Cà phê rớt giá, nông dân thu hoạch cà phê bán không được, phải mang đi gửi vào kho của đại lý, thương lái thì bị xù, quỵt tiền vì đại lý, thương lái bị vỡ nợ. Đó là lý do khiến nhiều nông dân thay đổi thói quen cũ, mang cà phê vào giao dịch và gửi kho tại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.
Xem thêm: Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân
Theo trung tâm, tính tới nay, trung tâm đã tổ chức 47 lần nhập hàng, cấp 137 chứng thư gửi kho cho nông dân với số lượng 404,202 tấn cà phê được chế biến đủ tiêu chuẩn giao dịch, trong đó đã thực hiện 4 lần xuất kho cho giao dịch thỏa thuận của thành viên với số lượng 20,614 tấn.
Số lượng cà phê thành phẩm tồn kho tại hệ thống kho trung tâm hiện lên tới 681,264 tấn, cụ thể tiêu chuẩn cà phê R1A 87,177 tấn, R1C 158,684 tấn và R2B 435,403 tấn.
Hiện Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đã kết nạp được 62 thành viên trong đó có 40 thành viên đăng ký bán (nông dân, nhóm nông dân, đại lý) và 21 thành viên kinh doanh (các doanh nghiệp xuất khẩu) và 1 thành viên môi giới tại sàn.
Hoạt động tín dụng tại ngân hàng ủy thác thanh toán của trung tâm là Techcombank cũng nhộn nhịp, hiện trung tâm đã nhận được 29 hồ sơ xin vay thế chấp bằng cà phê gửi tại kho với tổng số tiền giải ngân hơn 4,5 tỉ đồng.
Trước đó, hôm ngày 4-3, tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan, Hiệp hội Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ cho vay vốn ưu đãi mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhằm ngăn tình trạng giá cà phê giảm.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 200.000 tấn cà phê nhân trong tổng hợp đồng đã ký 500.000 tấn, hiện dự báo lượng cà phê còn tồn trong dân, doanh nghiệp khoảng 600.000 tấn và giá cà phê nhân trên thị trường nội địa hiện chỉ còn 22.900 đồng/kg, giá xuất khẩu tại cảng Sài Gòn giảm xuống còn 1.175 đô la Mỹ/tấn, giảm 15-25% so cùng kỳ năm ngoái.