Lời cảnh báo đầu tiên từ cây ca cao

Dự án trồng 241 héc ta ca cao của Công ty cà phê ca cao Krông Ana ở huyện Krông Ana, Dak Lak đã phá sản như một hồi chuông cảnh tỉnh nông dân cẩn thận khi chuyển đổi cây trồng và không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào cây trồng này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak, năm 2002, trước nhu cầu chuyển đổi cây trồng, tránh quá phụ thuộc vào cây cà phê, Công ty cà phê ca cao Krông Ana đã vay 9 tỉ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển lúc bấy giờ để đầu tư cho nông dân trồng 241 héc ta ca cao trên đất công ty đang giao cho nông dân nhận khoán.

Theo hợp đồng, công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, còn nông dân đầu tư công lao động, chăm sóc và thu hoạch với tỉ lệ ăn chia công ty hưởng 60% sản phẩm, 40% còn lại là của nông dân tính từ năm kinh doanh thứ 3 trở đi (tức năm thứ 6 kể từ lúc trồng).

Trên lý thuyết, cây ca cao cho năng suất năm kinh doanh thứ 1 (năm thu hoạch đầu tiên) là 1,5 tấn hạt/héc ta và năm kinh doanh thứ 6 cao nhất, khoảng 4 tấn hạt/héc ta, có nghĩa bình quân cả chu kỳ thu hoạch khoảng 3 tấn hạt/héc ta.

Trái ca cao
Trái ca cao

Thế nhưng dự án không mang lại mong đợi cho công ty và nông dân như tính toán ban đầu, vì năm ngoái là năm kinh doanh thứ 3 nhưng năng suất chỉ 0,4 tấn hạt/héc ta, chỉ bằng 15% so với dự kiến và mức thu hoạch như vậy, chỉ đủ bù đắp công lao động, chăm sóc của nông dân.

Do vậy công ty tuyên bố phá sản dự án nói trên và hiện nay, giữa công ty và nông dân đang xảy ra mắc mứu về tỷ lệ phân chia trách nhiệm giữa hai bên và nội vụ đang được đưa lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak giải quyết.

Trong 8 năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào cây ca cao với mong muốn có thể dùng cây trồng này để trồng xen cây cà phê, cây ăn trái hoặc thay thế các vườn cây cà phê già cỗi có năng suất thấp ở Tây Nguyên, nơi mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam.

Theo điều tra của Success Aliance, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, diện tích trồng ca cao của Việt Nam hiện nay hơn 10.000 héc ta, trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và một số tỉnh ĐBSCL. Trong hai năm qua, một số công ty nước ngoài có mặt ở Việt Nam đã tham gia mua và xuất khẩu thử nghiệm ca cao trồng ở Việt Nam với những tín hiệu tốt về chất lượng.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như hiện nay thì vào năm 2010, tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ có diện tích 31.000 héc ta ca cao với sản lượng thu hoạch 16.000 tấn hạt, trong đó có 14.000 tấn dành cho xuất khẩu. Success Aliance cũng đã hỗ trợ hàng triệu đô la Mỹ cho nông dân Bến Tre và nhiều tỉnh khác của Việt nam trồng ca cao, phát triển cây ca cao giống.

Trong khi đó, mục tiêu cuả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đến năm 2010, Việt Nam có 20.000 héc ta ca cao với sản lượng 10.000 tấn, trọng điểm là Bến Tre, Tiền Giang, Dak Lak, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu.

———-
HỒNG VĂN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng