Giá cà phê biến động không đáng kể (28/07/2017)

Sức ép thanh lý gia tăng nhưng giá cà phê trên hai sàn vẫn vững trong khi Arabica xuất hiện mối lo mới.

Biểu đồ Robusta London T9 ngày 27/07/2017

Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh theo xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm 2 USD, xuống 2.141 USD/tấn. Trong khi kỳ hạn giao tháng 11 tăng 1 USD, lên 2.125 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2018 tăng 3 USD, lên 2.097 USD/tấn , các mức thay đổi rất nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.  Cấu trúc giá đảo vẫn được duy trì.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 1,15 cent, lên 134,8 cent/lb. Trong khi kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 1,15 cent, lên 139,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 cũng tăng 1,15 cent, lên 143,05 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên điều chỉnh giảm 100 đồng, xuống dao động ở mức 45.500 – 46.100 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 2.025 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi 90 – 100 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Theo Commerzbank, giá cà phê Arabica bật tăng liên tiếp không chỉ vì vụ đang thu hoạch ở Brasil vào năm giảm của chu kỳ “hai năm một” mà còn do một số nơi mất mùa đáng kể. Đặc biệt là tại hai khu vực Cerrado và Sul de Minas đang bị sâu đục thân tàn phá do việc bị hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Do đó, ngân hàng này dự kiến có thể giá sẽ còn tăng.

Cho dù các nhà quan sát vẫn duy trì nhận định do mức giá chênh lệch hiện vẫn quá hẹp nên Arabica New York cần phải tăng và Robusta London giảm bớt. Nhưng thương mại trên các sàn giao dịch hiện nay chủ yếu là nhà đầu tư tài chính chứ không còn riêng của nhà sản xuất và nhà kinh doanh hạt cà phê.

Kể từ khi sàn London về chung với ICE thì việc chuyển vốn đầu tư qua lại giữ hai sàn càng rõ rệt, thường xuyên xảy ra việc “bán London mua New York” hay ngược lại. Lúc này, giá trên sàn chỉ là giá tham khảo hay để phòng hộ, việc tăng giảm là do những tác động của các yếu tố kinh tế thị trường hơn là do cung – cầu cà phê.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 7 ước đạt 106 nghìn tấn, giảm 13,24% so với tháng trước, đưa xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2017 ước đạt 937 nghìn tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm hầu như nằm trong suy đoán của giới thương nhân do nguồn cung bước vào các tháng cuối niên vụ càng bị hạn chế, trong khi sự kháng giá tại thị trường nội địa vẫn tiếp diễn.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80