Đắk Lắk: Đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê

mua-ca-pheĐắk Lắk hiện có trên trên 184.500 ha cà phê, chủ yếu là cà phê vối, mỗi năm đạt sản lượng từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên – là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhiều nhất nước. Trong mấy năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê từ khâu lai tạo tuyển chọn giống đến kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người sản xuất, kinh doanh cà phê.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Cà phê vối là loại cây lâu năm , thụ phấn chéo bắt buộc, nên công tác chọn giống cà phê ở Đắk Lắk tập trung vào hướng bình tuyển, chọn lọc các cây ưu tú trong sản xuất và nhân các cây này bằng phương pháp nhân vô tính để phổ biến ra sản xuất đại trà. Ngoài các dòng cà phê vô tính 4/55, 1/20 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, trong vài năm trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk cũng đã đưa vào trồng đại trà 9 dòng vô tính khác như TR4, TR5….TR 9, TR11,TR 12, TR 13 do Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo, tuyển chọn, trong đó có 5 dòng vô tính TR 4, TR 5, TR 6, TR7, TR8 đã được khu vực hoá.

Các dòng cà phê vô tính này không những cho năng suất cao (đạt 4,5 đến 7,3 tấn cà phê nhân/ha) mà còn có kích cỡ hạt đạt tiêu chuẫn xuất khẩu. Trọng lượng 100 hạt đạt từ 17,5 đến 20,6 gram so với trọng lượng 100 nhân cà phê trong sản xuất trước đây chỉ đạt 13 – 14 gram, tỷ lệ hạt cà phê nhân trên sàng 16 đạt trên 70%, đây là chỉ tiêu chính để phân loại cà phê loại 1. Đặc biệt, một trong những ưu điểm nổi bậc của các dòng cà phê vô tính chọn lọc là khả năng kháng bệnh rỉ sắt rất cao, với chỉ số bệnh biến động từ 0 đến 0,1%. Hiện nay, các dòng vô tính chọn lọc được cung cấp đại trà cho các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng dưới dạng cây ghép.

Để giảm giá thành cây giống, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã nghiên cứu, sản xuất hạt lai từ cấc dòng vô tính chọn lọc. Qua thực tế sản xuất, các giống hạt lai đa dòng này cũng thích nghi cao, đạt năng suất cà phê tương đương với các dòng cà phê vô tính chọn lọc dưới dạng cây ghép.

Đối với cà phê chè , Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành lai tạo nhiều cặp lai giữa giống cà phê Catimor và các giống cà phê chè hoang dại có nguồn gốc từ Ethiopia. Kết quả, Viện đã chọn lọc được 10 giống lai gồm: TN1, TN2….TN10, trong đó hai giống lai TN1, TN2 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực hoá.

Các giống cà phê chè lai tạo này không những có năng suất cao, kích cỡ hạt, chất lượng nước đạt yêu cầu xuất khẩu mà còn kháng được bệnh rỉ sắt. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn đồng bào các dân tộc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ chọn giống đến kỹ thuật trồng âm, trồng cây đai rừng chắn gió, che bóng, tủ gốc giữ ẩm, tưới nước, tạo hình, làm bồn ép tàn dư thực vật , bón phân, phòng trừ sâu bệnh để đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các nông hộ sản xuất cà phê ở Đắk Lắk ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật trong chế độ bón phân theo độ phì của đất và năng suất cây trồng giúp người trồng cà phê tiết kiệm chi phí phân bón từ 700.000- 1.000.000 đồng/ha, áp dụng chế độ tưới nước hợp lý, tiết kiệm từ 400 đến 600 mét khối nước/ha/vụ góp phần nâng cao, ổn định năng suất các vườn cà phê, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.

Các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk cũng đã nghiệp cứu, xây dựng đại trà các mô hình đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây ăn quả chất lượng cao, cây hồ tiêu…tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Các doanh nghiệp và bà con nông dân trồng cà phê cũng từng bước nâng tỷ lệ chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt, hạn chế dần tình trạng chế biến cà phê nhân theo công nghệ xát khô….

Đắk Lắk tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, các trường đại học nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thâm canh cây cà phê nhằm tạo ra một nền nông nghiệp sạch , nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống cho người sản xuất cà phê.

Theo VietNam Plus

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng