Giá cà phê hai sàn điều chỉnh tăng (23/02/2019)

Sự kháng giá tại thị trường nội địa các nước sản xuất kéo dài khiến nhà kinh doanh phải tìm cách để thu hút lượng hàng đang nằm trong tay nhà nông.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2019 ngày 22/02/2019

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 12 USD, lên 1.517 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 6 USD, lên 1.539 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất cao ở mức “khủng”.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 0,35 cent, lên 96,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,55 cent, lên 100 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 32.400 – 33.100 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.454 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 80 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

Giá cà phê điều chỉnh, cân đối trên cả hai sàn ở phiên cuối tuần là điều thường thấy. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch “khủng” tại sàn London lại là điều hiếm thấy. Theo các nhà quan sát, có thể do các đầu cơ và quỹ tại London mạnh tay thanh lý vị thế ròng ngắn hạn kết hợp với nhà kinh doanh muốn kéo giá cà phê Robusta lên để bán hàng tồn kho tại sàn sau khi kết thúc quyền chọn hợp đồng tháng 3. Cũng không loại trừ giới kinh doanh tại thị trường nội địa các nước sản xuất muốn kích giá lên để thu hút hàng ra do sự kháng giá hiện tại của nhà nông không hề nhỏ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trở lại do lạc quan vào đàm phán thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy giá cà phê thế giới sớm hồi phục.

Liên đoàn cà phê Quốc gia (FNC) Colombia vừa yêu cầu Chính phủ tài trợ cho khoảng nửa triệu nông hộ sản xuất cà phê vì giá tham chiếu tại sàn New York giảm thấp kéo dài vượt quá ngưỡng chịu đựng của họ. FNC bày tỏ quan ngại giá thấp sẽ khiến việc giảm đầu tư không chỉ làm sản lượng vụ tới giảm mà còn kéo theo chất lượng hạt cà phê giảm. Colombia là nhà sản xuất cà phê xếp thứ ba thế giới nhưng lại là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới. Colombia luôn tìm cách giữ vững chất lượng hạt cà phê Arabica của mình khi bán ra thị trường tiêu dùng.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79