Cần thay đổi thói quen thu hái cà phê

Gia đình chị K’Săn – thôn  2 xã Đa Chai huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng có một héc-ta cà phê. Vụ cà phê vừa qua mặc dù năng suất ổn định, giá cả trên thị trường tăng nhưng thu nhập từ tiền bán cà phê của gia đình chị không hơn mọi năm, thậm chí khó khăn lắm chị mới bán hết đựơc số cà phê trong nhà. Chị cho biết: Nhà không có sân phơi nên phải bán tươi, mặt khác do quá trình thu hoạch bị lẫn nhiều quả xanh nên bị tư thương ép, phải bán với giá rẻ.

thu-hai-ca-phe
Muốn cà phê đạt chất lượng tốt, chỉ hái quả đã chín
và nên tiến hành thu hái từ 3 đến 4 đợt tuỳ theo mức độ chín của
cà phê trong vườn.

Không riêng gia đình chị K’săn, hầu hết các hộ nông dân chưa thực hiện các quy trình thu hoạch cà phê một cách khoa học. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, muốn cà phê đạt chất lượng tốt, chỉ hái quả đã chín và nên tiến hành thu hái từ 3 đến 4 đợt tuỳ theo mức độ chín của cà phê trong vườn. Đa số nông dân trải bạt dưới gốc, tuốt cả cành từ đầu đến ngọn cho cà phê rơi xuống sau đó cuốn bạt, dồn quả. Cách làm này dù nhanh nhưng làm cho sản phẩm bị lẫn lá, cành khô, quả non, xanh hoặc quả khô… mặt khác việc tuốt cả cành làm cho cây bị tổn thương, khó phát triển, dễ bị nhiễm sâu bệnh, giảm năng suất những vụ sau.

Một vấn đề nữa là thiếu sân phơi. Mặc dù chi phí xây sân phơi ở nông thôn khá rẻ, chỉ vài triệu đồng cho một sân xi-măng rộng vài chục mét vuông nhưng vẫn không được nhiều hộ quan tâm đầu tư. Huyện Di Linh,  tỉnh Lâm Đồng, chỉ có 15% số hộ gia đình trồng cà phê có sân, đa số gia đình chọn cách phơi trên những tấm bạt, trên những bãi đất trống, thậm chí đổ ra đường. Thói quen này khiến cho sản phẩm bị lẫn đất cát, độ ẩm hạt cao, dễ bị nấm mốc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức cà phê thế giới (ICO) và Hiệp hội cà-phê, ca cao Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo về “Triển vọng thị trường cà-phê thế giới”, một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo này là chất lượng cà phê Việt Nam đang ở mức báo động, có tới 75% không đạt tiêu chuẩn, trong đó khâu thu hoạch, bảo quản chưa khoa học chính là một trong những nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam chất lượng thấp khiến nhiều đơn hàng cà-phê sau khi xuất khẩu đã bị đối tác trả lại và chúng ta đang phải bán cà phê với giá thấp nhất thế giới.

Với diện tích khoảng 500.000ha,Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cà phê còn gắn liền với đời sống của hàng triệu hộ nông dân. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Tiêu chuẩn VN 4193 trong đó qui định rõ định mức về độ ẩm, tạp chất, tỷ lệ hạt xanh… đối với sản phẩm cà phê, tuy nhiên hệ thống tiêu chuẩn này chưa được nhiều nông dân biết đến.

Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, bên cạnh việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống, tăng cường biện pháp kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thì một trong những vấn đề quan trọng mà ngành nông nghiệp địa phương nên quan tâm là: Tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay đổi cách thu hái và bảo quản sau thu hoạch cà phê.

Theo báo Quân Đội

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bui văn thìn

    Xin chào bạn Mình hiện ở tại Di linh thường xuyên đọc thông tin trong trang wed của bạn .Trong năm vừa qua vì phân bón NPK bị làm giả quá nhiều nên khi bón phân cho cà phê mình chủ yếu bón phân đơn và thấy hiệu quả đạt thấpRất mong bạn tư vấn cho mình một số hãng phân bón có uy tín hoặc công thức bón cho hiệu quảXin chân thành cảm ơn bạn

  2. Nong dan ngheo

    mình mong muốn trao đổi để gở thế bế tắc cho người nông dân nên rất cần thiện chí của các bạn!
    Bón phân dơn phức tạp lắm ! nông dân nghèo mình chỉ làm chủ nghĩa kinh nghiệm thôi. phân N thì dùng Urê Ảrập, Đạm Phú Mỹ, phân P dùng Supe Lâm Thao, Văn Điển, phân K thì dùng Kali Nhật, Philiphin hay Nga… thấy rất hiệu quả. Tất nhiên còn phụ thuộc cách trộn, tỉ lệ trộn, cách bón, thời điểm bón… thì phức tạp mà !
    Theo mình bạn nên bón phân hổn hợp là đơn giản nhất. có phân của Nhật, hay Bình Điền cũng được. còn các loại khác mình ko dám gth đâu. Sợ phân giả ! nhiều lắm !!! Mùa vừa qua phân giả lộng hành góp phần làm cho cafe mất mùa đến 30% mà theo mình thủ phạm phân giả dành hết hơn 20% rồi. Gần như thương hiệu nào cũng bị làm giả

  3. Nong dan ngheo

    Hái cafe làm 3-4 đợt à!Lợi bất cập hại: giá trị cafe thương phẩm tăng 20% thì tiền nhân công hái tăng trên 30%. Còn tiên công bảo vệ rẫy cafe nữa. Chuyện chó bécgiê cắn chết người đi “mót” ở Buônmathuột bạn đã biết chưa? Chứng kiến nhiều chủ rẫy hái cafe phơi đầy sân mà bươi mãi vẫn ko tìm thấy một quả chín, đau xót lắm! Mà đợi cho quả chín thì lên rẫy đã thấy ai đó thu hoạch giúp rồi. Ai bảo vệ giúp cho nông dân nghèo tôi với. Chợt nhớ bài ca dao “mười trông” thuở còn đi học mà cám cảnh cho người nông dân trồng cafe! không phải nông dân nghèo tôi chẳng biết gì.
    Tôi có anh bạn trồng vài trăm gốc. Cà anh hái lúc nào cũng chín mọng 100%. Đại lý lúc nào cũng giá cao nhất. “Mua để trộn”.Anh bắt dầu hái thì người khác đã đi tỉa cành, dọn rẫy…Nông dân nghèo tôi thấy hết mà không thể học tập được! Giá bán cafe thấp nhất thế giới đâu phải lỗi chỉ ở nông dân nghèo tôi.

  4. Nong dan ngheo

    Mình mong người quản lý mạng gỡ bỏ những ý kiến thiếu thiện chí, giành đất cho mục tiêu của diễn đàn. Theo mình, nên sắp xếp diễn đàn lại thành một mục chung cho từng chủ đề. Có những yêu cầu, đề nghị mình thấy cần giúp đỡ, nhất là để tạo nên sự bền vững, lớn mạnh của nghề cà phê!

Tin đã đăng