Bảnh bao: cần lắm chứ!

Cho đến cái thời đại “con người kết nối” toàn cầu này rồi mà hình như nhiều người xứ ta vẫn chưa tẩy được máu kỳ thị trong mình. Sau mấy chục năm xây dựng đất nước nhưng thử hỏi có mấy ai đã gọt khỏi não trạng mình tư tưởng phân chia “sĩ, nông, công, thương”?

Cứ anh nào ở tầng lớp “thương” mà giàu có lên chút xíu, dù cho đó là nhờ làm giàu chính đáng, thì rủi ro bị săm soi vẫn nhiều hơn “giai cấp” khác. Quy kết thế nhưng vẫn mong sao ý kiến này là sai!

Thử lái xe ra đường mà xem, cứ xe to xe sang, thường dễ bị vạ. Người đi xe đạp, xe máy dù sai luật, gặp va quẹt, thế nào người ngồi xe “xịn” vẫn bị bíu áo trước. “Giàu” đôi khi với quan niệm xã hội thế này, dễ trở thành cái tội lắm chứ phải đùa đâu! Nói không phải để bênh vực, nhiều người trong chúng ta đang lẫn lộn giữa “giàu có” và “làm giàu”. Người giàu có thì tiền bạc của cải của họ tự dưng mà có như nhờ thừa kế của gia đình tổ tông, trúng số cặp độc đắc hay do quan hệ, quyền lực… khác xa với người thích làm giàu. Tiền bạc đến với người làm giàu thường do công sức, sự kiên trì… và cộng thêm cả sự may mắn nhờ chí thú làm ăn. Như vậy thì giàu có của người xuất phát từ tầng lớp “thương” xứng đáng được thương và trân trọng lắm chứ.

Quan niệm về quan hệ xã hội của người mình đôi khi quá khắt khe. Bất kỳ ai khi “thấy người sang bắt quàng làm họ” là dễ bị chê rồi! Nhà kinh doanh mà không chăm chút vẻ bên ngoài ở một mức tương đối nào đó, cộng đồng doanh nghiệp và đối tác mấy ai tin giùm cho. Nhớ thời kỳ kinh tế nước mình mới mở cửa, nhiều bạn hàng người Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan… qua kiếm cơ hội làm ăn, ai nấy đều ăn mặc bảnh bao, nước hoa thơm phức… vậy mới nói chuyện làm ăn được với mình, chứ mặc áo quần xộc xệch thì đôi khi sếp lớn chỉ lệnh anh nhân viên cấp nhỏ tiếp, dù đó có thể là người muốn làm ăn nghiêm túc.

Người viết chứng kiến một trường hợp đã xảy ra trong thực tế. Cuối thế kỷ trước, khi Mỹ còn áp dụng lệnh cấm vận mua bán với Việt Nam, hàng nông sản muốn xuất khẩu thường phải qua trung gian thương nhân trong khu vực. Có một vị, sau này chính là giám đốc một công ty kinh doanh nông sản lớn của một nước châu Âu đóng tại Việt Nam, đã đến thăm và làm việc với nhiều công ty xuất khẩu trong nước để tìm cơ hội theo kiểu một công hai chuyện vừa đi du lịch vừa tìm hiểu thị trường cung ứng nông sản. Do chưa hiểu tập tục của thương nhân xứ mình bấy giờ, anh ta áo quần xuề xòa nên không ai muốn tiếp! Hay ngay cả bây giờ, thử ai sang nước bạn Lào kiếm cơ hội làm ăn, nếu ăn mặc chỉnh tề, cà vạt, giày Tây nghiêm túc, thì khả năng thành công cao hơn, bằng không, tay trắng ra về!

Không nhất thiết phải khoe mẽ, nhà kinh doanh vẫn rất cần vẻ bên ngoài thì đối tác mới thấy mình nghiêm túc. Làm giàu vẫn là chuyện nghiêm túc mà lị!

Có một lần đến thăm ông bạn làm giám đốc một công ty xuất khẩu lớn tại Hà Nội, lúc đó nhân viên đến trình ông xem tập hồ sơ xin cấp tín dụng, trong xấp chứng từ ấy, có nhiều tờ rách sờn, nhăn nhúm cũ kỹ, không được chăm chút. Tôi buột miệng nói ngay với ông bạn “thầy trò ông cho mình là tập đoàn giàu có, nghiêm túc, nhưng đi xin cấp tín dụng mà áo quần tơi tả như bộ chứng từ rách bươm thế này, thuyết phục đến bao giờ…”.

Dĩ nhiên nhà kinh doanh cũng chẳng cần chăm chút quá kỹ, “dao kéo” như những người nổi tiếng trong giới “showbiz”. Cứ thấy những người dẫn chương trình lúc nào cũng trẻ, lúc nào cũng tươm tất, thậm chí năm ba năm sau tự nhiên thấy họ trẻ hơn trước… mới thấy chuyện thay hình đổi dạng thời nay không nên xem nhẹ chút nào. Nhưng showbiz là cả một thế giới riêng. Có một ông khách là nhà nhập khẩu lần đầu sang đây tiếp xúc với một nữ thương nhân xứ ta, bà kia “dao kéo” quá lộ khiến ông ngờ ngợ và không mấy tin tưởng ngay buổi sơ giao.

Trong giới kinh doanh, ai khoe mẽ, “bốc” là đối tác hay bạn hàng biết ngay. Nhớ có lần được mời đi dự lễ hạ thủy hai con tàu tại một nước bạn vào năm 2000 của một hãng vận tải đường biển lớn. Bà xã của vị trưởng đại lý tàu biển được chọn làm “mẹ đỡ đầu” cho mấy chiếc tàu ấy. Chỉ vì chút danh được mời đập hai chai “sâm banh” trong lễ “rửa tội” hai con tàu có quay phim chụp hình rộn rã mà bà nhất quyết tậu chiếc xe sang quá cỡ thợ mộc. Thời điểm đó bà phải nghe tiếng ra tiếng vào của bạn bè trong giới vận tải tại chỗ không ít. Dị nghị quá cũng dễ gây khó khăn cho người khác. Tuy nhiên, khi nghĩ lại biết đâu được rằng sau ngày hạ thủy, nhờ chiếc xe cáu cạnh của bà mà chồng bà có thêm nhiều hợp đồng vận chuyển hơn, quan hệ đối tác rộng hơn?

Để xã hội bây giờ có một cái nhìn khoáng đạt với doanh nhân là chưa dễ chút nào. Nhất là do lịch sử để lại, cách quản lý tại nhiều công ty hiện nay vẫn còn giữ theo thói gia trưởng, theo cách xử sự của các ông bà chủ.

Nhiều người chỉ nghe đến từ “ông chủ” đã là không ưa rồi! Nhưng xin hiểu cho, nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay có thể giàu có là nhờ biết mơ ước và biết cách làm giàu chứ không phải tiền bạc của họ là từ trên trời rớt xuống!

Theo Phạm Kỳ Anh, TBKTSG 12-5-2016

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. trịnh van ba

    Khi. . . tôi mới bằng hạt kê – bố tôi đã dạy- tôi : ” – quần áo thì có bộ dỡ rào ; có bộ chào khách “; Tươm tất , chuẩn mực- đó là sự tôn trọng khách tôn trọng chính mình và gia đình
    Xưa có chuẩn mực ; không bát nháo như bây giở – vừa buồn vừa nuối tiếc – đừng nghĩ tôi là ông già hoài cổ

  2. doãn đuồng

    Đọc bài của bạn tôi liên tưởng đến Sở Khanh trong truyện Kiều :
    “Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
    và lời nói:
    Than ôi ! sắc nước hương trời,
    Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây ?
    Giá đành trong nguyệt trên mây,
    Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa ?
    Tức gan riêng giận trời già,
    Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?
    Thuyền quyên ví biết anh hùng,
    Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi ! ”
    hình ảnh của Sở Khanh có bảnh bao không? lời nói có ngọt ngào không? nhưng cuối cùng lại là kẻ lừa đảo. Tôi lại liên tưởng đến câu ngạn ngữ:
    ” mật ngọt thì ruồi chết tươi
    những nơi cay đắng là nơi thật thà”
    ở đây người xưa đã cảnh giác vởi những bảnh bao và sự hoa mỹ trong lời nói.
    và:
    “Bần cư trung thị vô nhân vấn
    phú tại sơn lâm hữu khách tầm”
    ở đây họ muốn đưa đến cho hậu thế thông điệp: người tốt, lương thiện, công ty tốt, mặt hàng tốt, giá rẻ… thì không cần phải phô trương, dù ở đâu người ta cũng tìm đến. Còn người xấu, bất lương , công ty xấu, mặt hàng xấu, giá mắc… thì dù phô trương, màu mè bao nhiêu thì người ta cũng tránh.
    Tóm lại sự bảnh bao là không cần thiết bởi bảnh bao luôn tiềm ẩn những yếu tố không trung thực, nhưng rất cần sự lịch thiệp. “Đói cho sạch, ránh cho thơm” lối sống rất cần thiết. Vậy có nên tạo cho mính sự bảnh bao không?
    thân chào!!!

    1. Nguyễn Vịnh

      Sáng nay đọc 2 câu thơ xưa nói về thói đời nghe mà cám cảnh dễ sợ !

      Câu này có nhiều dị bản lắm. Xin giới thiệu Doãn Đuồng thêm 1 dị bản nữa :
      Bần cư trung thị vô nhân vấn,
      Phú tại thâm sơn hữu khách tòng !

Tin đã đăng