Trước những nguy cơ về dịch bệnh bùng phát trên cây tiêu, việc tìm ra mô hình trồng tiêu bền vững là việc làm cấp thiết. Chính vì vậy, huyện Lâm Hà chủ trương phát triển diện tích tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.
Trồng tiêu hữu cơ
Những năm gần đây nhờ giá tiêu cao và ổn định, tại huyện Lâm Hà, bên cạnh loại cây trồng chính chủ lực là cây cà phê thì bà con nông dân cũng đã đẩy mạnh việc trồng cây hồ tiêu. Khi trồng tiêu, vấn đề cần thiết đặt ra hiện nay đối với bà con nông dân bên cạnh giá cả thị trường, đầu ra còn quan tâm đến kỹ thuật trồng, canh tác để tránh sâu bệnh, đạt hiệu quả năng suất cao. Chính vì vậy, việc trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Gia đình ông Đỗ Viết Khoa ở xã Liên Hà đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha cà phê sang trồng cây hồ tiêu. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu nên ban đầu vườn tiêu của gia đình ông Khoa sinh trưởng và phát triển chậm, có nhiều cây bị sâu bệnh, bị chết.
Nhờ sự tư vấn cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ bền vững của các nhà khoa học, các chuyên gia trồng tiêu; gia đình ông Khoa đã học được những kiến thức cơ bản, cần thiết trong việc chăm sóc cây tiêu để đạt hiệu quả, cho năng suất cao; đồng thời biết cách phòng trừ những loại sâu bệnh thường gặp trên cây tiêu.
Ông Khoa cho biết: “Từ khi chuyển sang trồng tiêu hữu cơ đến nay, vườn tiêu nhà ông cũng như các vườn tiêu trong thôn chưa hề dính bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm. Sở dĩ tránh được bệnh này bởi gia đình đã tuân thủ 4 nguyên tắc của trồng tiêu hữu cơ, đó là trồng tiêu trên trụ sống; chọn giống sạch bệnh; trồng tiêu trên chân đất có chủ động nước tưới, thoát nước tốt, bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông giải thích, trồng tiêu trên trụ sống, đặc biệt trồng trên cây keo dậu cho tiêu leo bám không chỉ che mát, giúp dây tiêu quang hợp tốt mà còn cho phép kéo dài thời gian khai thác, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Hơn nữa, keo dậu là cây họ đậu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu và cành lá dùng làm phân xanh bón cho cây rất tốt.
Về cây giống, theo ông Khoa, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh. Nên chọn giống tiêu Vĩnh Linh vì có khả năng kháng bệnh tốt. Do được bón nhiều phân vi sinh và phân chuồng nên đất trong vườn tiêu nhà tôi tơi xốp, xung quanh gốc tiêu có nhiều giun đất đùn lên, nhờ vậy chi phí bón phân hóa học giảm đáng kể. Mỗi trụ tiêu tôi chỉ bón khoảng 1,2kg NPK/năm trong thời kỳ cây bắt đầu ra hoa và trái bắt đầu chắc hạt”, ông Khoa chia sẻ.
Trồng tiêu hữu cơ: Hiệu quả cao
Chúng tôi vào vườn tiêu nhà ông Đặng Huy Long – một trong những hộ trồng tiêu hiệu quả ở thôn Phúc Thạnh, xã Liên Hà. Với tổng diện tích 5 sào tiêu, đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm ông Long thu hoạch lãi khá cao.
Ông Long cho biết, gia đình bắt đầu trồng hồ tiêu hữu cơ vào năm 2012. Ban đầu ông trồng tiêu xen canh trong vườn cà phê, sau đó, ông mở rộng vườn tiêu, thay thế một phần diện tích cà phê già cỗi. Đến vụ tiêu năm ngoái, vườn tiêu nhà ông cho thu hoạch được 2 tấn tiêu khô, bán với giá từ 200 – 230 ngàn đồng/kg, lãi gần 300 triệu đồng.
Tương tự, vườn tiêu nhà anh Lê Văn Trung, người cùng thôn, với diện tích 7 sào đang thời kỳ kinh doanh, thu hoạch được 3 tấn tiêu khô, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay, hồ tiêu đang là một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân. Nếu như những năm 2.000 diện tích hồ tiêu tại địa phương còn khiêm tốn, chỉ vài ha, thì nay đã lên đến 250ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 25ha, diện tích kiến thiết cơ bản khoảng 225ha. Cây tiêu được trồng rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện, một số địa phương diện tích nhiều như các xã Liên Hà 59ha, Đan Phượng 32ha, Đông Thanh 28ha, Tân Văn 38ha, Tân Thanh 39ha…
Trong tổng số diện tích 250ha hồ tiêu, ước diện tích trồng xen vào cây trồng khác chiếm khoảng 15%, diện tích trồng thuần 85%. Do cây tiêu được trồng trên vùng đất mới, chú trọng thâm canh, đặc biệt trồng tiêu theo hướng hữu cơ nên cây tiêu ở địa phương những năm qua sinh trưởng và phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh, năng suất trung bình đạt từ 3-3,5 tấn khô/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi hàng trăm triệu đồng/ha.
“Mấy năm gần đây, giá tiêu luôn ở mức cao, nên đời sống người dân trồng tiêu ở địa phương ngày càng khấm khá. Thời điểm năm ngoái giá tiêu lên đến 230 ngàn đồng/kg, nhiều nông dân trồng tiêu lãi từ 500-600 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu hoạch tiêu đạt 6-7 tấn tiêu khô, lãi đến cả tỷ đồng” – ông Trường chia sẻ.
Xem thêm: Sẽ lập sàn giao dịch tương lai cho hồ tiêu tại TPHCM