Cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức

Ngày 6-11, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ 2008 – 2009 và bàn phương hướng niên vụ 2009 – 2010.

Theo nhận định của hiệp hội, nhu cầu tiêu dùng cà phê của thế giới tiếp tục tăng nhưng các nhà xuất khẩu còn nhiều băn khoăn do khâu dự báo giá cả thị trường của ngành cà phê còn yếu.

Niên vụ 2008 – 2009, Việt Nam xuất khẩu hơn một triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2009, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,15 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,75 tỷ USD (tăng 14,9% sản lượng nhưng giảm 19,2% trị giá). Chín tháng đầu năm 2009, cả nước xuất khẩu được 880.000 tấn, kim ngạch chỉ đạt 1,3 tỷ USD. Nguyên nhân giá cà phê xuất khẩu giảm do giá cà phê xuống thấp, lượng cà phê xuất khẩu của các quốc gia lại tăng thêm khoảng 3% so với năm trước.

Trong khi đó, ngành cà phê trong nước vẫn chưa có chiến lược chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên chưa thể điều tiết giá cả. Việc xuất khẩu vẫn chưa có sự điều hành thống nhất, doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt vào đầu vụ nên không giữ được giá khiến người trồng phải chịu thiệt. Hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp thành lập quỹ mua tạm trữ cho nông dân vào đầu vụ để chọn thời điểm bán thích hợp và điều tiết thị trường. Hiệp hội cũng nêu ý tưởng tổ chức Câu lạc bộ các nhà xuất khẩu hàng đầu Việt Nam để thống nhất được chủ trương tiêu thụ sản phẩm, điều hành thống nhất khâu xuất khẩu.

Ðể hạn chế rủi ro do giá cả lên xuống thất thường, ngành cà phê trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng, hợp tác tốt với các nhà chế biến rang xay của quốc tế để nâng giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nước cùng doanh nghiệp hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật cho người trồng trong khâu chăm bón, thu hoạch để sản xuất cà phê sạch cung ứng cho thị trường.

Theo báo Nhân Dân

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. trieu tu long

    chào các bác! ” Ðể hạn chế rủi ro do giá cả lên xuống thất thường, ngành cà-phê trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng, hợp tác tốt với các nhà chế biến rang xay của quốc tế để nâng giá trị cà-phê xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nước cùng doanh nghiệp hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật cho người trồng trong khâu chăm bón, thu hoạch để sản xuất cà-phê sạch cung ứng cho thị trường ”
    em thấy làm được như trên thì khó lắm, hầu như không thể làm được. nếu vẫn còn có các đại lý thu mua cà phê xanh, và bà con trồng cà vẫn thích bán cà phê xanh, non hơn vì giá của nó cũng ngang với giá cà phê chín. trong khi nếu hái xanh thì cây cà năm sau sẽ khỏe hơn ( không bị kiệt cây khi vào mùa khô ) hơn nữa pà con lo trôm cắp, và lo nhanh chóng có tiền thu cà để trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công……. nếu không đảm bảo được việc hỗ trợ lãi xuất cho pà con trồng cà, không có mức giá thu cà chín cao hơn cà xanh cà non thì khó lắm. tâm lý của bà con nông dân cũng chỉ tính được cái lợi trước mắt cho mình là như vậy. chứ họ đâu biết làm như vậy là ảnh hưởng tới giá cà. không cho dân biết thì làm sao làm????
    cứ bảo là hỗ trợ nào có thấy đâu? nông dân nhiều người phải giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu thu cà xanh… trong khi các đại lý thu mua cũng ép giá cho bà con ra bã. hầu như họ không có lời. hỗ trợ doanh nghiệp thu mua cà về lãi xuất? liệu doanh nghiệp có mua với giá cao hơn không? cứ nói là hỗ trợ nào có thấy đâu? muốn làm được thì phải chung sức! nhưng liệu rằng doanh nghiệp thu mua cà có thật sự hợp tác với nông dân không? nếu giúp được bà con về vốn, kỹ thuật, kiến thức kinh tế để có tầm nhìn sâu rộng hơn thì chắc là khó lắm! với 75% sản lượng cà phê chất lượng kém thì đầu ra của cà phê trong nước sẽ về đâu??? nhìn rộng ra thì lúa, ngô, khoai, trái cây… cũng chịu số phận tương tự. đây có lẽ là bài toán nan giải, một căn bệnh biết được nguyên nhân, đưa ra được phương pháp chữa nhưng lại chữa không đến nơi đến chốn —>cuối cùng thì ai bị căn bệnh này hành hạ???????

  2. Đặng Văn Tuấn

    mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến phản hồi của bạn Long , mình cũng là một người dân ở Đác Nông, mình thấy để nâng cao chất lượng cafe trước tiên chính phủ cần có những tác động cụ thể nhằm giúp người dân có thể vượt qua những khó khăn , vi ở quê mình khi dân cần vốn đầu tư thì nghân hàng hầu như không cho vay , họ chỉ quan tâm tới các doanh nghiêp thui vì thế vô hình chung đã đẩy người dân tới tình trạng như bạn Long vừa mới đề cập, Doanh nghiệp sau khi vay vốn đầu tư thì cho người dân với giá cắt cổ , còn người dân thì không vay được vốn nên đành chấp nhận vay đầu tư với mức giá cao để rồi đến mùa đành phải hài cafe sớm để trả nợ vì mức lãi suất quá cao. mình nghĩ để khắc phục tình trạng này chính phủ cân có nhửng đông thái rõ ràng nhằm giúp người dân vượt qua những khó khăn .

Tin đã đăng