Sao doanh nghiệp cứ bị ép giá hoài?

Những tưởng cảnh các nhà nhập khẩu, các quỹ đầu cơ thao túng thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam và ép giá các nhà xuất khẩu cà phê trong nước trong năm ngoái làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp sẽ là kinh nghiệm quý cho giới kinh doanh cà phê, ai dè năm nay, mới đầu vụ mà lắm doanh nghiệp cũng bị ép giá với chiêu thức tương tự.

Le lói tia hy vọng

Khi nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên buồn vì các cơn bão tàn phá nhiều diện tích cà phê sắp thu hoạch vào cuối năm ngoái thì họ thấy lóe lên tia hy vọng, bởi những dự báo thị trường cà phê đầy lạc quan. Không lạc quan sao được khi mà cà phê nhân robusta của Việt Nam nắm giữ sản lượng lớn nhất thế giới, bị mất mùa vì thời tiết xấu, dự kiến sản lượng tụt giảm 20-25% ít nhiều tác động tới thị trường giao dịch cà phê thế giới.

Hơn nữa, theo dự báo của Tổ chức cà phê thế giới (ICO), niên vụ 2009-2010 sản lượng cà phê thế giới đạt 123,7 triệu bao (60 kg/bao), giảm so với mức 128 triệu bao của niên vụ trước đó. Sản lượng giảm do sản lượng giảm ở Brazil cũng như sản lượng ở các nước Việt Nam, Colombia và Trung Mỹ cũng được dự đoán giảm sẽ thắt chặt nguồn cung hoặc giảm vì thời tiết. Thêm vào đó, các chi phí lao động và phân bón cao hơn cũng đóng một vai trò nhất định trong việc làm giảm nguồn cung cà phê.

Trong khi đó, tiêu thụ cà phê năm 2010 ước tính sẽ đạt 132 triệu bao, tăng so với mức 130 triệu bao của năm trước. Những dự báo nói trên cũng phần nào giúp nông dân và doanh nghiệp kinh doanh cà phê vững tin hơn cho xuất khẩu cà phê năm nay, sau một năm thất bát ở năm ngoái.

Ở trong nước, có vẻ các doanh nghiệp cà phê đã ý thức hơn vai trò của “buôn có bạn, bán có phường”, nên vai trò của Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) có vẻ nổi bật hơn sau nhiều năm im lìm. Vicofa liên tục có những cuộc dàn xếp để các nhà xuất khẩu ngồi lại với nhau, đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo sau bài học xương máu trong kinh doanh cà phê năm ngoái. Rồi Vicofa đứng ra thành lập câu lạc bộ các nhà xuất khẩu hàng đầu nhằm liên kết để đối phó với những thao túng thị trường của các nhà nhập khẩu đã từng diễn ra trong năm ngoái.

Đó là chưa kể cuối năm ngoái, một thông tin làm xôn xao giới kinh doanh cà phê là Intimex, một nhà xuất khẩu cà phê đã ký hợp đồng bán 200.000 tấn cà phê nhân cho một tập đoàn của Anh, tức chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê cả năm của Việt Nam, cũng ít nhiều làm cho thị trường cà phê trong nước bớt trầm lắng.

 

Lại tái diễn điệp khúc cũ

Tia hy vọng của nông dân không kéo dài lâu, bởi trong tháng đầu tiên của năm mới, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam không chỉ xuống thấp mà biến động khó lường, khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp. Tại thị trường Dak Lak, thủ phủ cà phê Việt Nam, ngày 1-2, giá cà phê nhân xô nông dân bán ra chỉ còn 23.700 đồng/kg, còn giá FOB xuất khẩu của doanh nghiệp tại cảng Sài Gòn rớt xuống còn 1.254 đô la Mỹ/tấn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ rớt giá mà các doanh nghiệp trong nước còn lận đận bởi khó khăn mà các nhà nhập khẩu mang lại, hay nói khác đi là nhà nhập khẩu thao túng, bắt bí doanh nghiệp trong nước với nhiều hình thức không hề mới. Đó là phạt hợp đồng không lý do, giữ lại tiền của nhà xuất khẩu, tự ý trừ tiền mà không có chứng từ, tự thay đổi ngày chốt giá theo hướng có lợi cho nhà nhập khẩu, thậm chí quỵt nợ như mua nguyên lô 100 container nhưng chỉ trả trước bằng tín dụng thư vài container…

Theo Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam thuộc Vicofa, giá cà phê giảm là do các nhà buôn lớn trên thế giới đang đầu cơ, cố ép giá xuống thấp. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nước ngoài dù vi phạm luật kinh doanh nhưng vẫn bắt doanh nghiệp Việt Nam hứng chịu vì ở thế yếu về tài chính, kinh nghiệm thương trường.

Ông Đỗ Hà Nam, chủ nhiệm câu lạc bộ, đã cho biết có doanh nghiệp bị thiệt hại lên tới 300.000 đô la Mỹ, có doanh nghiệp bị xù hợp đồng, bị gian lận hàng tỉ đồng. Có công ty tin tưởng nhầm khách hàng khi ký bán 50 container cà phê nhưng chỉ chốt giá và thanh toán với nhau bằng tín dụng thư 5 container, số còn lại khách hàng trả sau và sau khi thanh toán đợt đầu, phần còn lại 45 container nhà nhập khẩu tự ý ép giá, tự ý nâng cao phí trừ lùi (là phí mà nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu dựa vào giá giao dịch ở London rồi sau đó trừ ra một mức cụ thể nào đó để tính ra giá xuất của Việt Nam, thương xê dịch quanh mức 100 đô la Mỹ/tấn, nhưng có khi bị ép trừ lùi lên tới 200 đô la Mỹ/tấn).

Giải pháp hiện nay mà các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam là tìm cách công bố công khai tên tuổi của các nhà nhập khẩu “chơi đểu” trên trang chủ của Vicofa (www.vicofa.org.vn ), đồng thời liên kết thực hiện phương án sử dụng vốn tạm trữ 200.000 tấn cà phê của Chính phủ.

Theo dự kiến, ngày 5-2 tới đây, nhà xuất khẩu có khả năng thực hiện tạm trữ cho nông dân thì làm thủ tục để được vay lãi suất ưu đãi mua cà phê cho nông dân ở mức giá theo đề nghị của Chính phủ (nông dân lãi tối thiểu 20%).

Ngoài 200.000 tấn cà phê được Chính phủ hỗ trợ tạm trữ, theo dự đoán của Vicofa, hiện có khoảng 300.000 tấn nữa được nông dân giữ lại để chờ giá lên mới bán, vì vậy cả nước có khoảng nửa triệu tấn cà phê găm giữ lại, không bán ra ồ ạt vào lúc này, thời gian mà thị trường cà phê đang ảm đạm.

Hồng Văn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. tran thanh ha

      đó là sáng kiến và cách làm hay mà doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cùng bà con nông dân cùng bắt tay thực hiện.

  2. hoàng daklak

    Doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân phải “cùng chung chi hướng, phúc – họa” thì mới đc.
    Đằng này mấy công ty xuất khẩu cũng đè nông dân cơ, phúc thì hưởng họa thì dân chịu.
    Hy vọng có sự thay đổi tầm nhìn vĩ mô.
    Thiết nghĩ Hiệp hội Cafe phải hoạt động như 1 công ty.

Tin đã đăng