Giá cà phê Arabica vẫn còn sức ép nặng nề trong khi giá cà phê Robusta có phần nhẹ nhàng hơn.
Chốt phiên cuối tuần 25, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London hồi phục liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 7 USD, tức tăng 0,41% lên ở mức 1.724 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 4 USD, tức tăng 0,24% lên ở mức 1.705 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có phiên điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 1,25 cent, tức tăng 1,11% lên ở mức 113,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,7 cent, tức tăng 0,6% lên ở mức 116,95 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân trong nước cuối tuần tăng thêm 100 đồng/kg, lên dao động trong khung 35.200 – 36.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.600 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 100 – 105 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 15 USD, tức tăng 0,69%, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 500 đồng/kg, tức tăng 1,42%, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 0,6 cent/lb, tức giảm 0,51%.
Tuy đã hồi phục liên tiếp 3 phiên cuối tuần nhưng giá cà phê Robusta kỳ hạn vẫn chưa khẳng định được xu hướng tăng trở lại, trong khi giá cà phê thế giới nói chung hiện vẫn dao động trong khung giá ở mức thấp nhiều năm qua.
Kinh tế toàn cầu nói chung đang phải hứng chịu tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, trong khi chính trường EU vẫn còn nhiều bất ổn nội khối, nặng nề nhất vẫn là vấn đề Brexit nên chưa thể giúp đồng Euro lấy lại giá trị trước USD. Các thị trường hàng hóa dao động mạnh, đặc biệt là thị trường vàng và dầu thô có phần hưởng lợi khi hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu bao phủ sắc đỏ. Tuy cũng chịu ảnh hưởng phần nào tiêu cực của tổng thể kinh tế vĩ mô vào lúc này nhưng mặt hàng cà phê suy giảm chủ yếu là do dự báo nguồn cung thế giới năm nay tăng khiến cho đầu cơ và các quỹ mạnh tay bán ròng trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.
Theo bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 sẽ đạt mức 171,2 triệu bao do hầu hết các nước sản xuất chính như Brasil sẽ tăng lên 60,2 triệu bao và Việt Nam 29,9 triệu bao. USDA cũng ước tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục với 163,2 triệu bao. Dự kiến vụ mùa kỷ lục đang thu hoạch ở Brasil và dự kiến sản lượng toàn cầu thặng dư là yếu tố chính đè nặng tâm lý thị trường cà phê vào lúc này.
Công ty tư vấn – phân tích Safras & Mercado, ở bang Sao Paulo cho biết, tính đến nay Brasil đã thu hoạch khoảng 18,8 triệu bao cà phê, chiếm 31% tổng sản lượng vụ mùa mới theo họ đã ước tính, bao gồm 49% sản lượng cà phê Conilon Robusta vụ mới và 25% sản lượng cà phê Arabica vụ mới. Tuy nhiên, phần lớn cà phê Conilon được bán với giá rất cạnh tranh cho ngành công nghiệp trong nước trong khi cà phê Arabica đang còn phơi sấy, dự kiến khoảng nửa cuối tháng 7 mới được đưa ra thị trường và sẽ góp phần gia tăng khối lượng xuất khẩu của Brasil kể từ tháng 8 trở đi.
Thị trường cà phê Việt Nam vẫn tỏ ra im ắng. Các nhà kinh doanh xuất khẩu chủ yếu thực hiện các các hợp đồng giao sau đã ký, trong khi dự kiến nhu cầu của nhà rang xay chỉ mạnh trở lại sau kỳ nghỉ mùa hè của các thị trường tiêu thụ chính ở phía Bắc bán cầu.
Anh Văn (giacaphe.com)