Giá cà phê quốc tế vẫn còn xu hướng tiêu cực khi Conab Brasil đưa ra dự báo mới tuy đã được cho là chỉ tác động nhất thời.
Chốt phiên cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 37 USD xuống 1.756 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 20 USD còn 1.742 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được tái lập ở kỳ hạn gần.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 0,15 cent lên 121,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng 0,15 cent lên 123,7 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống giao dịch trong phạm vi 36.500 – 37.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.642 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 95 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng 18 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 300 đồng/kg, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 1 cent/lb.
Tiếp sau hai phiên đầu tuần giao dịch khá uể oải và rời rạc, thị trường cà phê thế giới bất ngờ tăng tốc khiến nhiều giới tỏ ra khá ngạc nhiên về việc CNC Brasil không đồng thuận với báo cáo của Nhóm Các nhà xuất khẩu Cecafe cho rằng xuất khẩu sẽ còn sụt giảm kéo dài trong năm nay, chi ít cũng tới khi sản lượng vụ mùa mới được đưa ra. Trong khi đó, các nhà quan sát và phân tích kỹ thuật cho rằng sự tăng tốc chỉ là kết quả của việc hiệu chỉnh kỹ thuật khi “gấu đầu cơ” tỏ vẻ “chán ăn”.
Tuy nhiên, nổi bật trong tuần là dự báo của Conab, cơ quan cung ứng nông sản và dự báo mùa vụ chính thức của Bộ Nông nghiệp Brasil, đã đưa ra dự báo mới về sản lượng cà phê Brasil năm nay tăng. Theo đó, tổng sản lượng cà phê sẽ tăng từ 44,97 triệu bao của năm ngoái lên trong khoảng 54,44 – 58,91 triệu bao, riêng cà phê Conilon Robusta sẽ tăng lên khoảng 12,7 – 13,96 triệu bao, tăng 26% trong khi cà phê Arabica tăng tới 30%.
Vấn đề gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát là dự báo của Conab vốn có truyền thống bảo thủ, thường thấp hơn các dự báo có uy tín khác tới 8 – 10 %. Cho nên dự báo này được cho là chỉ tác động tâm lý thị trường nhất thời và là cơ hội để cho các đầu cơ và các Quỹ chốt lời ngắn hạn và điều chỉnh các vị thế sau khi đã “mạnh tay” mà thôi.
Vì vậy, phiên giao dịch cuối tuần hầu như không còn âm hưởng gì của việc hiệu chỉnh mạnh trong tuần, nên thị trường cà phê quốc tế vẫn được đánh giá chung là có xu hướng chưa rõ ràng, thậm chí còn có chút tiêu cực.
Các nhà kinh doanh cà phê Robusta tại thị trường Đông Nam Á cho rằng giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng tăng do nhu cầu bán ra của nông dân. Họ cần có tiền mặt để mua sắm, chi tiêu cho kỳ Tết Nguyên Đán, là kỳ lễ lớn và kéo dài nhất của năm sẽ đến trong khoảng hơn 3 tuần nữa. Vấn đề lúc này là sức bán ra, chiến lược bán ra và sự kháng giá sẽ được họ thể hiện như thế nào cũng đang được nhiều giới trên thị trường quan tâm theo dõi.
Anh Văn (giacaphe.com)