Nông dân chân đất bước vào sàn giao dịch

Trước nguy cơ vỡ nợ dây chuyền của các đại lý cà phê ở Dak Lak, một số ít nông dân đã thử mang cà phê gửi kho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột , cùng với cầm cố cà phê tại kho của sàn để vay vốn ngân hàng.

Xem thêm:

8e2ed_bcec
Sàn giao dịch cà phê BMT

Dù sản lượng cà phê nhân mà nông dân mang gửi kho cho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) chưa nhiều nhưng trong tình cảnh nhiều nông dân gửi cà phê cho đại lý lo lắng thì gửi cà phê cho sàn không những không lo sợ mất tài sản mà còn có thể vay vốn ngân hàng tại sàn.

Nông dân chở cà phê vào sàn

Ông Hoàng Trọng Đạt, một nông dân trồng tới 15 héc ta cà phê ở thôn 2, xã Hòa Thuận, Buôn Ma Thuột, Dak Lak khá bỡ ngỡ khi biết BCEC đã ra đời 2 năm nay, nhằm phục vụ giao dịch cà phê cho những nông dân như ông.

Thói quen mua bán cà phê qua đại lý, thương lái đã ăn sâu vào tiềm thức người trồng cà phê bao năm qua, cùng với tiện lợi của là “tiền tươi, cà phê thật”, nên ông Đạt chẳng dám bước chân tới sàn chứ đừng nói là mang cà phê tới giao dịch.

Khi thấy một số nông dân trồng, lẫn mua bán cà phê tới BCEC đăng ký làm thành viên bán (tức thành viên của BCEC chỉ giao dịch bán tại sàn), ông cũng đăng ký. Đầu niên vụ cà phê 2009-2010, “lần đầu tiên tôi cũng rất e ngại khi giao dịch với BCEC, đành đánh liều 1 phen là đem cà phê tới sàn để giao dịch”, ông kể lại.

Vậy là tới nay, ông đã ký gửi 50 tấn cà phê nhân cho kho của BCEC. Cà phê mà nhà ông mang tới kho là cà phê xô, tức có cả 3 cỡ hạt là to, vừa và nhỏ. Khi mang cà phê xô tới gửi kho, ông được nhân viên sàn tư vấn nên phân loại ra để sau này bán có giá tốt nhất. Vậy là ông tốn thêm một chút công để phân loại theo ba tiêu chuẩn dựa trên kích cỡ hạt (có sàng đo kích cỡ để phân loại), đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, thay vì cà phê xô mà ông thường bán.

BCEC cấp cho ông ba cái giấy chứng thư đã ký gửi 3 loại cà phê với sản lượng cụ thể, trong đó có chứng nhận tiêu chuẩn cà phê của Cafecontrol, đơn vị được BCEC ủy nhiệm kiểm tra chất lượng. “Có chứng thư này rồi, nhân viên BCEC cho biết là tôi có thể dùng nó để bán, cầm cố vay tiền với ngân hàng có mặt tại sàn giao dịch, còn nếu chưa cần tiền thì cứ gửi ở kho của sàn, khi nào cần thì bán”, ông cho biết.

Thay đổi thói quen
Phải nói rằng thói quen thu hoạch cà phê tươi, phơi xơ, xát ra bóc vỏ thành cà phê nhân rồi bán xô cho đại lý đã trở thành thói quen của người nông dân. Đây là kiểu sản xuất mà người có cà phê tốt cũng chỉ bán được với giá chẳng khác gì cà phê xấu, không khuyến khích nông dân phân loại, nâng cao chất lượng, kích cỡ hạt cà phê, để tăng thêm giá bán mà nông dân có thể có được.

Một số nông dân hiện đang giao dịch cà phê với BCEC (trong giao dịch có phần ký gửi), cho biết chỉ cần điện thoại tới sàn và cho biết nhu cầu của mình (ký gửi, cầm cố vay vốn…) thì sàn sẽ hướng dẩn cụ thể các thủ tục. Sau khi nông dân chở cà phê tới sàn, được sàn hướng dẫn cân xe, lấy phiếu cân, xuống hàng, lấy mẫu cà phê để kiểm định và ra cân xe lại để xác định trọng lượng cà phê thực nhập kho.

Ông Đạt cho biết nhân viên kiểm định chất lượng của Cafecontrol chỉ cần 30 phút sau khi nhập kho là có thể cho người gửi biết kết quả lô hàng nhập là bao nhiêu phần trăm sàng 18 (cỡ hạt), sàng 16, sàng 13, độ ẩm, tỷ lệ hạt đen vỡ, tỷ lệ tạp chất…

Theo lời ông Đạt, mỗi tấn cà phê xô khi ký gửi phải đóng phí các loại hết 550.000 đồng và nông dân như ông “hết hồn”, bởi gửi cho đại lý bên ngoài không mất đồng phí nào. Lúc đầu ông nghĩ mất phí kiểu này thì nông dân e ngại không dám gửi hay giao dịch với BCEC là tất nhiên, nhưng khi có phiếu kiểm định chất lượng ông mới hiểu nhiều chuyện.

Nhờ phân loại nên khi ông Đạt muốn bán thì cà phê tiêu chuẩn sàng 13 có giá cao hơn cà phê xô 200 đồng/kg, cà phê sàng 16 cao hơn 1.000 đồng và loại cao nhất là sàng 18 có giá cao hơn tới 1.300 đồng/kg. Điều đó giúp ông tính ra ngay rằng ông mất tiền phí gửi kho, tiền vận chuyển, bốc xếp nhưng nhờ phân loại và khi bán thành phẩm được giá cao hơn nhiều so với bán xô tại nhà và cao hơn mức phí mà ông bỏ ra.

“Làm ăn như thế này mới khuyến khích nông dân trồng, thu hái và phân loại cà phê để có giá bán tốt nhất, trong khi gửi kho đại lý, dù không tốn phí nhưng cà phê tốt vẫn bị tính là loại xô”, ông Đạt phân tích. Điều làm ông Đạt yên tâm không phải là cà phê ông bán có giá tốt hơn bán xô mà cái chính là “yên tâm khi gửi kho của sàn, không sợ vỡ nợ, rủi ro như ký gửi cà phê ở đại lý như bao lâu nay”.

Khởi đầu khó khăn

Không chỉ ông Đạt mang cà phê tới giao dịch với BCEC mà theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc sàn BCEC, tới nay đã có 40 hộ nông dân, đại lý mua bán cà phê đăng ký làm thành viên bán tại sàn và nhiều người trong số này đã mang cà phê tới giao dịch, trong đó có ký gửi cà phê.

Như trong tuần cuối cùng của tháng 1 (25 tới 29-1), BCEC đã cấp chứng thư nhận gửi kho cho 40 tấn cà phê của nông dân, trong đó nông dân bán 5,9 tấn và một số người gửi đã cầm cố vay vốn ngân hàng, cầm cố chứng thư gửi kho để vay ngân hàng ủy thác thanh toán (Techcombank) với số tiền 480 triệu đồng.

Còn hiện nay, sàn nhận cà phê gửi kho của nông dân có ngày 8 tấn, ngày 10 tấn, cũng có khi vài chục tấn. Cũng có ngày nông dân dùng chứng thư gửi kho để vay vốn hơn tỉ đồng.

Cũng theo ông Hà, hiện nay ngân hàng ủy thác thanh toán của sàn là Techcombank cho nông dân vay vốn bằng 70% giá trị cà phê gửi kho với hạn mức tối đa 10 tỉ đồng cho cá nhân. Còn kho thì miễn phí tiền gửi kho trong 3 tháng đầu tiên.

Từ chỗ chỉ vài doanh nghiệp đăng ký làm thành viên kinh doanh (mua bán cà phê) mà chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nay có 21 doanh nghiệp đăng ký mua bán qua sàn, một con số không nhỏ khi mà BCEC mới chỉ 2 tuổi và nông dân lẫn doanh nghiệp còn chưa có thói quen mua bán qua sàn.

Hồng Văn – SaiGonTimes

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dinhnhi

    Chào cả nhà !
    Theo tôi nghĩ BCEC nên mở rộng kho điểm giao dịch xuống tận các huyện trọng điễm cà phê thì sàn mới tiếp cận với nhà nông được, giống như các đại lý thu mua vậy … còn chỉ một điễm gioa dịch ở tại TP BMT thì chỉ một số ít nông dân thật sự được tiếp cận với sàn thôi …

Tin đã đăng