Lo ngại rủi ro vẫn còn cao nên các giới đầu cơ tiếp tục thanh lý vị thế ròng trên cả hai thị trường kỳ hạn khi ngày giao hàng đầu tiên (FND) của kỳ hạn tháng Năm cũng gần kề…
Tính chung cả tuần 15, thị trường London có 1 phiên tăng đầu tuần và 3 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 4 USD, tức giảm 0,19 %, xuống 2.087 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 3 USD, tức tăng 0,14 %, lên 2.099 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 8 USD, tức tăng 0,38%, lên 2.102 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York cũng có 1 phiên tăng đầu tuần và 3 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 8,05 cent, tức giảm 3,48 %, xuống 223,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 7,80 cent, tức giảm 3,37 %, còn 223,75 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm 0 – 100 đồng, xuống dao động trong khung 40.000 – 40.600 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn sụt giảm liên tiếp do đầu cơ thanh lý vị thế, chuyển tháng kỳ hạn trước ngày đáo hạn thực hiện hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng Năm trên các thị trường. Ngoài ra, lo ngại lạm phát vượt mức và rủi ro tăng cao khi cuộc chiến ở Đông Âu có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới do các chính sách cấm vận của phương Tây, trong khi dịch bệnh covid-19 vẫn còn lây lan và các NHTW lớn đang xem xét để thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản tiền tệ tại các phiên họp chính sách sắp tới.
Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021/2022 từ các nước sản xuất vẫn còn nguyên, trong khi một số nước sản xuất chính như Brasil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu tỏ ra rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại. Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý vị thế ròng trên các thị trường kỳ hạn nói chung.
Hiệp hội các nhà rang xay cà phê Brasil (ABIC) đánh giá tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa Brasil đã tăng 1,70%, lên ở mức 21,50 triệu bao trong niên vụ 2020/2021, thấp hơn một chút so với nhiều dự báo thương mại. Tuy nhiên, vì Brasil phải đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng truyền thống chiếm tới 35 triệu bao cà phê mỗi năm. Do vậy, Brasil cần sản lượng cà phê ổn định tối thiểu ở mức khoảng 56,50 triệu bao mỗi năm mới đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.
Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cho thấy xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng Ba đạt 126.740 bao, giảm 119.991 bao, tức giảm 48,63% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, kết thúc niên vụ cà phê theo truyền thống (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), Indonesia đã xuất khẩu đạt tổng cộng 4.568.248 bao, tăng 1.327.903 bao, tức tăng 40,98% so với niên vụ cà phê 2020/2021 trước đó.
Anh Văn (giacaphe.com)