Giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trong nước đang ở mức thấp nhất tính từ hơn hai năm trở lại đây khiến cho niên vụ cà phê 2015 – 2016 gắn chặt với hai từ “thê thảm”.
Nếu như giá sàn kỳ hạn robusta London ngày đầu niên vụ 1.10.2015 đóng cửa ở mức 1.580 USD/tấn và lập đỉnh vào đầu tháng 11.2015 mức 1.681 USD/tấn, thì đến nay chỉ còn 1.444 USD/tấn, giảm gần 250 USD/tấn. Nếu so với khoảng thời gian dài hơn như đầu năm ngoái chẳng hạn, có lúc giá kỳ hạn lên 2.077 USD/tấn thì nay cà phê đã mất đến 633 USD mỗi tấn!
Giá thế giới giảm kéo theo giá cà phê trong nước rớt thê thảm. Mấy ngày nay, giá cà phê vối dạng nguyên liệu tại một số địa phương chỉ còn 31.500 đồng/kg, là mức thấp nhất được ghi nhận từ tháng 11.2013 đến nay. Một chủ vườn tên Danh có 3ha cà phê tại Tân Châu, huyện Di Linh, Lâm Đồng cho biết: “Giờ này năm ngoái, giá thị trường nội địa chừng 41.000 đồng/kg nhiều người ngập ngừng không muốn bán vì chê thấp, nay mất thêm gần 10.000 đồng/kg. Nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn nên cũng đành phải bán”.
“Chưa thu hoạch xong, giá cà phê đã rục rịch xuống. Đây là niên vụ thứ ba liên tiếp thị trường cà phê mất giá, càng lúc càng lao dốc như mất phanh nên nhà tôi chẳng còn tiềm lực nào để trữ hàng. Giá này không đủ trả nợ nữa chứ lấy đâu mà trữ”, ông Danh nói tiếp.
Một điều đáng lo nhất là càng trữ hàng, xuất khẩu càng ít, giá càng giảm sâu. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2015 ước đạt 1,28 triệu tấn thu được 2,57 tỷ USD, giảm 24,3% về khối lượng và 27,8% về giá trị so với năm 2014.
Tuy nhiên, xuất khẩu giảm còn do diện tích cà phê trên toàn quốc ngày càng giảm. Diện tích cà phê niên vụ 2015 – 2016 chỉ còn chừng 645.600ha, so với vài năm trước là 670.000ha. Giá giảm đã khiến nhiều nông dân trồng cà phê chuyển sang trồng cây khác có giá hơn như hồ tiêu, ca cao hay các loại cây công nghiệp dài ngày khác hấp dẫn hơn như mắc ca hay bơ “booth”.
Tái canh cà phê vối: có cần kíp?
Ông Nguyễn Quang Bình, nhà phân tích thị trường cà phê, cho rằng sở dĩ diện tích cà phê giảm vì giá thị trường cà phê trong vài năm qua ít hấp dẫn hơn so với một số mặt hàng khác như hồ tiêu. (Giá hồ tiêu có khi tăng lên trên 200 triệu đồng/tấn, trong khi giá cà phê thấp hơn 5 lần). Mặt khác, chương trình tái canh cây cà phê robusta, tức cây cà phê vối, là loại được trồng chủ đạo của nước ta dùng để trộn với cà phê chè arabica và chủ yếu để sản xuất cà phê hòa tan, có vẻ chưa hợp thời.
Trong “Diễn đàn triển vọng và phát triển ngành hàng cà phê bền vững” tổ chức đầu tháng 12.2015, ông Bình nói: chương trình tái canh cây cà phê là quan trọng nhưng mức độ cần kíp có lẽ chưa tới. Bởi vì, các nước Colombia, Brazil và kể cả Indonesia đã thực hiện chương trình tái canh cây cà phê từ lâu, cụ thể chương trình tái canh cây cà phê Colombia nay đã cơ bản hoàn thành và đang gặt hái kết quả. Nhờ đó, sản lượng cà phê các nước này tăng khá mạnh, cộng với phá giá đồng tiền tại các nước sản xuất cà phê cạnh tranh với nước ta, lượng cà phê của các nước này tung ra nhiều vì đang thời sung sức. “Nếu cây cà phê robusta tái canh của nước ta phải chờ đến từ 3 đến 5 năm nữa mới khai thác, bấy giờ vẫn có thể chịu thêm sức ép cạnh tranh từ hạt cà phê các nước khác” ông Bình phát biểu.
Trong khi đó, lượng cà phê chè arabica, vốn quyết định chất lượng và mùi vị ly cà phê, con số nắm được hiện nay chỉ chừng trên dưới 70.000 tấn mỗi năm, là rất khiêm nhường và chưa đủ để đa dạng hóa sản phẩm cà phê và tăng chất lượng ly cà phê tiêu thụ nội địa. Ngay tại đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới (sau Brazil), người dân vẫn phải uống cà phê trộn toàn hóa chất, phụ gia độc hại.
Cà phê đặc sản là lối thoát?
Tây Nguyên là vùng đất có đủ điều kiện về khí hậu, độ cao, thổ nhưỡng để phát triển nhiều loại cà phê đặc sản như moka Cầu Đất, các loại arabica thuần chủng hay lai tạo hương vị để làm nên ly cà phê thơm ngon. Nên chăng, vừa tái canh vườn cà phê robusta đồng thời ưu tiên tăng cường khuyến khích và đầu tư trồng các loại cà phê đặc sản để nâng chất lượng ly cà phê Việt Nam, một mặt đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, mặt khác giảm phụ thuộc vào giá giao dịch thất thường hàng ngày của các nước nhập khẩu. Vả lại, giá trị xuất khẩu của cà phê arabica bình thường có thể cao hơn cà phê vối robusta từ 1.500 USD/tấn hay cao hơn nữa.
Một tin vui đầu năm đối với ngành cà phê Việt Nam khi hãng cà phê Starbucks, chuỗi nhà hàng cà phê nổi tiếng của Mỹ có mặt khắp nơi trên thế giới, đã chọn nguyên liệu cà phê Cầu Đất của TP Đà Lạt để làm thành cà phê đặc sản và bán giá rất cao do hương vị đặc trưng của nó. Việc phát triển thêm các sản phẩm cà phê đặc sản như moka Cầu Đất – Starbucks có thể giúp nông dân trồng cà phê nước ta thoát khỏi vòng kim cô của giá cả trên các sàn kỳ hạn, vốn bị các quỹ đầu cơ tài chính khuynh loát khiến cho khốn đốn và rơi vào cảnh mất mùa cũng mất giá như hiện nay.
Nên xem: Mong một ngày người bán lấy lại quyền ra giá cà phê trên thị trường