Không hề có ý chơi chữ ở đây! Tất cả ai kinh doanh hàng hóa nguyên liệu trên thế giới cũng đã từng nghe người Trung quốc vẽ nên viễn cảnh “giấc mơ Trung Hoa”. Tuy nhiên, ngày càng thấy rằng chưa thấy giấc mơ đâu mà chỉ là “ác mộng”?
Cũng như năm 2015, chắc chắn năm nay Trung Hoa lại cũng trở thành một trong ba hay bốn đề tài nóng bỏng trên thị trường tài chính. Chắc ngày nào cũng có cái để nói, để bàn, để phải ác mộng triền miên.
Từ mươi năm qua, TQ thực sự là công xưởng của thế giới, thị trường có nguyên liệu bao nhiêu TQ đều ngốn sạch, vậy mới có chuyện tăng trưởng kinh tế, GDP 10%/năm, vậy mới có chuyện xuất khẩu ào ạt, vậy mới có dự trữ ngoại tệ khổng lồ, vậy mới có “giấc mơ” Trung Hoa đòi mua được cả mấy phần thế giới! Nay thì thiên hạ nhận ra rằng chuyện tăng trưởng ấy là thứ vẽ vời, tô hồng số liệu. Nhiều thông số tăng trưởng đang bị giới chuyên gia kinh tế thế giới nghi “cấy thêm”, tăng trưởng nóng kinh tế tại TQ có thể được hình thành bằng những hình ảnh đầu tư nóng, chỉ là vỏ bọc câu “like” cho một số địa điểm được chọn lọc chứ không hề bền vững, họ cũng nợ nần cũng chúa chổm chứ đâu thua ai.
Dù bao nhiêu nhà nghiên cứu kinh tế thượng thừa trên thế giới cố bóc tách các sự kiện, tìm hiểu sâu hiện tượng TQ để tìm cho ra “giấc mơ Trung Hoa” nhằm học đòi, nhưng than ôi, càng vào sâu, người ta càng phát hiện “không thể hiểu nổi” vì không thể tìm ra đâu là thực đâu là giả những con số, dữ liệu thống kê kinh tế của nhà nước và kể cả hệ thống ngân hàng TQ. Chuyện vỡ lỡ, thế giới kêu cứu TQ, người muốn tạo ra “giấc mơ” cho toàn cầu, thì nay giã lã, thị trường mất niềm tin, càng mất niềm tin, ác mộng càng lớn càng kinh niên!
Hôm qua, thị trường chứng khoán TQ lại ngưng giao dịch vì giá cổ phiếu mất trên 7%, đây là lần thứ 2 sau chưa đầy một tuần quay lại giao dịch sau tết dương lịch!
Cũng ngay ngày hôm qua, trong một hội nghị đầu tư tại Sri Lanca, nhìn vào nền kinh tế TQ, George Soros phải nói rằng chưa gì đầu năm nay đã thấy có “mùi”khủng hoảng như năm 2008. TQ đang kiếm cách tìm một mô hình phát triển mới và phá giá đồng nội tệ CNY do TQ tiến hành đang gạt cái khó qua cho thế giới, ông nói.
Thị trường tiền tệ thế giới, cổ phiếu và hàng hóa thế giới đang bị bốc bỏ vào lửa ngay tại tuần đầu tiên của năm mới. Cả 2.500 tỉ USD trên các sàn giao dịch tài chính thế giới bị bốc hơi đến ngày thứ Tư 06-01 và sang thứ Năm 07-01 lại càng trầm trọng hơn. Đối với Soros, một đợt khủng hoảng lại manh nha.
Chỉ trong một tuần giá ca cao giảm 10%, giá dầu thô còn quanh mức 33 USD/thùng, giá cà phê đã chạm mức đáy mới tính từ một năm trở lại đây…chỉ trừ kim loại vàng và bạc là tăng mạnh vì khi khủng hoảng người ta thường víu vào vàng làm chỗ trú ẩn.
Giá kỳ hạn arabica New York hôm qua có phiên giao dịch với dao động lên xuống phức tạp. Đóng cửa giám 1.50 cts/lb chỉ còn 118.45 cts/lb. Giá robusta London giảm 13 USD/tấn còn 1479 USD/tấn sau khi chạm 1463 USD/tấn.
Dự kiến sàn robusta Ice London tháng 3-2016 mở cửa chiều 08-01 từ không đổi đến tăng nhẹ
Khuynh hướng chung: Trung tính đến yếu.
Nguyễn Quang Bình
Rối như là mớ bòng bong
Đứng, đi, ngồi,chạy…rồi nằm không xong
Hàng hóa, chứng khoán…đi tong
Gọi Trời không thấu…biết mần răng đây !?
Muốn làm Đại Lãn…gốc cây
Mà Sung chưa rụng…thân gầy nương đâu ?
Ai ơi cùng cảnh như nhau
Lá lành, lá rách …bớt đau lúc này !
Chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2016 thế giới đã phải chứng kiến những biến động rủi ro của kinh tế thế giới. Sàn chứng khoán Trung Quốc đã có 2 ngày trong tuần đầu phải dừng giao dịch do mức giảm quá mạnh 7% trong phiên theo qui định, chứng khoán toàn cầu hầu như đều giảm và giảm mạnh, dầu hỏa lập mức thấp kỷ lục mới của trên 10 năm gần đây. Tuy nhiên vàng như đang được chọn làm kênh trú ẩn trong những phiên vừa qua.
Nhìn lại lịch sử của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong khoảng 20 năm gần đây thì mặc dù kinh tế thế giới, chứng khoán sụp mạnh nhưng giá cà phê thường ngược lại. Và chúng ta hy vọng nếu chứng khoán thế giới tiếp tục biến động tiêu cực thì sàn hàng hóa sẽ được các nhà đầu tư lựa chọn trong đó có mặt hàng cà phê.
Mình nghĩ hơn lúc nào hết bà con nông dân chúng ta nên đứng ngoài thị trường trong lúc này bình tĩnh để chờ xu hướng mới nếu không thực sự có nhu cầu buộc phải bán.
Bà con nông dân sẽ đứng ngoài thị trường nếu có tiềm lực tài chính. Còn như tôi thấy thì hầu hết bà con nông dân đều phải đi vay vốn để đầu tư canh tác cf nói riêng và các loại cáy trồng hàng hóa nói chung, nên rất khó thực hiện phương châm bạn này gợi ý.
Trong những ngày qua không riêng gì sàn cà phê mà hầu hết các sàn chứng khoán trên thế giới đều rực đỏ do yếu tố tâm lý khởi đầu từ sàn chứng khoán Trung Quốc. Người dân chúng ta vì lý do gì mà phải lao theo các nhà đầu tư trên sàn do yếu tố bảo toàn vốn của họ trong ngắn hạn nên họ phải bán thoát ra. Thậm chí các nhà đầu tư thường phải tìm đến các kênh hàng hóa để làm kênh trú ẩn cho an toàn thì chúng ta là những người nắm hàng thực là kênh người ta chọn cho an toàn thì lại vội bán đi là sao phải không?
Khi đồng tiền thi đua phá giá thì tại sao ta lại đi bán hàng ra? Chẳng lẽ muốn ôm về một mớ giấy vụn hay sao?
Thị trường cà phê gặp hiện tượng người người chực chờ bán , còn người mua thì tìm mỏi con mắt mới có .
giá cà phê đang biến đổi theo quy luật hình SIN “xuống nhanh thì sẽ lên nhanh” nên người dân nóng vội
Cũng có thể là hình SIN như bạn nói, củng có thể là hình Parabol úp xuống (hay hình chiếc nón Huế bị úp), ai biết đường nào mà lần…hả bạn ?………
Năm nay riêng Nông dân đã đẩy cà phê ra khỏi nhà gần hết chẳng ai còn bao nhiêu, bạn ThaoNguyen nói có lý, nhưng đối với nông dân thì dường như không có tác dụng vì cà phê đã chảy ra bên ngoài nhà dân rồi…
Bác nào nói cũng hay, nhưng thử hỏi nông dân lấy tiền đau ra để tái đầu tư. Muốn trữ thì phải bảo ông nhà nước ấy.