Dữ liệu kinh tế toàn cầu tiếp tục bộc lộ suy thoái buộc nhiều NHTW giữ nguyên chính sách không thay đổi.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 16 USD, xuống 1.644 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm 15 USD còn 1.637 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 1,5 cent, xuống 109,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 1,5 cent, còn 113,1 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 300 đồng/kg, xuống dao động trong khung 34.300 – 34.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, lên đứng ở 1.542 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 90 – 95 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố tiếp tục giữ mức lãi suất thấp trong “một thời gian dài” khi các số liệu kinh tế yếu hơn dự kiến và mức lạm phát vẫn không tăng trưởng. Được biết, đầu cơ thường tìm tới đồng Yen của Nhật Bản như là một tài sản trú ẩn an toàn khi thị trường có nhiều biến động tiêu cực. Trong khi đó, niềm tin kinh tế khu vực Eurozone giảm xuống mức thấp trong một năm khi tiếp tục tăng trưởng chậm lại theo số liệu của Ủy ban châu Âu vừa công bố.
Trái lại, mục tiêu nối lại đàm phán để giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường kinh tế nhất nhì thế giới vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào, thậm chí căng thẳng còn có thể gia tăng. USD vẫn vững mạnh, các báo cáo số liệu kinh tế Mỹ tỏ ra rất lạc quan dẫn tới suy đoán Fed sẽ tăng lãi suất sau phiên họp chính sách đang diễn ra đã khiến giá cả nhiều hàng hóa đồng loạt quay đầu sụt giảm.
Giá cà phê có mức giảm nhiều nhất trong rổ hàng hóa nông sản còn do sức ép vụ mùa và đồng Reais mạnh lên sau Hội nghị Nam Phi, khi Brasil nhận được dòng vốn đầu tư mạnh từ Trung quốc do “người tiêu thụ hàng hóa lớn dễ tính” này xích lại gần hơn với khối BRICS để đảm bảo “hậu cần”.
Biến động của các chính sách tiền tệ và căng thẳng thương mại tiếp tục làm khó giá cà phê.
Anh Văn (giacaphe.com)