Cà phê bắt đầu tăng giá từ nhờ tác động từ thông tin Việt Nam sẽ mua dự trữ 200.000 tấn cà phê kể từ ngày 15/3.
Xem thêm: >> Tạm trữ cà phê để cứu nông dân
Từ ngày 16/3 đến 20/3, chỉ trong vòng 5 ngày, giá cà phê thế giới tại thị trường Luân Đôn đã tăng từ 1.201 USD/tấn nhân lên 1.267USD/tấn.
Sự tăng giá trở lại này sau khi lập đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua vào ngày 16/3, được đánh giá là nhờ tác động từ thông tin Việt Nam sẽ mua dự trữ 200.000 tấn cà phê kể từ ngày 15/3. Tuy nhiên, việc thu mua tạm trữ đến nay vẫn còn rất lúng túng.
Suốt nhiều tháng nay, giá cà phê liên tục chao đảo xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, thiết lập đáy kỷ lục vào ngày 16/3/2010 ở mức 1.201 USD/tấn (giá cà phê giao ngay tại sàn London). Kéo theo giá cà phê xuất khẩu của nước ta giảm mạnh, nếu như kết thúc tuần đầu tháng 3 còn ở mức giá 1.200 USD/tấn, thì đến ngày 17/3 giá FOB HCM đã xuống tới mức 1.160 USD/tấn với mức trừ lùi là 70 USD.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến đà tụt giảm giá cà phê thế giới là trong một thời điểm ngắn thị trường bán ra quá nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Bên cạnh đó, phương thức bán hàng trừ lùi, giao hàng quá xa cũng dễ tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ ép giá. Cũng giống như gạo, việc giữ cà phê lại là một liệu pháp can thiệp vào thị trường, có thể sẽ tác động mạnh đến tâm lý người sản xuất, người bán và người mua hàng.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định: “Thị trường cà phê thế giới sẽ ổn định trở lại sau thông tin Việt Nam trữ cà phê”.
Trong khi đó, hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu và thứ ba thế giới là Brazil, Indonesia dự kiến cũng sẽ có biện pháp can thiệp vào thị trường giống như cách mà Việt Nam làm. Ông Nam tiết lộ, hiệp hội cà phê hai nước nói trên đã có những tiếp xúc đầu tiên với Vicofa và quan điểm chung của họ là “ủng hộ việc cắt giảm nguồn cung cà phê để kéo giá lên”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với Vicofa vào ngày 10/3, đi đến thống nhất đề xuất Chính phủ hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước để thu mua, tạm trữ 200 nghìn tấn cà phê cho nông dân với mức giá ổn định. Chính phủ đã chấp nhận phương án mua tạm trữ cà phê.
Việc chọn lựa 5 doanh nghiệp để hỗ trợ phải dựa trên các tiêu chí: có năng lực chế biến và xuất khẩu cà phê với khối lượng lớn, có các hợp đồng xuất khẩu lớn, hệ thống thu mua rộng… để đảm bảo các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ.
Theo đề xuất này, thời gian vay hỗ trợ lãi suất là 6 tháng (từ 15/3 đến 15/9/2010). Các doanh nghiệp được vay hỗ trợ lãi suất từ lúc ký hợp đồng với ngân hàng cho tới ngày 31/12/2010 phải cam kết mua cà phê cho nông dân với mức giá ổn định, cụ thể cà phê Robusta loại 2 ở mức từ 23.000đồng/kg trở lên.
Ngay sau khi có thông tin về việc thu mua tạm trữ cà phê, dân đã “tạm trữ” trước, họ không vội ồ ạt bán ra nữa. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 5 năm ngày qua, giá cà phê trong nước đã tăng thêm được 500-1.000đồng/kg, hiện đã lên 23.400 – 23.500 đồng/kg.
Mặc dù giá cà phê tăng nhưng nhiều đại lý thu mua cà phê cho biết họ mua được lượng hàng rất hạn chế vì nhiều hộ dân đang găm hàng chờ giá.
Giá cà phê xuất khẩu của nước ta đã tăng trở lại, giá FOB HCM ở mức 1.195 USD/tấn với mức trừ lùi là 70 USD. Tuy hiện giá cà phê thế giới vẫn còn rất thấp, nhưng sự hồi phục nhanh này đã cho thấy tín hiệu khả quan.
Theo một số chuyên gia về xuất nhập khẩu cà phê thì việc Việt Nam quyết định tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhân đã có tác động tích cực đối với giá cà phê thế giới, ngoài ra có thể còn một số yếu tố khác, như thông tin giảm sản lượng ở Brazil, Colombia…
Giá cà phê Robusta trên thị trường kỳ hạn London vẫn tiếp tục tăng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 5 hiện đứng ở mức 1.267 USD/tấn với mức sàn là 1.235 USD/tấn và mức trần là 1.275 USD/tấn. Hợp đồng các tháng còn lại cũng tăng, lần lượt đứng ở mức 1.301 với biên độ giao động từ 1.270 – 1.310 USD/tấn và 1.336 USD/tấn cho tháng 9 với biên độ giao động từ 1.303 – 1.345 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá cà phê đang hồi phục những ngày qua mới chỉ là nhờ tác động từ thông tin, còn thực tế việc triển khai thu mua tạm trữ cà phê vẫn còn rất lúng túng.
Ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Vinacafe cho biết: “Hiện vẫn chưa nhận được thông báo nào về việc sẽ giao cho Vinacafe làm đầu mối, khi có thông tin chính thức chúng tôi sẽ thông báo ngay. Bản thân tôi cũng đang sốt ruột, vì nếu không triển khai nhanh, thị trường cà phê sẽ rất khó lường”.
Còn ông Vân Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty Inexim Đắk Lắk thì cho rằng, việc thu mua tạm trữ cà phê phải làm ngay, vì nông dân đang rất cần tiền để trả nợ và chi phí tái sản xuất. Ông Huy nhấn mạnh: “Nếu nông dân lại bán tháo hàng, nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ dây chuyền từ các công ty thu mua, chế biến xuất khẩu cà phê cho đến các đại lý.
Về lâu dài, chúng ta phải đưa ra chính sách thu mua tạm trữ thường xuyên, chứ không phải đợi đến vụ thu hoạch mới triển khai, dẫn đến việc chậm trễ và giá rớt thê thảm như hiện nay”.
Tôi rất mừng vì cuối cùng chính phủ đã có động thái can thiệp vào vấn đề cà phê. Tôi là người trực tiếp sản xuất cà phê, cũng như hàng chục vạn nông dân khác, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong vụ sản xuất năm nay vì thiếu vốn.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Vân Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty Inexim Daklak: hãy chiếu cố đến người nông dân trồng cà phê, hãy giúp đỡ họ để họ có thể trụ được trong tình hình hiện nay. Tôi xin đề xuất mấy ý kiến sau:
1) Hãy cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để trang trải nợ nần do vụ mùa thất bát vừa qua và để tái đầu tư cho sản xuất.
2) Các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam hãy đoàn kết lại để có tiếng nói mạnh trên thị trường cà phê thế giới, hạn chế sự thao túng nghiệt ngã của các nhà đầu cơ và các nhà rang xay thế giới, không để cho họ có thể áp đặt và làm mưa làm gió như lâu nay.
3) Nên có sự liên kết ở cấp chính phủ với một số nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới như Braxin, Inđônêxia, Côlômbia để giành lại quyền điều tiết thị trường cà phê thế giới. Tôi nghĩ các nước đó cũng đang rất bức xúc vì sự thua thiệt như chúng ta nên họ sẽ tích cực hưởng ứng.
Lần nữa xin cảm ơn chính phủ đã có quyết định thu mua cà phê tạm trữ để cứu nông dân chúng tôi.