Tin buồn

Ứng dụng nghiên cứu khoa học vào sản xuất ở Ðác Lắc

Những năm qua, Ðác Lắc đã đầu tư hơn bốn tỷ đồng triển khai 28 đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học nhằm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen.

Từ những kết quả nghiên cứu này đã được các ngành ứng dụng vào sản xuất, với các giống mới về cây, con có năng suất, chất lượng cao và đã góp phần rất lớn trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Kiểm tra sự phát triển của cây hồ tiêu sau khi
sử dụng chế phẩm sinh học.

Từ những mô hình khảo nghiệm về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc đã biết tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, cám, mùn cưa, lõi ngô, vỏ cà-phê… để sản xuất các loại nấm, phân bón vi sinh. Các cơ sở thực nghiệm trong tỉnh đã phân lập và nuôi các chủng vi sinh để sử dụng sản xuất đất sạch, phân hữu cơ chất lượng cao từ nguồn vỏ quả

cà-phê phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các chế phẩm từ Oligoglucosamine (Oligo) với chức năng kích thích tăng trưởng thực vật, tăng khả năng đề kháng bệnh cho cây trồng đã được sản xuất và áp dụng thành công trên cây lúa, lạc, đậu tương, bông vải…., góp phần tăng năng suất các loại cây trồng này từ 20% đến 28%, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao mà không gây hại môi trường.

Một số dòng nấm đối kháng như Trichoderma được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và thử nghiệm thành công trong việc bảo vệ thực vật thay thế cho các loại hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu, sản xuất thành công giống cá thát lát, mở ra triển vọng mới cho ngành thủy sản Ðác Lắc. Chị Phan Thị Lệ Anh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sản xuất giống và nuôi cá thát lát thương phẩm cho biết: Nguồn cá bố mẹ được tuyển chọn từ cá ở hồ Ea Súp hạ (huyện Ea Súp), với kích cỡ cá từ 60 đến 100g/con. Cá giống được sản xuất theo quy trình sản xuất nhân tạo, với phương pháp cho cá bố mẹ sinh sản bằng vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo, ấp trứng bằng khung lưới đặt trong bể bạt có mái che. Tỷ lệ cá sinh sản đạt từ 90 đến 100%.

Tuy nhiên, phần lớn nông dân vẫn chưa nắm vững đặc tính sinh học, cũng như kỹ thuật nuôi, cho nên ngành thủy sản cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp tài liệu liên quan; xác định mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả nhất để chuyển giao cho nông dân áp dụng.

Bên cạnh đó, để cá thát lát trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao ngành thủy sản cũng cần có quy hoạch vùng trọng điểm với diện tích nuôi trồng hợp lý, tránh tình trạng chạy theo phong trào.

Theo ước tính trong vòng mười năm tới, có khoảng 50% số diện tích cà-phê cần phải được trồng tái canh do già cỗi hoặc bị suy kiệt do quá trình canh tác theo phương thức thâm canh cao độ… Xuất phát từ thực tế đó, trong những năm qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã có nhiều đề tài nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu về cây cà-phê, từ lai tạo, tuyển chọn giống, tìm giải pháp thâm canh hợp lý, phòng trừ sâu bệnh… đến các đề tài nghiên cứu phục vụ cho cây cà-phê như: chế phẩm phân bón lá chuyên dùng cho cà-phê, quy trình kỹ thuật ghép cà-phê, quy trình tưới nước tiết kiệm, phòng trừ bệnh.

WASI đã nghiên cứu lai tạo thành công những dòng vô tính cà-phê vối, các giống cà-phê chè làm phong phú cơ cấu giống, mở rộng diện tích ở những vùng có điều kiện phù hợp, góp phần nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng cà-phê.

Hiện đã có năm dòng vô tính cà-phê vối là TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, với năng suất trung bình đạt hơn năm tấn nhân/ha, hạt loại 1, chiếm hơn 75% và kháng cao đối với bệnh gỉ sắt đang được sản xuất nhân rộng chuyển giao cho nông dân. Theo đánh giá, các tiến bộ về giống mới này sẽ cho phép giảm một phần ba diện tích cà-phê không hiệu quả mà sản lượng cà-phê vối Việt Nam vẫn đạt được như hiện nay.

Không chỉ dừng lại ở thế hệ giống lai cà-phê F1, thời gian qua, WASI tiếp tục lai tạo, chọn lọc đến thế hệ F4, với những kết quả rất khả quan. Ðặc biệt là mới đây, các nhà nghiên cứu ở WASI đã chọn được ba dòng vô tính cà-phê vối chín muộn 2/1, 12/1, 11/12 với năng suất năm đến sáu tấn nhân /ha, chất lượng tốt, kháng cao với bệnh gỉ sắt. Thành công của các công trình nghiên cứu này là chuyển được vụ cà-phê chín sang mùa khô, góp phần cải thiện sản phẩm khi phơi sấy không bị ảnh hưởng của thời tiết mưa phùn ở Tây Nguyên.

Phần lớn các đề tài nghiên cứu của WASI đều được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất thông qua các mô hình điểm, các hội thảo chuyên đề, tổ chức các lớp tập huấn và đều mang lại hiệu quả cao. Theo TS Trương Hồng, Phó Viện trưởng WASI, có đến 53% số kết quả nghiên cứu của WASI chuyển giao cho sản xuất và 75% số đề tài đạt hiệu quả cao trong việc áp dụng vào thực tế sản xuất.

Một trong những thành công của WASI trong việc chuyển giao kỹ thuật là phương pháp ghép cành, cải tạo những cây cà-phê bị bệnh gỉ sắt và cây có năng suất thấp thành cây có nhiều quả đạt năng suất cao, chất lượng tốt.

Kỹ thuật này đang được nhân rộng bởi hiệu quả thiết thực trong việc cải tạo lại vườn cây, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Gần đây, WASI tiếp tục nghiên cứu và áp dụng việc ghép chồi cà-phê vối lên cây cà-phê mít. Thành công của công trình này chính là sức chịu hạn của cây, có thể sinh trưởng và cho năng suất cao ở những vùng sản xuất không chủ động nguồn nước tưới…

Theo TS Nguyễn Văn Liễu, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế – kỹ thuật cho biết, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp và tiềm lực về nghiên cứu công nghệ sinh học ở vùng Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc nói riêng đến nay nhiều hạn chế. Ðó là việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ sinh học chưa tương xứng với tiềm năng; các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường hiện có rất nhiều, nhưng việc đánh giá, thử nghiệm và xây dựng mô hình ứng dụng cho từng vùng chưa được chính quyền địa phương quan tâm nên nông dân vẫn bị thiếu thông tin; lượng giống mới sản xuất chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất; độ đồng đều và chất lượng của sản phẩm chưa cao; chưa tạo được các thương hiệu ổn định đối với những nông sản chính… Do vậy, cần khắc phục những hạn chế trên để công nghệ sinh học đi vào đời sống sản xuất của người dân.

Theo Nhân Dân

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê Khùng

    Có ai nghiên cứu gỗ cây cà phê để úng dụng vào sản xuất ra 1 thứ gì đó không? Ví dụ như gỗ cây cao su trước đây chỉ làm củi, bi giờ  ghép lại đóng đồ trang trí nội thất đẹp quá chời luôn.

    Đừng nói tui khùng nghen, ý kiến tui là đi trước thời đại ấy, khi mà giá cà phê ngày càng rẽ, đầu ra bằng đầu vô.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82