Giao dịch cà phê cũng khớp lệnh

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã nhận được bản mô tả cách thức giao dịch cà phê kỳ hạn mà Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ triển khai vào giữa tháng 4 tới.

Doanh nghiệp nhận định, nó tương tự như mua bán chứng khoán qua sàn và giao dịch cà phê ở các sàn cà phê nổi tiếng thế giới như NYBOT của Mỹ hay LIFFE của Anh.

Cà phê cũng khớp lệnh

Hai năm trước, khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gõ tiếng chiêng chính thức đưa Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đi vào hoạt động, nó trở thành sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên của Việt Nam mà các bộ ngành và chính quyền tỉnh Dak Lak mất tới 5 năm thai nghén.

Còn nay, ngoài hình thức mua ngay bán ngay như lâu nay, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc trung tâm, cho biết có thêm phương thức giao dịch kỳ hạn.

Phương thức giao dịch này cũng có các hình thức xác định giá tham chiếu, giá mở cửa, giá đóng cửa, biên độ dao động giá, lệnh giới hạn, lệnh thị trường, lệnh hủy, ngày giao dịch cuối cùng, ký quỹ thành viên, ký quỹ giao dịch, giao dịch khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận, phí giao dịch (đóng cho BCEC)… chẳng khác gì giao dịch mua bán chứng khoán hiện nay.

Các nhân viên nhập lệnh giao dịch cà phê của BCEC - Ảnh: Hồng Văn
Các nhân viên nhập lệnh giao dịch cà phê của BCEC – Ảnh: Hồng Văn

Theo ông Hà, BCEC chọn loại cà phê để giao dịch là robusta R2B, loại phổ biến trên thị trường trong nước hiện nay; các loại khác có tiêu chuẩn cao hơn như R1B, R2A và R2C thì khi thanh toán theo giá hợp đồng của R2B cộng với chênh lệch. Chẳng hạn, loại tốt nhất hiện nay là R1B thì khi thanh toán bằng giá R2B cộng với mức chênh lệch 4,05% và 253 đồng/kg gọi là chi phí chế biến.

Ngày 28-12-2006, Chính phủ ban hành nghị định số 158/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, là cơ sở pháp lý cho mua bán cà phê kỳ hạn.

Do đặc thù của cà phê Việt Nam trong xuất khẩu là phải dựa phần lớn theo giá giao dịch tại thị trường giao dịch LIFFE của London, nên BCEC chọn thời gian giao dịch bắt đầu từ 15 giờ tới 23 giờ hàng ngày, sát với thời gian giao dịch của sàn này.

Ông Trần Tuyên Huấn, Giám đốc Công ty nông sản ACC, một chuyên gia về giao dịch cà phê, cho rằng thời gian giao dịch mà BCEC chọn mang tính gắn kết giữa giá cà phê ở thị trường trong nước và giá thế giới.

Đặc biệt là phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục lẫn khớp lệnh thỏa thuận với bước nhảy giá 50 đồng/kg, bước nhảy mỗi hợp đồng là 250.000 đồng cho 5 tấn và giới hạn biến động giá 8% so với giá tham chiếu (giá đóng cửa của phiên trước). Khối lượng giao dịch theo hình thức khớp lệnh tới thiểu 1 lô (tương đương 5 tấn) và khớp lệnh thỏa thuận tối thiểu 4 lô (20 tấn).

Cà phê kỳ hạn

Cái mà doanh nghiệp mua bán cà phê lẫn nông dân tham gia giao dịch quan tâm nhất không phải là khớp lệnh kiểu mua bán chứng khoán, mà là cách giao dịch kỳ hạn, nói nôm na là tháng hợp đồng niêm yết. Khác biệt với mua ngay bán ngay chính là ở chỗ này. Theo ông Hà, hiện sàn chọn hình thức niêm yết 6 tháng hợp đồng liên tiếp, chẳng hạn bây giờ là tháng 3 nhưng giao dịch không chỉ cho tháng 3, mà còn 6 tháng tiếp theo, tức nông dân, doanh nghiệp, có thể mua bán cho tới tháng 9-2010.

Ông Hoàng Trọng Đạt, một nông dân trồng 15 héc ta cà phê và hiện là thành viên đăng ký bán tại BCEC, cho rằng với hình thức này, nông dân trồng cà phê ngay tại tháng 3 có thể biết giá ở tháng 8 hay tháng 9.

Tương tự, vào tháng 9, nông dân có thể biết giá giao dịch trên thị trường kỳ hạn vào tháng 10 – tháng đầu tiên của niên vụ mới đắt hay rẻ, nếu quá thấp, có thể để dành bán cho tháng 11, tháng 12 hay các tháng sau đó.

“Giá mua bán được xác định trước là sự đảm bảo an toàn nhất cho người sản xuất như nông dân chúng tôi”, ông Đạt nói.

Các thành viên đang ở trạng thái bán có thể đăng ký giao hàng phải có lưu ký chứng thư là cà phê đang ở kho của BCEC và giao hàng ngay tại BCEC với khối lượng tới thiểu 20 tấn. Các doanh nghiệp cho rằng mức phí giao dịch 20 đồng/kg (20.000 đồng/tấn) là phù hợp nhưng phí thành viên 15 triệu đồng/năm có lẽ hơi cao.

Với cách thức giao dịch như vậy, nhiều doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) nhận xét rằng BCEC vừa là nơi mua bán cà phê thật, vừa là nơi mua bán “cà phê giấy”, gần giống như cách mà các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tham gia giao dịch với thị trường kỳ hạn London (London International Financial Futures and Options Exchange – LIFFE) của Anh và New York Board of Trade (NYBOT) của Mỹ. Tuy nhiên, BCEC thì khống chế bằng biên độ giá còn hai sàn giao dịch này thì không.

Như vậy, các thành viên tham gia giao dịch với BCEC cũng có thể “lướt sóng” giống như đầu tư chứng khoán, hoặc dùng giao dịch kỳ hạn (có thanh toán bù trừ qua ngân hàng ủy thác là Techcombank) để phòng chống rủi ro cho giao dịch cà phê giao ngay.

Hiện tại, BCEC có 40 thành viên đăng ký bán là nông dân, đại lý và 21 thành viên kinh doanh là doanh nghiệp nhưng ông Hà hy vọng, sau khi áp dụng hình thức giao dịch kỳ hạn, lượng thành viên đăng ký sẽ tăng lên.

>> BCEC chính thức giao dịch cà phê kỳ hạn

Hồng Văn – SGtimes

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng