Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đang ở đâu?

Trong những năm qua, xuất khẩu cà phê của Đắc Lắc nói riêng và nước ta nói chung luôn bị ép giá vì sản phẩm cà phê thiếu chứng chỉ và chỉ dẫn địa lý.

Nắm bắt được yêu cầu đó, năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta ở Đắc Lắc. Thế nhưng, từ đó đến nay nó vẫn nằm trên giấy và chưa giúp ích được nhiều cho việc xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Ngủ quên hoài… trên giấy!

Cà phê mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một trong những hướng phát triển được các nước sản xuất cà phê trên thế giới quan tâm như: Colombia với CDĐL cà phê Colombia, Guatemala với cà phê Antigua, Jamaica với cà phê Blu Mountai Jamaica, Hawaii (Mỹ) với cà phê Hawaiian Kona, Ấn Độ với cà phê Mosooned Malabar, Indonesia với cà phê Java… Theo ông Đoàn Triệu Nhạn (Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam – Vifoca) cho biết: “Nói về chỉ dẫn địa lý, nó xác nhận một loại sản phẩm được sản xuất ở một vùng đặc biệt đã tạo cho sản phẩm đó một tính chất đồng nhất ví dụ như: chất lượng, cảm quan hay hương vị mà có thể coi là công cụ trong giao dịch buôn bán. Các loại sản phẩm như thế có khối lượng lưu thông trên thị trường ít nên thường được bán với giá rất cao”.


Vườn cà phê ở Đaklak

Hơn 80 năm trước đây, những cây cà phê đầu tiên đã cắm rễ trên cao nguyên Buôn Ma Thuột đã mở đầu lịch sử phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Đắc Lắc. Cà phê Buôn Ma Thuột hiện nay đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và được xuất khẩu ra 56 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều kiện tự nhiên đặc thù và truyền thống, kỹ năng của con người vùng đất này đã tạo nên chất lượng riêng biệt và danh tiếng cho cà phê Buôn Ma Thuột. Vì thế, tháng 10 – 2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta.

Nhưng mãi đến năm 2008, tỉnh Đắc Lắc mới đăng ký tham gia thực hiện dự án Hỗ trợ quản lý và phát triển CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột. Mục tiêu của dự án là thiết lập hệ thống tổ chức quản lý chất lượng và thương mại nhằm phát triển, quảng bá chỉ dẫn địa lý, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Xây mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý và hệ thống quản lý nội bộ cho sản phẩm cà phê nhân Buôn Ma Thuột đối với 4 doanh nghiệp trong vùng địa danh với khoảng 5.000 ha cà phê.

Khi mô hình thành công sẽ triển khai trên diện rộng. Tiếp đến là sẽ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm mang CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột phải được kiểm tra, giám sát theo tiêu chuẩn cụ thể và có thể truy nguyên, tránh sự lạm dụng làm mất uy tín của sản phẩm cà phê nhân mang CDĐL Buôn Ma Thuột. Dự án cũng sẽ tập trung nghiên cứu thị trường, ngành hàng và xây dựng hệ thống thương mại, tổ chức quảng bá, phát triển, mở rộng và vận hành tổ chức quản lý và sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột.

Để đạt được mục đích trên, theo Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc thì vai trò của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là quyết định sự thành bại của thương hiệu, do đó các ngành chức năng của tỉnh đã vận động các doanh nghiệp và người dân trong vùng địa lý để thành lập hiệp hội nhưng đến nay vẫn chưa ai tham gia. Vì thế, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vẫn nằm trên giấy trong 5 năm qua và chưa mang lại một hiệu quả thiết thực nào.

Thành lập Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, bao giờ?

Sở khoa học và Công nghệ Đắc Lắc cho biết, việc thành lập Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trong vùng. Chính vì thế, cho đến nay sau nhiều lần thương lượng, ban vận động của tỉnh vẫn chưa mời đủ số lượng hội viên chính thức để tổ chức đại hội thành lập.

Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc xác lập CDĐL cho cà phê Buôn Ma Thuột nên không tham gia hiệp hội. Có doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần sản xuất cà phê theo các chứng chỉ quốc tế 4C, UTZ Certified… cũng có thể bán giá cao, khỏi cần CDĐL Buôn Ma Thuột. Còn theo một doanh nghiệp khác, tổ chức hiệp hội không có hiệu quả, trong khi doanh nghiệp phải đóng lệ phí tốn kém… Cho nên, không biết đến bao giờ Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột mới thành lập.

Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột chưa được thành lập nghĩa là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vẫn tiếp tục còn nằm trên giấy. Trong khi đó trên thị trường, việc lạm dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma thuột đang diễn ra tràn lan, nhất là trong lĩnh vực cà phê rang xay. Hiện nay, tình trạng mạo danh cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra tràn lan, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê bột ở các địa phương ngoài tỉnh Đắc Lắc. Sản phẩm này được pha trộn và dễ dàng đưa vào thị trường Đắc Lắc tiêu thụ với tên gọi cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo TS Trịnh Quốc Minh (Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc), đã đến lúc nên đăng ký bảo hộ CDĐL cho cả cà phê rang xay và cà phê bột Buôn Ma Thuột để tránh việc “mạo nhận thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột”. Đăng ký thì dễ nhưng quản lý được mới khó.

Ông Minh cho rằng: “Xây dựng hệ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho nông sản nói chung và cà phê nói riêng là mảng hoạt động rất mới tại Việt Nam, nhất là đối với cà phê Buôn Ma Thuột. Vì vùng địa danh này rất rộng, liên quan đến rất nhiều loại hình và đối tượng sản xuất kinh doanh. Sản phẩm xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế với nhiều yêu cầu chất lượng đa dạng và thường bị chi phối mạnh bởi hoạt động đầu cơ làm biến dạng thị trường và gây nên những biến động rất thất thường về giá”. Vì thế, quản lý và phát triển được CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột thì mới xác lập được CDĐL của nó.

Theo TNMT

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng