Tin buồn

Tưới nước tiết kiệm cho cà phê

Quy trình kỹ thuật tưới cà phê theo phương pháp mới do các nhà khoa học Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu, xây dựng, được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới là một trong những giải pháp tích cực trong kỹ thuật thâm canh cà phê theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Xem thêm: Tưới nước: – Có thể bà con chưa biết!?

tuoi-ca-phe
Hãy tưới nước tiết kiệm cho cà phê

Hiện nay các mô hình tưới nước theo kỹ thuật mới này kết hợp với việc trồng thêm các đai rừng chắn gió, trồng cây che bóng và trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê đã và đang được áp dụng rộng rãi ở một số địa phương trọng điểm trồng cà phê vối của các tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước… đưa lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp ngành cà phê và bà con nông dân các dân tộc.

Cơ sở khoa học của phương pháp là dựa vào đặc điểm sinh học của cây cà phê: khối lượng rễ chủ yếu tập trung ở tầng đất mặt (từ 0 đến 30cm), độ bao phủ của hệ rễ biến động từ 0 đến 50cm nên có nhu cầu nước rất cao.

Bình thường trước đây bà con tưới nước 5 lần/mùa khô cho cà phê theo 2 hình thức: tưới phun mưa và tưới gốc với khối lượng rất cao, vượt từ 300 đến 400 lít nước cho 1 gốc/lần tưới, thậm chí tới 650 lít/lần tưới đối với cà phê kinh doanh so với yêu cầu của cây cà phê nên gây lãng phí rất lớn. Thay vì tưới nước theo phương pháp cũ, kỹ thuật tưới nước theo phương pháp mới cho thấy có thể tưới nước tiết kiệm hơn mà vẫn bảo đảm năng suất, thậm chí còn đạt năng suất cao hơn.

Theo qui trình tưới tiết kiệm mới này, các diện tích cà phê mới trồng, với các dòng vô tính chọn lọc, năm đầu bà con chỉ cần tưới với lượng nước 120 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày và 2 năm tiếp theo cũng chỉ cần tưới với lượng 240 lít nước/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày là đủ để cây phát triển bình thường trong mùa khô hạn. Đối với các diện tích cà phê đã bắt đầu cho thu hoạch và cho năng suất ổn định, sau thu hoạch triển khai tưới với lượng nước khoảng 500 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ tưới 25 đến 30 ngày vẫn giúp cây cà phê phát triển tốt, đạt năng suất vụ sau từ 3 đến 4 tấn nhân/ha trở lên.

Theo các nhà khoa học Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, mấu chốt quan trọng của kỹ thuật tưới nước hợp lý, tiết kiệm là bà con phải xác định cho đúng thời điểm tưới nước lần đầu của vụ tưới (tưới đầu vụ) để bố trí lịch tưới cho thích hợp. Tưới quá sớm vừa gây lãng phí, vừa làm đảo lộn quá trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả kém. Tưới quá muộn (bắt đầu giới hạn chịu ẩm cho phép 25 đến 26%) làm cho cây cà phê khó phục hồi trạng thái khô héo để phát triển bình thường, thậm chí không hồi phục được.

>> Cách giảm tưới nước cà phê mùa khô

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. buicaotri

    Em rất muốn lắp hệ thống tưới tiết kiệm nhưng kh biết giá thành bao nhiêu(khoảng 7 sào cà phê)& có thể áp dụng cho vườn đồi kh và liên hệ ở đâu?em ở bảo lộc-lâm đồng.

    Bác nào biết thì chỉ giúp giùm em với…cám ơn rất nhiều

  2. N K

    Mong các bác đừng lãng phí nước vì đang mùa khô hạn, nên tưới theo quy trình tưới nước tiết kiệm là rất phù hợp. Chúc bà con thành công.

  3. letoanthang

    -Điều quan trọng là bà con phải xác định cho đúng thời điểm tưới nước đầu vụ để bố trí lịch tưới cho thích hợp.
    Tưới quá sớm gây lãng phí, làm đảo lộn quá trình ra hoa, đậu quả.
    Tưới quá muộn cây cà phê khó phục hồi trạng thái khô héo để phát triển bình thường, thậm chí không hồi phục được.
    -Cà trồng mới bà con chỉ cần tưới với lượng 240 lít nước/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày là đủ để cây phát triển bình thường trong mùa khô hạn.
    -Cà kinh doanh tưới với lượng nước khoảng 500 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ tưới 25 đến 30 ngày vẫn giúp cây cà phê phát triển tốt, đạt năng suất

  4. Minh Đức

    Làm gì mà tưới 5 đợt, mỗi năm chỉ tưới 2 đợt chứ mấy, năm nào hạn lắm tưới có 3 còn có năm chỉ có 1 đợt như nhà tôi ở Di Linh năm ngoái chứ mấy! Hơn nữa làm gì tưới 650 lit, chắc nhà này dư nước ah! chỉ khoảng 200-300 lít là đủ rồi, mà tùy theo đợt tưới, lần đầu hết nhiều hơn do cà phê háo nước!
    Không biết hệ thống tưới giá thế nào chứ để ngoài miết thế không biết được mấy năm, mà có khi mấy tháng là nó bốc hơi sang vườn khác luôn!

    1. cuba

      Mùa khô ở Daklak từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trừ 1 tháng ép cho cây phân hóa mầm hoa , còn 4 tháng, 25 ngày/ đợt = 4×30 / 25 = 4,8, như vậy ít nhất là 4 đợt !

  5. cà chua kiu

    Tui ở Krông Păk DakLak nè. Năm nào cũng phải tưới 3 đợt có năm 4 đợt, năm nào hạn nặng thì phải 5 đợt. Trả tiền tưới xong bà con thường nói vui là ”của thiên trả địa” hì hì.

  6. LÊ HỮU

    Quy trình tưới tiết kiệm nước thế nào tui chưa rõ. Mong bà con nào biết thì nói rõ hơn.
    Thời tiết ở Đak Nông thì hơi khắc nghiệt, ở Lâm Đồng có những vùng, những năm tùy vào tình thời tiết nên chỉ tưới 1 lần duy nhất mà năng suất vẫn ổn bà con ạ.

  7. Lê Anh Đồng

    Làm cà fê ở mình ( Bảo Lâm ) vẫn còn đỡ hơn các bạn, ít phải tưới. Năm tưới 1 lần thôi, năm vừa rồi không phải tưới. Còn nước thì thoải mái, suối, hồ nhiều nước vì gần rừng mà. Sợ nay mai hết rừng rồi cũng như các bạn thôi. Làm càfê như các bạn giá thành cao hơn do chi phí tưới. Gỉảm lợi nhuận. Khổ thật .

  8. Thanh Sơn

    Qui trình tưới nước tiết kiệm là : tưới ít nước nhiều lần hơn tưới ít lần nhiều nước ; tưới vào lúc cây cần chứ không tưới vào lúc mình muốn. Đơn giản vậy thôi. Nhưng bà con có thực hiện được không mới là quan trọng.

    1. Hoàng Mai

      Mong bà con tưới tiết kiệm để giảm giá thành chứ không thì nguy to. Nguy vì đội giá mà còn vì thiếu nước cho mấy đợt sau nữa.

    2. LÊ HỮU

      Quy trình như bạn nói thì đơn giản quá nên dân trồng cà ai mà chẳng biết. Chỉ sợ tiết kiệm quá cà lại không đủ nước để sinh trưởng và phát triển thôi. Mình nghĩ sau khi cà bung hết hoa tưới được càng nhiều càng tốt, khoảng 20 ngày tưới 1 lần là được.

      1. Thanh Sơn

        Thì mình đã nói đơn giản mà, tại bạn không đọc và cũng không nghĩ đến tưới tiết kiệm nên mới tưới càng nhiều càng tốt. Cái khó mình nói là chính chỗ đó bạn à. Biết mà không thực hiện thì bằng như không biết.
        Tưới tiết kiệm chứ không tiết kiệm quá!

      2. Lâm hà

        tưới lúc cây cafe cần, không tưới như mình nghĩ mới đúng là tưới tiết kiệm.

    3. cuba

      Bác phải nghĩ rộng hơn , kết quả cuối cùng của tiết kiệm là tạo ra giá trị thặng dư cao nhất, bác đem giá trị sản phẩm trừ đi chi phí , ai tạo ra nhiều thì người đó ” tiết kiệm” giỏi ! Không phải tưới ít nước là tiết kiệm, nếu tiết kiệm kiểu này quá tay thì là lãng phí chứ không phải tiết kiệm đâu! ( do sản lượng qua thấp), hì …

  9. LÊ HỮU

    Mình chuẩn bị mua phân bón để bón cho cà trong mùa mưa nhưng chưa biết nên bỏ phân gì, mong bà con chỉ rõ cho mình với. Cà mình năm nay năm thứ 3,4. Tui tính cuốc rãnh để bón thêm phân chuồng nhưng cà còn thấp, nhiều cành sát đất nên khó đào rãnh vì thế mình định rắc trên mặt có được ko bà con?

    1. Thanh Sơn

      Thấy bạn hỏi mình tính trả lời nhưng nghĩ là bạn cũng làm nông, đã làm nông thì bỏ phân ai mà không biết nên thôi. Thông cảm nha.

  10. Đức Trọng

    Mình ở Đức Trọng, Lâm Đồng.
    Mình mới tưới xong đợt 1 cách đây 10 ngày. Mình tưới 1ha, tốn chỉ có 150K tiền điện cộng với 600K tiền công cầm vòi, nước thoải mái. Ở Lâm đồng khí hậu mát, mỗi năm tưới khoảng 2 đợt là OK. Có năm trời mưa trái vụ lại được nghỉ tưới. Tuy nhiên, đó là may mắn vì mương thủy lợi đi giữa vườn lại sẵn điện. Nghe bà con đầu tư tưới ở Đắc lắc và Gia Lai nghe khủng khiếp quá. Tội nghiệp các bạn thật, mong trời mưa cho bà con đỡ khổ.

  11. ti chuot

    Mùa tưới ở Dak Lak khổ lắm bà con ơi. Nhà mình khoảng mấy héc nên mỗi mùa tưới khoảng mấy đợt tiền công, phân, dầu… mất khoảng vài chục chai lận. Bố mình chăm sóc cà phê kĩ lắm, qui trình cũng có kỹ thuật. Nhưng người tính không bằng trời tính… năm nay mất mùa quá. Đúng là làm nông dù biết tính toán cũng không hẳn giàu được, vì vậy chẳng bao giờ thoát khỏi cái khổ…

  12. Áp thấp nhiệt đới

    Đọc báo thấy tin ÁP THẤP NHIẾT ĐỚI đang đi vào biển Đông rồi các bạn ơi!!
    Nếu mưa đủ lượng thì đúng là CƠN MƯA VÀNG, còn không đủ nước thì đúng là tai họa,

  13. Kinh Vu

    Vừa rồi có dịp đi công tác từ BMT về HCM, đi ngang qua hồ Nhân Cơ tôi nhìn thấy hồ khô trơ cả đáy, tôi không hiểu là do người ta xả đập hay là vì không có nước, có bà con nào ở trong khu vực này biết thông tin chính xác vì sao hồ khô như thế xin vui lòng cho biết với nhé.
    Nếu trong thời gian này mà hổ khô tự nhiên chứ không phải do xả đập thì quả là rất đáng lo về nguồn nước, vì đây chỉ mới là giai đoạn đầu mùa tưới thôi.

  14. chuotdong

    Có lẽ chuot hơi bảo thủ nên ” nhất nước- nhì phân- tam cần- tứ giống” luôn ngự trị. Đối với cây cà phê điều này chính xác đến từng cm ko sai. cuba nói có lý lắm. Tui rút kinh nghiệm cái ƯU thực tế từ 2 đứa em áp dụng cho vườn cà của nhà: ko bao giờ để vườn cà thiếu nước cho dù phải tưới chuyền 3 đến 4 máy cũng ko sao. Hồ IA GLai nước rút hết mức độ từ cống xả xuống đáy hồ vẫn còn 6 mét nước nên khu vực tui vẫn còn “hên” chán.

    1. chuotRung

      Mình ở ĐăkĐoa GiaLai. Cứ nhìn cây mà tưới, những năm trước mình canh hoa cây cà phê kết mỏ sẻ đều mới bắt đầu tưới đợt 1, sau 7 ngày hoa nở bung rất nhiều và đẹp. Năm nay hạn, nếu 3 máy cùng lúc đặt tưới trên vườn của mình thì ở dưới mình không có nước tưới. Vì vậy mình tranh thủ nước tưới từ 30 tết tới mùng 5(2ha) hoa chưa kết mỏ sẻ đều nên nở chậm, nở ít, ko đẹp, nhưng biết làm sao hơn! vì canh nước chứ không thể canh hoa.

  15. Len-đao

    Mình có làm 1 dụng cụ đơn giản, mình tạm gọi là “kim tưới”. Mình không vẽ được nhưng mình mô tả để các bạn làm, mục đích đỡ phải trực tiếp cầm vòi liên tục, nhàm chán. Mình có thể đi quanh quất trong vòng và phút để kiểm tra gốc nào bị sót v.v…
    Tựa như 1 cái chạn ná thun, phần này kẹp đầu ống. Đầu dưới nhọn, hàn 1 cái ngạnh để dùng chân đạp cắm vào đất. Một chạn kéo dài rồi bẻ quặp ngang dùng để rút kim lên.
    Khi sử dụng, đạp cắm kim vào đất, kẹp đầu ống vào. Dùng chân đá ống để chỉnh nước rơi vào đúng gốc cây và rơi cố định, không xoi, sạt đất. Kim này kiếm đoạn THÉP đường kính 10 li.
    Ai thích thì làm theo cho đỡ phải cầm vòi, ai không thích thì đừng cười!

  16. Nguyễn Thị Luyến

    cho mình hỏi : vào mùa mưa trên thị trường có rất nhiều loại phân vậy nên mua phân gì bón cho hiệu quả nhất? va bón bao nhiêu đợt là tốt nhất?

  17. cuba

    – Phân tốt nhất là phân mà cà phê bạn thiếu , nhu cầu phân của cây có rất nhiều bài y5cafe đã đăng, bạn chịu khó đọc lại kỹ.
    – Theo các nhà khoa học và kinh nghiệm nhiều người : bón làm nhiều đợt là tốt hơn bón ít đợt ( cho dù cùng 1 lượng phân như nhau )
    – Bón phân rẻ tiền nhất và đảm bảo chất lượng, số lượng là mua phân đơn tự trộn để bón. Nhưng phải chịu khó đọc tài liêu trộn tỉ lệ phù hợp cho từng giai đoạn của cây và chú ý bón thêm các vi lượng cho cây, tất cả các thứ này đều có bán trên thị trường.
    Vài điều chia sẻ cùng bạn. Chúc bạn được mùa, bán giá cao !

  18. nguyendanguynh

    Mỗi lần lên mạng xem giá cà phê xót thương cho bà con nông dân đã bán hết hoặc còn ít nên thiệt thòi vẫn là người trông cà phê vậy chính sách hỗ trợ nông dân của nhà nước và các nhà doanh nghiệp các nhà khoa học mới thực sự giúp cho bà con có thu nhập, nói và thực hiện còn một khoảng cách vậy Y5 cafe tác động thêm nhé.

  19. cà chua kiu

    Ở Đắc lắc hiện bây giờ nhiều hồ đã cạn tận đáy rồi. Không phải cạn tự nhiên và cũng không phải ai xả cả, Đắc lắc mùa khô nước quý như vàng mà. Cái hồ mà bác Kinh Vu nhìn thấy và nhiều hồ khác cũng nhìn thấy đáy như vậy là do những cái hồ đó không có mạch ngầm, chỉ dự trữ nước mưa thôi. Nên mới chỉ tưới có một đợt là cạn ngay, có nơi trẻ em còn xuống chơi đá bóng được mà.

  20. Vũ Bá

    Các bác à, nếu mỗi lần tưới ta tưới nhiều nước hơn so với hướng dẫn ở trên liệu có việc gì không? Ở chỗ em nước thủy lợi mà, dùng Mô tơ bơm tẹt ga!

  21. chuotdong

    Bà con ơi, Gia Lai lúc này đang mưa ầm ầm. Chuot tưới đợt 3 đêm nay là xong mà mưa tối trời tối đất. Mưa kệ mưa!!! Tưới vẫn tưới để kéo dài thời gian đợt sau (nếu đại hạn khoảng 50 ngày tiếp cũng ko hề gì).
    Vũ Bá à, chỗ bạn thuận lợi quá nhỉ. Tưới nhiều cũng tốt thôi nhưng bạn chuyển tưới gí sang đập bét khỏe người và vườn cây rất bền lại năng suất vượt trội hơn tưới gí bạn ạ.

  22. Phan Pham Phu Phuong Nam

    Cám ơn các bác đã chia sẻ những kinh nghiệm rất bổ ích chúc các bác luôn luôn mạnh khoẻ và ngày càng có nhiều sáng kiến hơn nữa để giúp bà con trồng cà phê được tốt hơn.

  23. Nguyễn Văn Quang

    Mình ở DakLak nên biết có chỗ bà con phải khoan giếng sâu đến 90m và dùng bơn Hỏa tiễn dài đến 2,5m để tưới. Vất vả lắm. Mùa khô tưới từ 3 đến 6 đợt tùy theo năm. Hiện nay khu vực Thành phố BMT chưa có mưa.

  24. vy trí

    Tiêu, cà phê tưới tiết kiệm nước mà đạt năng xuất là chuyện tào lao. Vườn nhà tớ có làm bồn tưới tiết kiệm lắm chứ, mà năng xuất xuống thấy rõ. Còn năm nào đủ nước tưới phủ phê thì lại trúng mùa, cây lại xum xuê xanh mướt.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87