao. Hơn nữa doanh nghiệp cà phê không có tín dụng không mặn mà mua hàng, mua tới đâu giải quyết tới đó.
“Do ngân hàng giải ngân tín dụng cho doanh nghiệp nên từ đầu mùa vụ, chúng tôi cũng chưa thu mua được bao nhiêu cà phê. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Hiệp chia sẻ.
hái xanh như vậy bảo sao mãi chả lên được giá