Phân bón giả: Day dứt những câu hỏi

Các loại phân bón giả tràn lan trên thị trường từ lâu gây nhức nhối dư luận. Nhiều báo đài liên tục phản ánh nỗi khổ của nông dân vì phân bón giả, chỉ đích danh các địa chỉ sản xuất phân bón trái phép, nhưng nhiều vụ việc chưa được xử lý đủ sức răn đe.

Nơi bày bán sản phẩm của Cty Tam Nông
Nơi bày bán sản phẩm của Cty Tam Nông

“Bắt cóc bỏ dĩa”

Gần cuối tháng 2/2020, đồng bào buôn Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) thông tin đến báo Tiền Phong, cửa hàng xăng dầu số 2 của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Đức Năng bày bán loại phân bón dấu hiệu bất thường. Trên bao bì thiếu các thông tin giấy phép sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, mã định danh mặt hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Phóng viên về tận nơi, người trực cửa hàng xác nhận ở đây bán phân bón Tam Nông, bao bì thiếu thông tin đúng như phản ánh. Lần theo địa chỉ in trên bao phân, chúng tôi đến thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, thấy cánh cổng màu đỏ đóng kín. Trên một thân cây cao gắn bảng tên “Công ty TNHH phân bón Tam Nông-Ea Kmat” (Cty Tam Nông) kèm số điện thoại để bàn trùng với số điện thoại ghi trên bao phân bán ở cửa hàng, và số điện thoại của Giám đốc Cty.

Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Cty Tam Nông  có ngành trồng trọt và sản xuất phân bón. Tuy nhiên, Cty này chưa từng được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quy định.

Ông Nguyễn Thế Ân- Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở NN&PTNT Đắk Lắk khẳng định không thể có sản phẩm của Cty Tam Nông bán trên thị trường. Cách đây mấy năm, Phòng nhận đơn tố cáo Cty Tam Nông sản xuất phân bón chui, lập đoàn kiểm tra đến tận nơi nhưng không vào được do cổng xưởng khóa kín. Phải có thêm Công an vào cuộc mới biết Cty này chưa có giấy phép sản xuất phân bón.

Do Cty Tam Nông tái phạm, tháng 11/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định 3513 xử phạt hành chính 130 triệu đồng về hành vi sản xuất phân bón khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên Quyết định 3513 lại ghi hình thức xử phạt bổ sung là “Đình chỉ hoạt động sản xuất phân bón 3 tháng”, cũng không buộc Cty này phải thu hồi toàn bộ sản phẩm đang lưu hành.

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành 389- Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, năm 2019 Đoàn đã kiểm tra 14 cơ sở, lấy 35 mẫu gửi đi kiểm định chất lượng. Sau đó xử lý 5 cơ sở vi phạm vì bán phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố; hết hạn sử dụng… Tổng số tiền xử phạt hành chính… 68,5 triệu đồng.

Nhờn thuốc từ vụ Thuận Phong?

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai với PV báo Tiền Phong ngày 28/2/2020 rằng vụ Thuận Phong, công an Đồng Nai đã khép lại, khi chúng tôi hỏi ông về tiến trình xử lý vụ phân bón Thuận Phong.

Đại tá Kim khẳng định: “Tất cả các bộ ngành đều đã trả lời cơ quan điều tra đó không phải là phân bón giả” nên chúng tôi đã kết thúc vụ án. Mà đó cũng đâu phải là vụ án? Có khởi tố đâu mà gọi là vụ án? Mấy lần trước, do không chịu được áp lực dư luận, các văn bản của 3 Bộ viết “có thể coi là phân bón giả”, đều đóng dấu Mật. Viện và Tòa Tối cao không đồng ý, vì luật không thể nói “có thể coi là”, mà phải khẳng định là giả hay không giả. Về nguyên tắc tố tụng không thể dùng văn bản đóng dấu mật để đưa ra xử lý người ta… Sau khi dư luận và Quốc hội đặt ra nhiều câu hỏi, Viện KSTC đã chỉ đạo Viện KS Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố vụ án để điều tra lại một số nội dung. Chúng tôi đã tiến hành trưng cầu giám định tư pháp 3 Bộ, là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, và Bộ KHCN. Cuối năm 2019 cả 3 Bộ đều trả lời cơ quan điều tra “không đủ căn cứ kết luận phân bón Thuận Phong là phân bón giả”, nên việc cuối cùng Viện KS phải kết thúc vụ này ở đó. Còn Công an Đồng Nai đã khép lại hồ sơ, không làm gì tiếp nữa. Phóng viên cứ hỏi Viện KSND Đồng Nai”.

PV Tiền Phong hỏi ông Huỳnh Văn Lưu-Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai biết gì về văn bản trả lời mới nhất của 3 Bộ như đại tá Kim vừa nói? Ông Lưu trả lời nhiệm vụ thu thập tin báo, trưng cầu giám định thế nào bây giờ là của Công an chứ không phải của Viện Kiểm sát. Vì chưa khởi tố vụ án, nên Viện Kiểm sát chỉ phân công kiểm sát viên giám sát việc giải quyết tin báo. Tất cả hồ sơ nằm ở Phòng PC 03, Viện Kiểm sát có gì đâu mà cung cấp?

Còn nhớ, cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đều đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải xử lý vụ sản xuất phân bón giả với khối lượng lên đến hàng nghìn tấn này theo đúng các quy định pháp luật. Đích thân Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình-Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia từng khẳng định trước dàn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, rằng đã quá đủ yếu tố để kết luận Cty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, đồng thời nghiêm khắc phê bình các cơ quan tỉnh ngâm dầm vụ việc, khiến dân mất niềm tin.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một vị lãnh đạo thuộc Bộ KH&CN khẳng định quan điểm của Bộ trong vụ này trước sau như một, rằng đó là hàng giả!

Còn nhớ từ ngày 24/4/2015, đoàn công tác của Ban 389 Quốc gia phối hợp Ban chỉ đạo 1389 Thanh tra Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai bất ngờ phát hiện điểm sang chiết và dán nhãn “Made in USA” lên các loại phân bón do Cty Thuận Phong sản xuất tại một địa điểm khuất vắng thuê lại của đơn vị quân đội. Ngày 9/10/2015, PV báo Tiền Phong chứng kiến lực lượng chức năng buộc Giám đốc Văn phòng đại diện của Cty Thuận Phong tại Buôn Ma Thuột phải chỉ đạo nhân viên mở cửa kho, lập biên bản hiện trạng cả kho chứa đầy phân bón có nhiều dấu hiệu giả mạo, đang tiếp tục bán trái phép cho nông dân Tây Nguyên.

Giám định lần đầu các lô hàng của Thuận Phong cho ra kết quả tới 19/29 mẫu tỉ lệ chất chính dưới 70%, là hàng giả phân bón về chất lượng. Giám định lần sau cho thấy chất lượng phân bón còn kém hơn. Cty Thuận Phong còn làm giả bao bì, giả công dụng, mạo danh nơi sản xuất đóng gói, giả mạo dấu hợp quy chất lượng Quacert, đăng ký mở văn phòng đại diện nhưng hoạt động như một chi nhánh để trốn thuế, kinh doanh phân bón trái phép… Cty Thuận Phong cũng từng bị UBND tỉnh An Giang xử phạt về hành vi sản xuất kinh doanh phân bón giả. Một thực tế cho thấy khi vụ phân bón giả Thuận Phong được xử lý theo hướng xử phạt hành chính, các Bộ ngành bất bình phản đối, gồm Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia…

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và 5 Công ty Luật đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị phải khởi tố Cty Thuận Phong. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng khẳng định việc chưa xử lý nghiêm hành vi sản xuất phân bón giả của Cty Thuận Phong là không thượng tôn pháp luật, bất công với hơn 60 triệu nông dân.

>> “Có người muốn mua tôi 5 – 10 tỷ để bỏ qua vụ Công ty Thuận Phong”

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng