Sự điều chỉnh trạng thái và thanh lý ngắn hạn đã khiến giá cà phê sụt giảm trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 29 USD, xuống 1.728 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 23 USD còn 1.717 USD/tấn, các mức giảm rất rất đáng kể. Khối lượng giao dịch tăng lên trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo tiếp tục được thu hẹp khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 2,65 cent, xuống 122,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 2,55 cent, còn 124,65 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 35.900 – 36.400 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.617 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Các thị trường cà phê tiếp tục suy yếu trước việc chuyển tháng kỳ hạn của nhà đầu tư, trong khi đầu cơ vẫn mạnh tay bán ròng là điều hết sức bất ngờ khi lượng bán ròng đã cao kỷ lục. Tuy nhiên, trong số gia tăng bán có bao nhiêu số bán trở lại sau khi đã thanh lý và chốt lời ngắn hạn ngay trước đó.
Báo cáo CFTC từ sàn London cho biết, tính đến ngày 23/01, đầu cơ phi thương mại đã giảm khối lượng bán ròng bớt 31,15% xuống 15.957 lô, tương đương 2.659.500 bao và có khả năng đã tăng trở lại sau phiên giao dịch tiêu cực ngày hôm qua.
Trong khi đó, báo cáo CFTC từ sàn New York cho biết, tính đến ngày 23/01, đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 7,12% lên 58.970 lô, tương đương 16.717.734 bao và có khả năng tăng nhiều hơn nữa sau thời gian thương mại tiêu cực là chủ yếu kể từ ngày đó đến nay.
Mặc dù nguồn cung cà phê Arabica vẫn có sẵn cho thị trường tiêu dùng do vụ mùa hiện đang thu hoạch của khối sản xuất Mexico và khu vực Trung Mỹ tăng khá như kỳ vọng nhưng sản lượng vụ mùa chính ở Colombia lại giảm vì thời tiết bất lợi là điều thị trường không thể không quan tâm trong ngắn hạn. Trong khi sản lượng Robusta vụ mới của Việt Nam sẽ giúp thị trường hạ nhiệt cho tới khi Indonesia ra hàng vụ mới chứ chưa thể khẳng định là đã dư thừa theo một vài dự báo. Một vài nhà quan sát cho rằng sản lượng Robusta Việt Nam tăng đáng kể nhưng liệu đã đủ để cung ứng cho thị trường khổng lồ có chung đường biên giới phía Bắc cũng đang gia tăng tiêu thụ cà phê hàng năm ở mức 2 con số. Vấn đề là khu vực phía Nam Trung Quốc chủ yếu trồng cà phê Arabica trong khi “gu” thưởng thức của giới trẻ quốc gia này vẫn thiên về Robusta như nhiều nước Á-Phi nói chung.
Các thương nhân nội địa Việt Nam cho rằng biến động mạnh phiên vừa qua chỉ là một cú “giật mình” của đầu cơ trên sàn trước thông tin tài chính vĩ mô điều chỉnh mà thị trường cà phê thường phải hứng chịu trong ngắn hạn, trong khi hầu hết các thị trường nông sản hôm qua chỉ thấy bát ngát một màu xanh.
Thương mại tại thị trường nội địa Việt Nam vẫn ổn định, không thấy xuất hiện việc bán ra ồ ạt như nhiều suy đoán khi ngày tết Mậu Tuất sắp cận kề, chỉ còn nửa tháng nữa.
Anh Văn (giacaphe.com)