(19-05-2016) Giá cà phê chỉnh giảm: chưa nên chủ quan vì rủi ro còn nhiều

Giá trên nhiều sàn hàng hóa ở giao dịch cuối cùng ngày hôm qua 18-5 đều đua nhau giảm giá: kim loại vàng mất 1,40%, kim loại bạc -1,86%, dầu thô -0,43%, cà phê, đường ăn, bông vải, bắp…giá đều rớt tơi tả.

Dù Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm qua phát hành báo cáo hàng năm về tình hình sản xuất và kinh doanh cà phê Indonesia, nước sản xuất robusta lớn thứ ba trên thế giới trong vụ đang thu hái sẽ giảm do đợt hạn hán nặng nề vì ảnh hưởng El Nino, giá kỳ hạn robusta rớt vẫn không tha.

USDA cho rằng sản lượng cà phê Indonesia sẽ giảm 16,3% tức từ mức cũ 10,4 triệu bao xuống chỉ còn 8,7 triệu bao trong niên vụ 2016/17. Ước báo này còn cho thấy sản lượng Indonesia ít hơn ước lượng mới đây theo kết quả điều tra của Bloomberg.

Đóng cửa 2 sàn kỳ hạn cà phê đều giảm mạnh. Giá kỳ hạn cà phê arabica New York mất 2.60 cts/lb còn 130.10 cts/lb và giá kỳ hạn cà phê robusta chốt tại 1669 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn.

Có ba yếu tố chính làm giá kỳ hạn cà phê hôm qua rớt: một là các quỹ đầu cơ trên cả 2 sàn chỉnh vị thế do đang trong tình trạng “mua quá mức” nhiều ngày qua. Với sàn New York, chuỗi tăng bắt đầu từ ngày 3-5 và chấm dứt ngày 16-6 từ 119.25 lên 133.60 cts/lb; với sàn London nếu không tính ngày xuống 9-5, chuỗi tăng cũng bắt đầu ngày 3-5 và chấm dứt khuya hôm qua, từ 1579 lên 1699 USD/tấn. Trong suốt chuỗi ngày tăng, các quỹ đầu cơ mua quá nhiều và hôm qua được xem là ngày chỉnh sổ đầu tiên sau đợt tăng ấy.

Tin mùa mưa về tại các vùng cà phê Việt Nam sau một đợt hạn hán nghiêm trọng, dù còn đợi các thông số thủy văn, đã làm cho giới đầu cơ hàng giấy “chạy” trước. Mua lúc giá kỳ hạn thấp, nay bán khi giá cao để kiếm lời, bán mạnh tay cỡ nào, giá rớt theo lượng bán cỡ ấy.

Yếu tố thứ ba là quan trọng hơn cả, nó ảnh hưởng không chỉ đến cà phê mà một loạt giá hàng hóa trên sàn.

Biên bản cuộc họp tháng 4-2016 của lãnh đạo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được phát hành. Sau khi đọc xong, các nhà phân tích đoán rất có thể đến giữa tháng 6-2016 sẽ có một đợt tăng lãi suất đồng USD nhờ các yếu tố kinh tế tích cực của Mỹ hỗ trợ.

“Hầu hết các người dự hội nghị nhận định rằng nếu như các dữ liệu sắp tới cho thấy tăng trưởng kinh tế (Mỹ) ổn định trong quý 2, thị trường lao động tiếp tục tăng vững và tỷ lệ lạm phát tiến về mục tiêu do hội nghị đặt ra trước đây là 2%, thì hầu như đã đến lúc phù hợp để tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên đúng như chỉ tiêu đề ra trong tháng 6-2016 tới đây,” biên bản hội nghị lãnh đạo Fed họp ngày 26-27 tháng 4-2016 mới ra khuya hôm qua nói vậy. Ngoài ra, ngân hàng trung ương Brazil lại can thiệp bán phá giá đồng nội tệ Real BRL làm đồng tiền này mất giá, ảnh hưởng xấu lên giá kỳ hạn nhiều loại nông sản.

Cho nên, không thể chủ quan với giá kỳ hạn hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng. Như trong nhiều bài viết trước đây đã nói, giới đầu cơ tài chính đã “cấy” yếu tố hạn hán vào giá, và nay là bắt đầu giai đoạn “chỉnh cho đúng”.

Dự kiến mở cửa sàn kỳ hạn robusta London thứ Năm 19-5  cơ sở giao dịch tháng 7-2016  từ không đổi đến tăng nhẹ

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chu thị yến

    Sàn giao dịch phải có lên có xuống mới sinh lợi nhuận. Tương lai sản lượng giảm, giá tăng là đương nhiên, tùy hoàn cảnh ta đợi hay không mà thôi. Cafe 36-37k làm không mấy lợi nhuận, giá xuống thấp nay ngoi lên tý sợ xuống lại, áp lực tâm lý mà. Đồng tiền mà nhàn rỗ cứ đợi…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77