Xu hướng thị trường cà phê tuần 03-2016 (từ 18 đến 23/01/2016)

Diễn biến giá kỳ hạn

Sàn kỳ hạn Tuần/Tuần +/- Cao/thấp trong vòng 12 tháng
London 1485-1441 -44 2077 / 1430
New York 119.0-114.90 -4.10 187.40/113.60

Sau một tuần, giá kỳ hạn London mất thên 44 USD, sàn kỳ hạn New York mất 4.10  cts/lb. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay robusta mất 89 USD/tấn, arabica mất 12 cts/lb, tương đương với 265 USD/tấn. Hai sàn lập mức thấp nhất tính từ cả năm nay và từ đầu niên vụ mới 2015-16.

Giao dịch hàng thực trong tuần

Tuần thứ hai sau tết dương lịch 2016. Giá vẫn yếu dù cuối tuần London có đợt tăng nhẹ vượt được mức nguy “chuông treo sợi chỉ” (1430/1431). Thường tuần thứ hai sau đợt nghỉ tết dương lịch, giao dịch mua bán quay về đời thực. Các nước sản xuất quay lại bán, các nhà nhập khẩu tính sổ để mua. Nên giao dịch tuần này khá nhộn nhịp so với 3 tuần trước đó. Đáng tiếc thay, thị trường đi ngược ước vọng của bà con nông dân.

Giao dịch giá cà phê nội địa trong tuần ở mức thấp, quanh 31.500-32.500 đồng/kg là mức thấp nhất tính từ tháng 11-2013 đến nay.

Giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể được chào bán +50 USD/tấn FOB cao hơn giá niêm yết London nhưng bên mua chê cao. Theo nhận định của một số chuyên gia, hai bên vẫn chưa nhất trí được giá mua bán theo cách “trừ lùi cộng tới” (differentials) nên tạo một làn sóng lớn bán gởi cà phê vào kho. Diễn biến trên thị trường cho thấy các nhà xuất nhập khẩu cà phê cần hàng là có, nông dân và đại lý nhỏ cần tiền nhưng chưa chấp thuận giá. Nếu lấy giá đỉnh cao trong tuần cộng với 30-50 USD/tấn và cho đó là giá FOB thì vẫn không chuẩn mà chỉ để tham khảo. Làn sóng nhập kho gởi hàng chưa chốt giá bán chứng tỏ chưa có giá FOB thuận mua vừa bán mà phải chờ tăng cao hơn khi người gởi hàng vào kho chốt gí. Một cảnh báo không thừa: càng nhập kho bán giá “trừ lùi cộng tới” chưa chốt là rủi ro lớn nhất trong niên vụ này tính đến nay. Do ai cũng nghĩ “trâu chậm uống nước trong” để sau chốt giá tốt, tất cả đều treo trên sàn như đầu cơ mua khống hàng giấy (đầu cơ ít bị lộ còn hàng thực treo lên sàn bị lộ rất rõ), nên khối lượng gởi kho càng lúc càng lớn sẽ tạo áp lực cho giá kỳ hạn và giá mua bán nội địa nếu như các nhà cung ứng không ngồi với nhau tìm cách tự tháo gỡ và giải quyết.

Thấy gì qua ước báo sản lượng mới nhất

Sản lượng cà phê Indonesia thu hoạch khoảng tháng 4-5 năm 2016 ước tăng 9% đạt 600.000 tấn so với năm ngoái 550.000 tấn, Irfan Anwar, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Indonesia cho biết. Theo vị này, cà phê Indonesia ngày càng củng cố vị thế bằng cách giữ tốt thị phần trên thế giới, tăng 1% tại thị trường châu Âu và 5-6% tại các nước châu Á. (So với Việt Nam, mất 4% thị phần). Năm 2015, đồng Rupiah của Indonesia giảm 10%. Tuy năm ngoái sản lượng có giảm xuống 550.000 tấn so với năm trước 2014 là 600.000 tấn, xuất khẩu Indonesia cũng không hề hấn gì. Như vậy, có 3 nước cạnh tranh với cà phê Việt Nam đều báo có sản lượng tăng. Không nên phụ thuộc vào các con số mà hãy lưu ý đến khuynh hướng của dự báo tăng hay giảm để có nhận định riêng cho mình.

Trong báo cáo của ông Anwar, có một chi tiết rất thú vị cần lưu ý khi ông so sánh năng suất cà phê robusta với các nước cạnh tranh. Theo ông, Indonesia cần cố gắng thêm nhiều vì năng suất bình quân hiện nay của nước ông chỉ chừng 700 kg/ha nhưng Brazil 3 tấn/ha và Việt Nam 2,3 tấn/ha. Biết là ông rất khiêm nhường khi nói về năng suất, vì Indonesia hiện nay và cách nay 15-20 năm đã khác nhau nhiều, chắc chắn năng suất trên mỗi ha không nằm ở con số ấy mà cao hơn hơn gấp đôi hay gần gấp ba con số ông vừa báo. Thú vị hơn nữa là Brazil 3 tấn/ha! Nếu vị này nói trường hợp năng suất robusta Brazil là đúng, thì quá phũ phàng cho hạt cà phê Việt Nam vì thông tin này hoàn toàn ít ai biết hay để ý đến mà chỉ biết vườn mình mất mùa và vì phải cạnh tranh càng gay gắt hơn với hạt cà phê robusta Brazil.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) tuần này đánh giá sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2015-16 tuy tăng nhẹ nhưng thế giới vẫn thiếu cà phê. (Thiếu hay không qua gần 4 tháng tính từ đầu niên vụ hẳn biết, giá càng lúc càng yếu, ít nhất cho đến nay chưa chịu hồi phục). ICO nói Brazil mất mùa (lưu ý TGD ICO là người Brazil) nhưng ba nước Indonesia, Colombia và Việt Nam được mùa bù lại. Theo ICO năm nay sản lượng cà phê thế giới đạt chừng 143,4 triệu bao, tăng so với ước báo trước đây của họ là 141,38 triệu bao.

Ngược lại, chủ tịch Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) Silas Brasileiro ước sản lượng cà phê Brazil niên vụ tới 2016-17 đạt 48-50 triệu bao, tăng so với ước báo cũ của Cecafe là từ 47-49 triệu bao. Ước báo này xem ra cao trong nội bộ Brazil nhưng lại ở phía thấp của thế giới. Ước báo theo thăm dò Reuters từ 47 đến 62 triệu bao.

Tin xuất nhập khẩu trong tuần

ICO còn ước xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11-2015 đạt 8,506 triệu bao, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2014 là 8,317 triệu. Tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu 2 tháng đầu niên vụ mới ước đạt 17,195 triệu bao, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước là 17,341 triệu.

Nhập khẩu cà phê vào Mỹ tháng 11-2015 ước đạt 2,010 triệu bao, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2014 là 1,481 triệu. Tổng lượng nhập khẩu cà phê của Mỹ lũy kế 12 tháng đến hết tháng 11-2015 tăng 2,20% đạt 24,626 triệu bao so với cùng kỳ năm trước chỉ 24,553 triệu.

Kỹ thuật thị trường cà phê

techarabica
Biểu đồ phân tích kỹ thuật giá arabica New York của Wang Tao

Nhà phân tích kỹ thuật cà phê của Reuters Wang Tao nói dựa trên lý thuyết sóng và phân tích Fibonacci, giá cà phê arabica trong 3 tháng tới có cơ hội tăng lên từ 135.60-148.15 cts/lb.

Tính từ ngày 13-10-2014 bấy giờ đang ở đỉnh 229.10 cts/lb, đến nay lớp sóng thứ 5 “hình như đã hoàn thành”. Chu kỳ giá đến nay có thể đảo ngược một phần hay toàn phần.

Nếu như có lúc nào đó giá arabica New York vượt qua mức 128.30 cts/lb, khả năng tăng 135.60 cts/lb rồi 148.15 cts/lb là có thể. Tuy nhiên, nếu như quay về lại đóng cửa mức 115.30 cts/lb sẽ có khả năng xuống 107.10 cts/lb. Ngày cuối tuần 15-01 mất mốc 115.30 cts/lb, New York yếu và đang nhắm về 112.60 trước khi xuống sâu hơn.

Trong khi đó, trên sàn kỳ hạn robusta, kỹ thuật đang nằm ở thế “chuông treo sợi chỉ”. Giá kỳ hạn ngày 12-01 cù cưa và dừng ngay trước điểm nguy hiểm 1431 là 1432 USD/tấn. Ngày hôm sau lại tăng được 9 USD nhưng lượng bán ra từ đầu cơ và các nước sản xuất quá mạnh. Chạm qua mức 1431, rủi ro rất lớn vì giá có thể trôi xuống 1374 và sâu hơn nữa. Cũng nhờ rang xay ra tay giá kỳ hạn tạm thời qua cơn nguy hiểm. Chắc do sợ hậu hoạn vì nếu như giá bị đầu cơ đè mạnh, gánh tội sẽ là những nhà rang xay chỉ vài năm sau có thể phải mua giá cao gấp đôi vì nông dân chặt bỏ cà phê để trồng cây khác có lợi và ít rủi ro hơn. Hôm qua, giá London lại chạm 1430 USD/tấn nhưng rồi hồi phục. Nếu như New York không khá hơn để kéo giúp London tránh khu vực này để lên cao hơn, giá robusta xem ra khó khăn.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

74