Tổng hợp thị trường cà phê tuần 14 (02/04 – 07/04/2018)

Các thị trường cà phê suy yếu trở lại khi hai cường quốc kinh tế thế giới đang đứng bên bờ vực của cuộc chiến thương mại.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2018 tuần 14 (02/04 – 07/04/2018)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 14, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta sụt giảm trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 29 USD, xuống 1.730 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 22 USD, còn 1.746 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch tăng khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được co lại.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 0,1 cent, xuống 117,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,15 cent, còn 119,4 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng/kg, xuống dao động trong khung 36.300 – 36.900 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.626 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 115 – 120 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng 5 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 100 đồng, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,7 cent/lb.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ sàn trở lại khi giới thương mại quốc tế dấy lên mối quan ngại cả Trung Quốc lẫn Mỹ, hai cường quốc kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới đang đứng bên bờ vực của cuộc chiến thương mại. Mặc dù Cố vấn Larry Kudlow cố gắng xoa dịu sự căng thẳng khi đề cập đến khả năng hai bên ngồi vào bàn đàm phán nhưng chính Tổng thống Mỹ lại lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư phải chấp nhận “một chút thương đau” để đổi lấy lợi lâu dài cho nước Mỹ, và vị vậy đã không giúp ích gì cho việc trấn an thị trường mà con làm cho nó rung chuyển mạnh hơn.

Giá cà phê quốc tế tưởng như đã có sự hồi phục ngắn hạn nhưng thành quả qua 3 phiên đầu tuần đã bị ngày “thứ Sáu đẩm máu” nhấn chìm trở lại.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 02/04 hầu như không thay đổi so với tuần thương mại trước đó, vẫn đăng ký ở 80.470 tấn (tương đương 1.341.167 bao, bao 60 kg).

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng Hai tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, với tổng cộng 9,93 triệu bao. Do đó, lũy kế xuất khẩu toàn cầu trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018 đã tăng 3,18% so với cùng kỳ niên vụ trước đó, đạt tổng cộng 50,98 triệu bao.

ICO cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi công bố Chính phủ Mỹ sẽ chính thức rút ra khỏi tư cách thành viên kể từ Chủ Nhật thứ 3 của tháng Sáu, tức là ngày 17/06/2018, và mong muốn các tổ chức cà phê của Mỹ vẫn quan hệ khắng khít với ICO.

Trong tuần tới, Hội nghị Thường niên lần thứ 121 của Tổ chức Cà phê Quốc tế sẽ nhóm họp tại Mexico Cty từ ngày thứ Hai đến ngày thứ Sáu, với nội dung bên cạnh các vấn đề hành chính là thảo luận về nông nghiệp toàn cầu với trọng tâm là “cơn bão giá” và các mối đe dọa người nông dân trồng cà phê hiện nay. Được biết, Colombia đã đề nghị đưa vào chương trình nghị sự mối quan ngại của họ về việc có nhiều nước tham gia trồng cà phê đã làm cho cà phê mất giá, cùng với Brasil và Việt Nam bàn kế hoạch ổn định sản xuất để giảm cung và nâng giá cà phê lên. Colombia vừa là nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới nhưng cũng là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu.

Các nhà quan sát cho rằng tham vọng của Colombia rất khó tìm được sự đồng thuận của các nước vì chính bản thân họ cũng không có tiền tài trợ cho nông dân tồn trữ cà phê để giảm bán khi giá quốc tế giảm thấp, đặc biệt trong lịch sử các phiên họp tương tự của ICO cũng chưa hề bàn về vấn đề tài trợ giá cả.

Giới thương mại quốc tế bày tỏ sự quan ngại và kỳ vọng giá cà phê sẽ sớm hồi phục sau cú “giật mình” của “ngày thứ Sáu đẩm máu” trong khi sức ép vụ mùa mới “kỷ lục” của Brasil cũng nóng dần lên với thu hoạch đã bắt đầu tại các vùng cà phê Conilon chín sớm ở Espiríto Santo, bang chủ yếu trồng cà phê Robusta của Brasil.

Giới thương mại tại Việt Nam dự báo xuất khẩu cà phê tháng Tư sẽ giảm đáng kể so với xuất khẩu tháng Ba, ước chỉ khoảng 2 – 2,4 triệu bao. Nguyên nhân được cho là có sự kháng giá tiếp tục của nông dân trong khi nguồn hàng từ vụ thu hoạch vừa qua vẫn còn tương đối khá.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng