Các nước sản xuất dầu thô OPEC hôm qua 30-11 đạt thoả ước giảm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna (Áo).
Trừ Nigeria và Lybia, Iraq nay chấp nhận quota xuất khẩu. Các nước OPEC đã đồng ý cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày để sản xuất chừng 32,5 triệu thùng/tháng bắt đầu áp dụng vào tháng 1-2017. Quyết định này đã đưa giá dầu thô tăng mạnh 8% trong ngày hôm qua gần chạm mức 50 USD/thùng, ước đoán giá dầu của nhà phân tích Commerzbank không còn cơ sở dù mới nhận định cách nay một vài ngày.
Tuy nhiên, quyết định ấy đã không ngăn được cuộc bán thanh lý cuối tháng của các sàn nông sản. Giá kỳ hạn các sàn nông sản như bắp, đậu nành, lúa mì, ca cao và hai sàn cà phê robusta và arabica đều giảm.
Đóng cửa sàn cà phê arabica New York cơ sở tháng 3-2017 giảm 2.45 cts/lb chốt 150.60 cts/lb, sàn robusta giảm 20 USD tháng 1-2017 chốt tại 2026 và tháng 3-2017 giảm 15 USD chốt ở 2020 USD/tấn.
Tin dầu thô giảm sản lượng đáng ra sẽ nâng cao mặt bằng giá nông sản nói chung, nhưng đáng tiếc bị làn sóng dâng cao của chỉ số USD đánh bạt, hôm qua có lúc chỉ số này chạm mức cao 101.88 điểm. Dù sao, tin dầu thô giảm sản lượng, giá tức thì tăng, về lâu về dài cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến giá cà phê ít nhiều.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam hai tháng đầu niên vụ 2016/17 ước đạt 237.300 tấn, cao hơn 46.000 tấn so với cùng kỳ 2015/16 chỉ 191.100 tấn, Tổng cục Thống kê cho biết. Trong 11 tháng tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 11, xuất khẩu cà phê Việt Nam ước đạt 1.638.160 tấn thu được 3,03 tỷ USD, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 1.189.400 tấn với 2,39 tỷ USD.
Việt Nam hiện có chừng 650.000 ha cà phê, chủ yếu là loại robusta. Theo ước báo của bộ nông nghiệp Mỹ USDA ra tháng 6-2016, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2016/17 có chừng 27,27 triệu bao trong đó có 26,22 triệu bao robusta và 1,05 triệu bao arabica. Thị trường cũng ước tiêu thụ nội địa tại Việt Nam chừng từ 2,5 triệu đến 3 triệu bao.
Tại Brazil, giá robusta ở thị trường nội địa cao gây thua lỗ cho các nhà xuất khẩu loại cà phê này, nên nhiều người đã quyết định tăng cường bán lại robusta ngược về lại thị trường trong nước.
Công ty xuất khẩu Tristao cho hay họ đã lấy 180.000 bao trong số hàng mua năm 2015 của họ để xuất khẩu là 900.000 bao bán ngược vào thị trường nội địa. Như vậy, năm nay Tristao chỉ bán xuất khẩu chừng 600.000 bao cà phê robusta.
Vừa qua, chính phủ Brazil đã không chấp nhận cho tái nhập robusta về lại Brazil nên mua loại cà phê này trong nước rất khó và giá cao. Có khi các nhà rang xay phải mua đến 550 BRL/bao, ngang bằng giá arabica chất lượng thấp để chế biến cà phê hoà tan.
Nhờ đưa hàng robusta mua trước đem ra bán lại, giá robusta trong nước của Brazil đã giảm, còn chừng 470 BRL/bao nhưng vẫn cao hơn giá xuất khẩu, chỉ 420-430 BRL/bao.
Nhìn chung, giá robusta cả 2 tháng 1 và 3/2017 đều mất mốc 2030 và hướng nhìn về 2010 và 2000. Chỉ còn mỗi hy vọng giá dầu thô nâng mặt bằng giá nông sản lên. Liệu cà phê có tranh thủ được để tránh xuống dưới 2000 USD? Nếu xuống dưới 2000 USD, tình hình trở nên tồi tệ vì có thể nói được rằng niên vụ 2016/17 là năm “mất mùa mất giá”.
Dự kiến sàn kỳ hạn London mở cửa chiều 01-12 cơ sở tháng 1-2017 giảm chừng 5-8 USD.
Nguyễn Quang Bình