Khả năng mức giá nằm trong vùng tiêu cực này khó để mà đoán được khi nào sẽ vượt qua trong khi thị trường vẫn chưa xuất hiện sức mua nào đáng kể …
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 2 USD, lên mức 1.726 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 không thay đổi, vẫn ở mức 1.726 USD/tấn, các mức tăng rất nhẹ. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica đảo chiều giảm trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 1,2 cent, xuống ở 123,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 1,2 cent, còn 126,35 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên điều chỉnh trong phạm vi 0 – 100 đồng, lên dao động trong khung 36.100 – 36.800 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.646 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 75 – 80 USD theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Giá cà phê kỳ hạn quốc tế có phần tiêu cực không chỉ do USDX suy yếu trở lại vì Trung Quốc tạm dừng mua trái phiếu Mỹ mà còn do đầu cơ chuyển vốn sang thị trường vàng đang tăng nóng để kiếm lời ngắn hạn. Trong khi đó khối Eurozone cũng có những bất thuận từ đàm phán Brexit, thậm chí còn được cho là EU sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và chính những điều này đã đẩy giá vàng tăng vọt gần đây chăng?
Dự báo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) về niên vụ cà phê 2017/2018 đã tăng từ thặng dư 56.000 bao lên 1,18 triệu bao do ước tính sản lượng toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 158,8 triệu bao.
Theo giới phân tích, dự báo của ICO vốn có truyền thống bảo thủ nên thông tin đưa ra cũng không tác động mấy lên thị trường. Tuy nhiên, điều đó đã góp phần cho thấy nguồn cung cà phê toàn cầu không còn là mối lo trong cả trung lẫn dài hạn. Đây cũng là điều các nhà tư vấn và đầu tư khuyến khích khách hàng của mình mạnh tay rót vốn vào mặt hàng nông sản vốn nhiều sôi động này như các thông tin đã đưa trong vài ngày qua.
Theo các nhà kinh doanh nội địa, sức bán ra của nông dân cà phê Tây nguyên có phần chậm lại do mức giá chào mua của các nhà xuất khẩu chưa đạt như kỳ vọng. Phần lớn nhà nông tiếp tục thể hiện sự kháng giá kể từ đầu tháng 11, khi giá cà phê xô trong nước đã giảm xuống dưới mức 40 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, thông tin từ các nguồn cho thấy khó để mà đoán được khả năng mức giá nằm trong vùng tiêu cực này khi nào sẽ vượt qua, trong khi thị trường vẫn chưa xuất hiện sức mua nào đáng kể.
Anh Văn (giacaphe.com)