Chưa quên những mùa cà phê đắng

Với sự vào cuộc của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc, cây cà phê chè đã khẳng định được tính bền vững, hiệu quả và không ít gia đình ở Sơn La nay đã trở nên giàu có nhờ loại cây này. Tuy nhiên, nhắc lại thời kì trước năm 2000, ám ảnh về những mùa cà phê đắng vẫn còn tươi mới trong tâm trí nhiều người dân Tây Bắc.

Xem thêm:
>
Đoạn kết buồn của dự án cà phê chè


Kiểm tra vườn cà phê của nông dân

Khổ vì “nhiều cành, thì nhiều quả”

Có mặt tại vùng cà phê chè Mai Sơn (Sơn La) từ những năm 1999, anh Nguyễn Doãn Hùng, chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc (Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi Phía Bắc) nắm khá rõ “tính nết” của loại cây này. Theo anh Hùng, cà phê chè là loại cây khá dễ tính, thích hợp với nhiều loại đất như Bazan, Feralit, đất đỏ nâu vàng…Rễ cà phê chè ăn nông, thích hợp cả với độ dày đất trên 50cm, độ pH của đất từ 4,5-6…Cà phê chè có ưu điểm so với cà phê vối (trồng nhiều tại Tây Nguyên) là chất lượng thơm ngon. Vì vậy giá cà phê chè trên thị trường luôn cao hơn cà phê vối từ 1,5 đến 2 giá. Tuy nhiên, cà phê chè chỉ phát triển tốt ở độ cao trên 6-700m so với mực nước biển, với lượng mưa lớn (trên 1500ml/năm). Với điều kiện này, nhiều vùng đất ở Sơn La như Mai Sơn, TP Sơn La, Thuận Châu…có điều kiện rất tốt có thể trồng được cà phê chè.

Nhận thấy lợi thế này, từ những năm 1992-1993, một Cty rau quả ở Sơn La cũng đã từng mạnh dạn đầu tư, cho nông dân vay vốn mua giống, mua phân bón cung ứng cho nông dân mở rộng diện tích cà phê chè quy mô lớn. Tuy nhiên, do không được tập huấn hướng dẫn canh tác đúng kỹ thuật nên gần chục năm sau đó, cà phê chè chỉ tồn tại èo uột tại Sơn La. Tới cuối năm 1999, một đợt sương muối nặng lịch sử càn quét toàn Tây Bắc, khiến cho hàng nghìn hecta cà phê chè tại Sơn La và Lai Châu gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Nhiều nông dân vốn đã lay lắt với cây cà phê bỗng thành con nợ.

Kỹ sư Nguyễn Doãn Hùng nhớ lại: Sau đợt sương muối cuối năm 1999, các cán bộ của Trung tâm nghiên cứu cà phê chè Ba Vì (nay chuyển về Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc) được điều động lên Sơn La nghiên cứu xem dân trồng cà phê thế nào để tìm hướng khắc phục hậu quả. Điều đáng buồn là mặc dù lúc đó, diện tích cà phê của Sơn La không nhỏ, xấp xỉ 7-8 nghìn hecta nhưng xem cách người dân trồng cà phê thì rất buồn cười. Để minh chứng cho điều này, anh Hùng dẫn tôi gặp lại bà Trần Thị Diên, một trong những hộ dân tiên phong ở HTX III, Đội 1, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn).

Dẫn tôi ra thăm vườn cà phê trĩu hạt, bà Diên kể lại cách trồng cà phê chè ở Mai Sơn một thời nghe đến buồn cười. Những năm 1993, khi có Cty rau quả phát động phong trào trồng cà phê rầm rộ, dân Chiềng Ban ào ào đi gom hạt, gieo giống. Nhà nào không gieo kịp giống thì lùng mua cây giống bất kỳ đâu lấy được. Cà phê từ thung lũng thấp, dần leo cả lên đồi cao. Lúc đi trồng, người ta chỉ đào 1 cái lỗ như cái bát tô, rồi giắt bừa cây giống xuống y như trồng keo lai vậy. Sau đó, có bao nhiêu phân bón do Cty cung cấp, người dân chỉ đào một cái lỗ khác và tống hết xuống cho xong chuyện. Tất nhiên là phân chuồng, vôi bột, rồi thì kỹ thuật bón lót, bón thúc…thế nào chẳng ai quan tâm.

Bà Diên bảo, lúc đó dân Chiềng Ban có quan niệm là cứ trồng cà phê thật dày, càng dày thì càng được nhiều cành, nhiều quả. Vậy nên cây cà phê nào sống sót, người ta không tỉa nhánh, cắt ngọn, duy trì độ cao 1,8-2m như bây giờ mà để mặc sức nó vươn cao tới đâu thì tới. Cây cà phê đã trồng dày tịt, chen chúc nhau nên vươn cao chót vót như cây tre cây nứa. Vì thế lúc thu hoạch, người ta phải vít ngọn xuống mà tuốt quả, khiến cho vườn cà phê xơ xác, xiêu vẹo. Gặp lúc mưa to, đất nhão ra thì cả vườn cà phê ngã rạp xuống, tan tành.

Tới năm 1999 khi dính đợt sương muối nặng, những đồi cà phê chè đang sắp cho thu quả bỗng đen sì rũ rượi. Có người chặt bỏ gốc, chuyển sang trồng ngô và khiếp cà phê luôn cả đời. Riêng nhà bà Diên thì ôm theo cả một đống nợ tiền phân, tiền giống lên tới hàng trăm triệu đồng – một số tiền không nhỏ vào năm 1999. Hai hecta cà phê chỉ còn trơ lại gốc bị bỏ chỏng chơ trên đồi từ sau đận ấy.

Làm đúng thì sẽ trúng

Ông Vũ Ngọc Lợi, chồng bà Diên kêt thêm: Tới năm 2002, trong lúc hai hecta cà phê dính sương muối chỉ còn trơ gốc, đang định phá đi vãi ngô thì có cánh chị Qúy, anh Hân ở Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc về hiến kế giúp đỡ gượng dậy. Những gốc cà phê bị sương muối gây hại được cán bộ trực tiếp ghép mới hoàn toàn bằng giống cà phê chè NT1 và NT2. Tới năm 2003, những gốc ghép bắt đầu phát triển tốt trở lại. Mạo hiểm nghe lời cán bộ, ông Lợi bà Diên tiếp tục vay vốn đầu tư trồng mới hơn 2 hecta cà phê chè giống Catimo.

Về kỹ thuật: các vườn cà phê trồng mới được hướng dẫn trồng thưa theo khoảng cách hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,2m. Lúc trồng phải đào hố sâu 50cm, rộng 50cm, bón lót đúng tỉ lệ phân lân, vôi bột, phân chuồng…Trong 3 năm đầu cây con chưa lớn, cán bộ hướng dẫn trồng xen các loại cây họ đậu như lạc, đỗ tương…để tăng thu nhập và cải tạo, giữ độ ẩm, chống xói mòn đất. Đối với bón phân, khác với việc bón tống tháo một lần như trước đây, việc bón phân được chia ra 3-4 lần/năm theo lượng nhất định. Đặc biệt, vườn cà phê được đưa vào trồng xen kẽ theo hàng các loại cây che tán như tràm Cuba hoặc cây ăn quả, vừa giữ được độ ẩm cho đất, vừa che chắn sương muối cho cà phê. Sau này, năm nào hình như cũng có sương muối nhưng cà phê không còn bị sương muối ăn như trước nữa. Thấy cán bộ nói đúng quá nên bây giờ bà con ở Chiềng Ban đã nghe lời răm rắp”.

Năm 2005, thấy vườn cà phê của ông Lợi, bà Diên trồng theo hướng dẫn của cán bộ, vụ đầu đã cho thu hoạch trúng đậm, năng suất tới 20 tấn/hecta, thu nhập hơn 200 triệu đồng, người Chiềng Ban mới biết rằng, trước đây mình làm chưa đúng kỹ thuật.

Về Chiềng Ban, Thát Lót, Nà Pó…(Mai Sơn, Sơn La) bây giờ, thấy những đồi cà phê chè đã thẳng đều tăm tắp. Dân bảo không còn tiếc nhiều cành, nhiều cây như trước nữa mà đã biết trồng thưa, rồi tỉa cành, cắt ngọn, hãm chiều cao, trồng cây tán nắng, bón phân răm rắp theo kỹ thuật…Năng suất cà phê đã lên tới 15-20 tấn/hecta.

Theo báo Nông Nghiệp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Vinh Bao Lam

    Nhà báo ơi cho em xin chữ ký đi , có viết lộn không??? 1 ha mà thu 15 đến 20 tấn cafe , cho em xin cái trang bìa của cuốn sách trồng cafe đi..
    Cam on

  2. Huỳnh Văn Hòa

    Anh em ơi. Mau bán vườn cà phê ở Đăklăk đi di cư lên Tây Bắc trồng lấy 5ha sau 5năm là tỉ phú rồi!!!! Đúng là nhà báo???

  3. Vinh Bao Lam

    Ok thôi. Let’s go go…, Hình như nhà báo này là “dân nhà vườn ở đường nhựa” hay là ổng uống cafe phê quá nên phan đại. hay là Tây Bắc co giống cafe gì mà năng xuất ghê gớm qua. Cây cafe chè, catimo năng xuất tối đa là bao nhiêu vậy mấy bạn, ai có giống này bán cho minh cho mình đi. Vì mình định trồng Ở Bảo Lâm .
    Cam on

  4. Cao Trần

    chắc bác nhà báo viết nhầm, em nghĩ ý của bác ấy là “Năng suất cà phê đã lên tới 15-20 tấn/ 10 hecta.” =))

  5. Kinh Vu

    Một số nông dân các vùng khác như miền Bắc hay A lưới (Thừa Thiên – Huế) hoặc các Nông trường viên, người ta thường tính năng suất bằng cà phê quả tươi đấy các bạn à, có điều chắc là anh nhà báo này không biết phần lớn các tỉnh Tây Nguyên chỉ tính năng suất bằng cà phê Nhân mà thôi cho nên không nói rõ.

  6. Trần tuấn anh

    Các bạn ạ, hiện tôi đang sinh sống và làm việc ở ngoài Bắc và trồng cà phê tại Điện Biên. Bây giờ tôi mới biết đến bài báo này, đọc mà thấy nực cười về người viết.
    Đúng một số tỉnh miền bắc tính năng suất cà phê là quả tươi đấy các bạn ạ.
    Ở đây tôi chỉ muốn nói đến góc độ của nhà báo. Có lẽ nhà báo này không biết chút gì về cây cà phê hay người chuyên viên đó nói sai cho nhà báo, bởi từ địa danh đến tên giống cũng viết sai. Hơn nữa, Tôi đã tiếp súc nhiều với cán bộ khoa học của Trung tâm Nghiên cứu cà phê Ba Vì thì chưa ai nói là cây cà phê dễ tính cả mà ngay cả tôi trồng cũng thấy thê.
    Vậy, có lẽ phải mời anh chuyên viên (Thái Doãn Hùng) đó lên để hướng dẫn thôi.
    Các bạn có biết NHÀ BÁO NÓI SAI có bị tội gì không nhỉ?.

  7. Trà Thu

    Ôi, bà con nông dân cần thật cẩn thận sau khi đọc bài báo này kẻo bà con lại bị lừa khi trồng cà phê không đúng yêu cầu sinh thái của cây nhé!

Tin đã đăng