Giá cà phê hồi phục chậm chạp (23/06/2018)

Sức mua chưa mạnh nhưng cũng giúp London giữ được đà tăng trong khi New York vẫn còn nguyên sức ép vụ mùa mới của các nhà sản xuất khu vực Mỹ la tinh.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9/2018 ngày 22/06/2018

Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 7 USD, lên 1.724 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 4 USD, lên 1.705 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 1,25 cent, lên 113,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,7 cent, lên 116,95 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống dưới mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cuối tuần tăng thêm 100 đồng/kg, lên dao động trong khung 35.200 – 36.100 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.600 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 100 – 105 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.

Giá cà phê Arabica đảo chiều tăng nhưng phần lớn nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài chờ đợi, nghe ngóng thêm do kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng suy thoái, đặc biệt các sàn chứng khoán toàn cầu hầu như chỉ có một màu đỏ rực.

Thị trường cà phê Robusta London tăng trưởng liên tiếp vào cuối tuần nhưng giá cà phê thế giới nói chung hiện vẫn dao động trong khung giá thấp nhiều năm qua. Mặc dù báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy chỉ số giá cà phê các loại đã tăng trưởng trong tháng Năm nhưng các nhà quan sát thị trường kỳ hạn cho rằng đó chỉ là sự tăng trưởng nhất thời khi đầu cơ và các quỹ buộc phải mua vào để tất toán vị thế bán ròng quá tay mà thôi.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 sẽ đạt sản lượng 171,2 triệu bao, trong khi toàn cầu tiêu thụ cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao, dẫn đến một con số thặng dư đáng kể.

Đây cũng chính là điều gây ra mối quan ngại rằng giá thấp sẽ khiến nông dân nhiều nước giảm đầu tư và hệ quả tất yếu là sản lượng giảm theo và thu nhập sẽ thấp hơn nữa. Thực sự là một vòng lẩn quẩn trước mắt dành cho nông dân cà phê.

Thị trường cà phê nội địa Việt Nam vẫn tiếp tục trạng thái đóng băng chờ giá mà không ghi nhận được giao dịch nào đáng kể.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79