Giá cà phê hai sàn kỳ hạn đảo chiều, đanh rơi tất cả những gì đã đạt được ở phiên trước đó…
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London bất ngờ sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 21 USD, còn 1.377 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm 21 USD, còn 1.399 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 2,5 cent, xuống 127,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,45 cent, còn 129,65 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 32.000 – 32.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.459 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch cộng ở mức 50 – 60 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Đồng Reais tăng nhẹ 0,03 %, lên ở mức 1 USD = 5,5160 Reais do tác động tiêu cực của thị trường bên ngoài. Lợi suất dài hạn trái phiếu Kho bạc Mỹ sụt giảm ngay sau giải trình của Bộ Tài Chính và Fed trước Quốc Hội để khẳng định tuy nền kinh tế Mỹ đã có sự hồi phục nhanh hơn dự kiến nhưng phải cần thêm thời gian.
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Brasil giảm giá sau Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom) công bố biên bản phiên họp nâng lãi suất cơ bản đồng Reais tuần trước, với dự kiến khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% lần nữa vào tháng Năm. Tuy Copom nhận định nền kinh tế Brasil đã tích cực trở lại từ đầu năm 2021 nhưng cũng nói rõ chưa tính đến những tác động do covid-19 bùng phát gần đây.
Trong khi đó, tác động tiêu cực của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo theo sự suy yếu đồng loạt của tiền tệ các nước mới nổi và việc Chính phủ Đức quyết định kéo dài biện pháp giãn cách xã hội ngay trong kỳ Lễ Phục Sinh năm nay để ngăn chặn đại dịch covid-19 đang bùng phát lần ba đã khiến thị trường dấy lên mối lo sức tiêu thụ hàng hóa sụt giảm, nhất là mặt hàng cà phê do các nhà hàng, quán giải khát phải đóng cửa.
Giá cà phê sụt giảm vào cuối phiên khi đầu cơ chốt lời, thanh lý vị thế, nhưng chủ yếu là do sự tác động của các thông tin nền tảng bên ngoài. Quan sát biểu đồ giá London hai phiên liên tiếp, phiên ngày 22/03 và phiên ngày 23/03, để thấy giá đã tăng vọt hay lao dốc vào cuối phiên không phải do yếu tố cung – cầu của chính hạt cà phê.
Khối lượng thương mại trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn trong những phiên gần đây không nhiều, thậm chí là rất ít ở London, cho thấy các thị trường cà phê phái sinh đang biến động ở khung giá kém hấp dẫn.
Tại thị trường nội địa của quốc gia sản xuất và xuất khẩu Robusta hàng đầu thế giới đang tỏ ra im ắng với khung giá cà phê hiện hành, do hầu hết nhà nông ở Tây nguyên đang tập trung vào hồ tiêu, mặt hàng nông sản có giá cả sôi động nhất hiện nay và Việt Nam đang là cường quốc hồ tiêu số 1 thế giới.
Anh Văn (giacaphe.com)