(01-11-2016) Hai sàn kỳ hạn cà phê: lùi một bước để lên hai bước?

Giá kỳ hạn cà phê arabica New York lùi về âm, đóng cửa ngày hôm qua 31-10 giảm 1.35 cts/lb chốt 164.15 cts/lb.

Trong khi đó, giá kỳ hạn cà phê robusta London đang quyết chí vắt giá. Giá giao dịch tháng 1-2017 chốt tại 2184 USD/tấn âm 3 USD nhưng giá tháng 11-2016 cao hơn 45 USD so với tháng 1-2017 dương 38 USD chốt mức 2229 USD. Lượng hợp đồng mở ngày thứ sáu tuy giảm 738 lô trên tháng 11-2016 nhưng vẫn còn khá nhiều, đến 4158 lô đến London trước mở cửa hôm qua, nên đủ để cho các tay đầu cơ thực hiện vắt giá.

Vắt giá tháng 11-2016 hôm nay nói lên một điều rất rõ rằng đấy chỉ là những giao dịch trao tay với nhau của các nhà đầu cơ trên sàn, giải quyết với nhau những vấn đề tài chính và mua bán hàng giấy là chủ yếu, các nước xuất khẩu và nông dân tại các nước sản xuất không hưởng được gì ngoài “cái hơi” phải tin rằng “cứ vắt giá là giá tăng”. Tuy nhiên, không nhất thiết vắt giá là giá tăng mọi nhẽ mà giá tháng vắt tăng trong khi các nước sản xuất không còn đụng đến nó nữa, nhưng tháng giao dịch mua bán chính lại giảm. Thậm chí, thị trường hàng thực còn không cho rờ đến tháng 1-2017 mà đã chuyển sang mua bán tháng 3-2017!

Hết tháng 10-2016, các số đo của các cơ quan khí tượng thủy văn cho biết rằng lượng mưa tại các vùng cà phê Brazil trong mức trung bình, có nghĩa là với lượng mưa ấy cây cà phê Brazil ra hoa tốt. Nhiều nhà kinh doanh tin sản lượng cà phê Brazil niên vụ sau 2017/18, tuy nằm trong chu kỳ “năm mất”, cũng không đến nỗi gì. Đến nay, dù chưa ai dám nói Brazil năm sau được mùa, vẫn phải dè chứng khi cho rằng vụ tới mất mùa lớn. Vấn đề còn lại của thị trường hiện nay là dò theo ý đồ của các quỹ đầu cơ tài chính, đang cấu kết chặt chẽ với vài tay chơi hàng thực trên thị trường, để khống chế giá có lợi cho mình.

Tuy nhiên, lượng dư mua của New York, kể cả của London nay phình rất to. New York cũng dễ trên 51.000 lô và London chừng 36.000 lô dư mua. Với lượng dư mua hàng giấy lớn như thế này, nếu chính bạn là người giữ lượng mua khống hàng giấy như thế, bạn sẽ thích thị trường, nhà xuất khẩu, nông dân, chính phủ các nước sản xuất nói gì? Nếu như không phải là hạn hán, mất mùa, nấm lá, ve sầu…Nhưng lợi không về tay nhà sản xuất, mà lợi giá tăng chính về tay họ. Vì họ đã mua hàng giấy lượng lớn, nay giá tăng bán ra, không lợi là cái gì? Thậm chí họ sẽ tung tiền mua nhiều cơ quan truyền thông loa cho họ để giá tăng thêm nhằm bán ra khi có thể. Tâm lý của đầu cơ trên sàn nay rất sợ các nước sản xuất bán ra vì sức ép bán ra dù hàng thực hay hàng giấy đều “giết chết” họ.

Tuy giá hai sàn kỳ hạn giảm, vẫn còn tích cực và chưa có gì phạm đến kỹ thuật trên hai sàn. Cái đáng lo nhất hiện nay (hoàn toàn nằm ngoài tiên đoán của giới kỹ thuật hay dù tiên đoán đúng cũng chỉ 50/50) là khi nào hai quả bom lượng dư mua trên hai sàn này nổ.

Dự kiến sàn kỳ hạn London mở cửa chiều 1-11 cơ sở tháng 1-2017 từ không đổi đến giảm nhẹ.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Lê Tân Văn

      Bạn nói gì khó hiểu vậy ta! Có phải ý bạn nói giá London tháng 11-2016 tăng 41 USD mà giá nội địa giảm 100 đồng? Xưa rồi bạn, nay thị trường giao dịch trên tháng 3-2017 rồi đó.

  1. Đoàn

    Gửi anh Bình, có điều này em chưa rõ lắm, anh giải thích dùm

    Về lý thuyết: Lượng hợp đồng mở tháng 11 vẫn còn hơn 4000 lô – đây là trạng thái 1 chiều giao dịch – nghĩa là hết thời hạn đóng trạng thái mua kỳ hạn tháng 11 vào ngày 31/10/2016, thì vẫn còn hơn 4000 lô mua chưa đóng – số này có thể sẽ chuyển sang giao hàng thực, nếu bên nắm giữ trạng thái mua mong muốn như vậy? Nếu vậy, giá xác định giao hàng thực là bao nhiêu? Hay sàn chỉ đơn thuần là “giấy”?

  2. Nguyễn Quang Bình

    Chào bạn Đoàn,
    Đúng như vậy. Tuyệt đại bộ phận hợp đồng mở trên sàn cơ sở tháng 11-2016 là đang ở vị thế mua. Ai đang kẹt ở vị thế bán hàng thực thì cần phải mua (giá vắt cao) để giao hàng. Ở đây ta thấy vị thế rất rõ: người giữ vị thế mua (trên sàn) chuyền sang vị thế bán; người bán sẽ phải chuyển thành vị thế mua. Rất khó biết chính xác bao nhiêu là hàng thực nhưng một điều chắc chắn là có người “nợ” giao hàng thực mới bị bắt bài theo kiểu này. Đây là một kiểu chơi nhau bằng công cụ kinh doanh tài chính. Cuối cùng trao tay cũng chỉ là vị thế từ bán (người ngoài) sang mua, và từ mua (trên sàn) sang bán.
    Nhưng nếu là hàng thực, không ai dại gì giao nhận trên sàn vì giá chuẩn của sàn cho loại 2 Liffe là trừ 30 USD giao hàng tại kho. Nếu bạn thấy giá hiện nay (khi đang nói chuyện này) giá giao dịch tháng 11-2016 là 2219 và tháng 1-2017 là 2171, cao hơn 38 USD, thì ai dại gì bán trừ mà phải bán cộng ngoài sàn lợi hơn, thậm chí cần hàng phải trả giá cộng cao hơn.

    1. Đoàn

      Cảm ơn anh Bình. Ý em muốn biết là, đến ngày hôm nay 02/11, hợp đồng mở tháng 11 còn 3396 lô – nghĩa là còn 3396 lô MUA chưa đóng (và cũng còn 3396 lô BÁN chưa đóng). Theo quy định của sàn liffe thì trạng thái MUA phải đóng trước ngày thông báo đầu tiên là 31/10/2016. Như vậy , sàn có quy định nào khác cho phép giữ trạng thái MUA quá ngày thông báo đầu tiên (31/10) cho đến ngày giao dịch cuối cùng của tháng giao hàng? Em muốn tìm hiểu về quy định sàn. Việc ép giá, em đã hiểu anh giải thích. Cảm ơn anh.
      Việc ép giá, em hiểu rằng, những hợp đồng hàng thực mà quyền chốt giá thuộc người mua (mà người mua chưa chốt) thì họ sẽ bị ép giá trong trường hợp này, đúng không ạ?

      1. Nguyễn Quang Bình

        Sàn chỉ bắt nhà đầu cơ nhỏ lẻ ra khỏi vị thế mua thôi. Còn người trên sàn có quyền giao nhận hàng thực/giấy đến ngày thông báo giao hàng cuối cùng.

  3. công

    sang năm bán cà năm nay, cứ cách 1 thu là 1 năm bán cà sẽ đạt chất lượng tốt, cà phê thực vài năm tới trên thế giới là rất ít

  4. Đoàn

    Cảm ơn anh !
    Vậy là những người giao dịch trực tiếp trên sàn, có thể giữ trạng thái mua đến ngày giao dịch cuối cùng, có thể nhận hàng thực/ hoặc tất toán hàng giây, tùy ý.
    Còn người giao dịch gián tiếp thì phải đóng trạng thái mua trước ngày thông báo đầu tiên.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84