Ethiopia rất coi trọng việc uống cà phê không chỉ vì niềm tự hào là cội nguồn của hạt cà phê Arabica.
Theo các chuyên gia, thời tiết khô nóng ngày càng tăng do biến đổi khí hậu đã tác động lên mùa màng, đòi hỏi phải di chuyển cây cà phê lên cao hơn.
Bên cạnh giá trị văn hóa, cà phê còn là nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Ethiopia, với giá trị kim ngạch hơn 860 triệu USD trong niên vụ cà phê 2016/2017.
Ttrong 3 thập kỷ qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 1,3 độ C tại các khu vực trồng cà phê phía Đông Ethiopia, theo Diễn đàn Rừng Cà phê, Biến đổi khí hậu và Môi trường (Environment, Climate Change and Coffee Forest Forum – ECCCFF), một tổ chức phi chính phủ ở Ethiopia cho biết.
Điều này đã gây ra hạn hán nặng nề, trong khi cà phê là loại cây trồng nhạy cảm với ẩm độ lẫn nhiệt độ, khiến cho sâu bệnh trên cà phê càng tồi tệ hơn.
Kết quả là, hàng ngàn ha cà phê đang biến mất mỗi năm trong các khu vực trồng truyền thống, điều này làm gia tăng lo ngại về sản lượng cà phê Ethiopia trong tương lai.
Chính phủ Ethiopia đang khuyến khích nông dân trồng cà phê ở độ cao cao hơn, trên 3.200 mét so với mực nước biển, cao hơn khoảng 1.000 mét so với thông thường.
Điều đó có thể giúp giảm thiểu một số áp lực do biến đổi khí hậu mà Ethiopia phải đối mặt, ông Birhanu Tsegaye, quan chức của Cơ quan Phát triển Thị trường Trà và Cà phê Ethiopia (ECTDMA), một cơ quan có nhiệm vụ giám sát chuyên ngành, đã nhận xét.
Khi nhiệt độ tăng, “thậm chí các khu vực (trước đây) không thích hợp để trồng cà phê đã trở nên phù hợp, mang lại cơ hội cho đất nước đối phó với biến đổi khí hậu”, ông nói thêm.
Hầu hết các khu vực trồng cà phê ở Ethiopia đều bị tác động của điều kiện thời tiết nóng hơn.
Theo ông Aman Adinew, quản lý hai đồn điền lớn ở miền Nam Ethiopia, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.
Hàng năm, vụ thu hoạch thường diễn ra vào tháng 11 và 12, nhưng tại các đồn điền của ông phải chậm lại một tháng vì quả cà phê không chín. Qua tới đầu năm 2018 mà quả cà phê vẫn còn xanh vì thiếu mưa, kéo theo việc thu hái và chế biến xuất khẩu chậm trễ, có nghĩa là vi phạm hợp đồng với khách hàng truyền thống Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu, ông nói.
Mối lo của nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ
Khoảng 90% nông dân Ethiopia trồng cà phê theo quy mô nhỏ, trong khi ngành công nghiệp trực tiếp lẫn gián tiếp sử dụng tới 20% dân số 100 triệu người Ethiopia, ECTDMA cho biết.
Xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2016/2017 tổng cộng chỉ hơn 220.000 tấn, số liệu từ bộ thương mại cho biết.
Xuất khẩu cà phê đã biến động rất đáng kể trong 5 năm qua, khiến khó phân biệt xu hướng giảm, Tsegaye trả lời phỏng vấn của Reuters.
Ở Ethiopia, hàng năm có thêm hàng chục nghìn ha cà phê được trồng mới để bù đắp tổn thất tại các khu vực truyền thống, ông nói. Chính phủ cũng đang tìm cách chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như cung cấp cây che bóng cho nông dân, xây dựng hệ thống tưới tiêu và áp dụng các biện pháp công nghệ sau thu hoạch. Đặc biệt, Chính phủ cũng giới thiệu các giống cà phê mới năng suất cao, có sức đề kháng sâu bệnh và chống chịu được thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, ông Tsegaye thừa nhận sự hỗ trợ hiện nay có thể không đủ để nông dân quy mô nhỏ bám trụ tại chỗ với ngành công nghiệp, đó là lý do để ECTDMA xem xét trồng cà phê ở độ cao cao hơn.
Anh Văn (theo Enca/South Africa)