Tổng quan về thị trường cà phê Trung Quốc

Trong những năm gần đây, cả sản xuất lẫn tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đã và đang tăng trưởng ở mức hai con số, và cho thấy vài dấu hiệu chậm lại.

Xem thêm: Diện tích cà phê Trung Quốc tăng mạnh, bít đường cà phê Việt?

Người ta ước tính rằng Trung Quốc hiện sản xuất nhiều cà phê hơn Kenya và Tanzania cộng lại, và tiêu thụ nhiều hơn Úc. Khi nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, người tiêu dùng với mức thu nhập tăng lên và nhu cầu cà phê cũng gia tăng tương ứng. Sự hiện diện của các quán cà phê không còn là mới lạ mà đúng hơn thì đó là một đặc điểm quan trọng của cảnh quan đô thị. Mặc dù vẫn là quốc gia tiêu thụ chủ yếu là trà (chè) nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển việc tiêu thụ cà phê, và điều này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường thế giới *.

Nghiên cứu mới này của ICO về tình hình tiêu thụ và sản xuất cà phê ở Trung Quốc đã được trình bày tại kỳ họp thứ 115 của Hội đồng Cà phê Quốc tế diễn ra tại Milan từ 28/9 – 2/10/ 2015.

Tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc

Tổng quan

Ước tính lượng tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc có phần nào bị cản trở bởi thiếu số liệu thống kê đáng tin cậy. Tuy nhiên, có thể lấy được con ước tính dựa trên số liệu sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu đang có sẵn hơn. Các kết quả của bản phân tích này cho thấy tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc khoảng 1,9 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong niên vụ 2013/14, và tăng trưởng khoảng 16%/năm trong 10 qua**.

Với mức tiêu thụ này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia tiêu thụ cà phê đứng thứ 17 trên thế giới. Tuy nhiên, với dân số 1,4 tỷ người, tỷ lệ tiêu thụ bình quân đầu người chỉ 83 gram, tương đương 5-6 cốc mỗi năm, mặc dù một lần nữa lượng tiêu thụ này đang gia tăng. Hơn nữa, tỷ lệ tiêu thụ bình quân đầu người được cho là cao hơn đáng kể ở các khu vực đô thị, ước tính khoảng 2 kg ở Hồng Kông, so với 4,9kg ở Liên minh châu Âu hoặc 4,4kg ở Mỹ.

Cấu trúc thị trường

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường cà phê Trung Quốc chủ yếu gồm cà phê hòa tan. Thật vậy, cà phê hòa tan chiếm khoảng 99% doanh số bán lẻ theo khối lượng và 98% theo giá trị, mặc dù cà phê rang xay đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn. Các loại cà phê hòa tan phổ biến nhất là sản phẩm 3-in-1 chứa cà phê, đường và chất làm trắng, cũng như các loại hương liệu.

Tuy nhiên, các quán cà phê và văn hóa cà phê nói chung ngày càng phổ biến rộng rãi đã thúc đẩy tăng trưởng của thị trường cà phê rang xay. Hơn nữa, doanh số bán hàng ở quán cà phê đang gia tăng nhanh hơn so với doanh số bán lẻ, với số lượng quán cà phê ở Trung Quốc ước tính khoảng 13.834 quán vào cuối năm 2013. Khi thu nhập tăng, người tiêu dùng có xu hướng tiêu dùng sản phẩm cao cấp hơn. Doanh số bán lẻ của cà phê viên nén (coffee pod) là tăng trưởng năng động nhất mặc dù chúng vẫn là sản phẩm thuộc thị trường ngách.

* “Trung Quốc” trong nghiên cứu này bao gồm Đặc khu hành chính Hongkong và Macao. Các số liệu nêu trong nghiên cứu này được tính toán trên cơ sở niên vụ, tức là từ tháng 10 đến tháng 9 năm sau, trừ khi trong bài có nêu khác.

** Phương pháp nghiên cứu được trình bày chi tiết ở Phụ lục.

tiêu thụ và sản xuất cà phê ở Trung Quốc

Mặc dù tiêu thụ cà phê tăng trưởng ấn tượng nhưng Trung Quốc vẫn là một quốc gia uống trà (chè) với doanh số bán lẻ của trà lớn gần gấp 10 lần cà phê. Tuy nhiên, trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê chiếm thị phần lớn, lên đến 44% trong năm dương lịch 2013. Ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn còn khiêm tốn, nhưng nó phản ánh sở thích thưởng thức cà phê đang gia tăng trong ngành kinh doanh ăn uống bên ngoài (nhà). Hơn nữa, chuỗi quán cà phê phát triển nhanh chóng cho thấy tiềm năng tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

tiêu thụ cà phê và trà ở Trung quốc

Nhập khẩu

Tổng lượng nhập khẩu cà phê của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 là 1,4 triệu bao, so với 418.000 bao trong niên vụ 2004/05. Nhập khẩu cà phê trong thời gian qua đã gia tăng đáng kể, với mức tăng trung bình hàng năm là 15% trong mười năm qua.

Nhập khẩu chủ yếu là cà phê nhân, đây là loại cà phê chưa qua chế biến, chiếm trung bình 69% trong vòng 5 năm qua. Trong niên vụ 1994/95, cà phê hòa tan được nhập khẩu với tỷ lệ lớn hơn; sự sụt giảm này có thể được quy cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến địa phương sau khi Nestlé đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, nhập khẩu cà phê hòa tan đã tăng lên nhanh chóng, có lẽ là do nhu cầu trong nước tăng nhanh hơn so với năng suất chế biến trong nước.

Nhập khẩu cà phê của Trung Quốc qua các năm
Nhập khẩu cà phê của Trung Quốc qua các năm

Xét về nguồn gốc, quốc gia cung cấp cà phê lớn nhất cho Trung Quốc là Việt Nam, chiếm gần một nửa tổng lượng nhập khẩu từ niên vụ 2009/10 đến 2013/14. Hơn 80% lượng nhập khẩu chỉ đến từ 5 quốc gia (bao gồm cả tái xuất khẩu từ Mỹ), như thể hiện trong hình 4 bên dưới.

Dựa vào nguồn gốc nhập khẩu và các thông tin từ các nguồn bên ngoài, có vẻ Robusta chiếm tỷ lệ lớn đáng kể trong lượng cà phê nhập khẩu vào Trung Quốc, phản ánh sở thích tiêu thụ cà phê hòa tan. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhập khẩu từ Colombia và Trung Mỹ đã và đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, ở mức trên 25% mỗi năm kể từ niên vụ 2009/10, và hiện nay chiếm khoảng 5% tổng số.

Nguồn gốc cà phê được Trung Quốc nhập khẩu
Nguồn gốc cà phê được Trung Quốc nhập khẩu

Tiêu thụ cà phê ở Nhật Bản

Sự phát triển của ngành cà phê ở Trung Quốc trong 10 năm qua có thể so sánh với sự phát triển của nhu cầu cà phê ở Nhật Bản 50 năm trước. Như thể hiện trong hình 5 bên dưới, mức tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ tương tự trong khoảng thời gian 10 năm.

Nhật Bản đã tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cho đến giữa những năm 2000 khi nó đạt hơn 7 triệu bao và trở thành quốc gia tiêu thụ cà phê lớn thứ tư trên thế giới, với mức tiêu thụ bình quân đầu người 3,5 kg. Nhật Bản hiện nay sở hữu một nền văn hóa cà phê tiên tiến, chủ yếu là cà phê Arabica và với năng lực chế biến rất phát triển. Quá trình này mất từ 30 đến 40 năm tại Nhật Bản, và Trung Quốc vẫn còn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển ngành cà phê của mình.

Bảng so sánh mức tiêu thụ cà phê giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Bảng so sánh mức tiêu thụ cà phê giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Trồng cà phê ở Trung Quốc

Lịch sử

Cà phê lần đầu tiên được trồng ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 bởi một nhà truyền giáo người Pháp ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc. Sản xuất cà phê sau đó chờ đợi mòn mỏi trong suốt hơn một thế kỷ cho đến năm 1988 khi Chính phủ Trung Quốc kết hợp với Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc bắt đầu một dự án để phục hồi ngành. Các công ty lớn như Nestlé cũng khuyến khích trồng cà phê trong khu vực, và kết quả là sản xuất tăng vọt.

Khu vực trồng cà phê

Cà phê được trồng chủ yếu ở tỉnh Vân Nam, chiếm hơn 95% sản lượng cà phê của Trung Quốc. Vân Nam có truyền thống trồng trà (chè) với nguồn gốc là giống trà ‘Pu’er’ nổi tiếng. Tuy nhiên, với địa hình núi non với độ cao trung bình khoảng 2.000m và khí hậu ôn hòa rất phù hợp để trồng cà phê. Vân Nam cũng giáp với Việt Nam, Lào và Myanmar, ở trung tâm của khu vực trồng cà phê. Nó chỉ trồng duy nhất cà phê Arabica, và là một tỉnh lớn với diện tích 394.000 km2 và dân số 46 triệu người. Ngoài ra còn có một lượng nhỏ cà phê Robusta trồng trên đảo Hải Nam nằm ở phía nam Trung Quốc, và ở tỉnh Phúc Kiến nằm ở phía đông nam.

Cà phê được trồng chủ yếu ở tỉnh Vân Nam
Cà phê được trồng chủ yếu ở tỉnh Vân Nam

Tình hình trồng cà phê (từ 1994/95 đến 2013/14)

Sản xuất cà phê ở Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong 20 năm qua (xem hình 7). Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), sản lượng trong niên vụ 2013/14 đạt 1,9 triệu bao, và tăng gần gấp đôi mỗi 5 năm. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia trồng cà phê lớn thứ 14 trên thế giới, đứng trước Costa Rica nhưng sau Nicaragua, so với vị trí thứ 30 trên thế giới của mình 10 năm về trước với mức 361.000 bao.

sản phẩm cà phê và xuất khẩu của Trung Quốc

Sự tăng trưởng trong ngành cà phê là do sự đầu tư đáng kể của cả khu vực tư nhân lẫn nhà nước (xem Hộp 2). Hiệp hội Cà phê tỉnh Vân Nam gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư vào ngành cà phê trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ (480 triệu USD) trong 10 năm tới. Khoản đầu tư này sẽ được dùng để cải thiện chất lượng đất, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đào tạo cho người trồng cà phê, mở rộng cả khu vực trồng và sản lượng.

Sản xuất cà phê tại Vân Nam cũng đã được thúc đẩy bởi giá trà (chè) sụt giảm, do đó chuyển sang trồng cà phê sẽ mang đến lợi nhuận đáng kể hơn. Nông dân trong vùng được cho là có thể tăng gấp đôi thu nhập so với trồng trà trên cùng diện tích đất; nông dân cũng đang chuyển đổi từ trồng bắp (ngô) hoặc gạo vì lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.

Có một số tranh cãi về chất lượng hiện tại của cà phê trồng ở Trung Quốc. Nó thường được coi là không đạt tiêu chuẩn cà phê đặc biệt, nhưng vẫn đạt chuẩn rất cao để hoàn toàn tiêu dùng trong nước. Hầu hết sản lượng Arabica là chủng Catimor được chế biến theo phương pháp chế biến ướt, mặc dù người trồng gần đây đã chuyển sang các chủng khác như Typica và Bourbon có thể mang lại lợi nhuận cao hơn.

Sự đầu tư của khu vực tư nhân vào ngành cà phê ở Trung Quốc

Khu vực tư nhân thời gian gần đây tăng cường tham gia vào ngành cà phê ở Trung Quốc. Nestlé đã có mặt tại tỉnh Vân Nam từ cuối những năm 1980 nhưng chỉ gia tăng đáng kể thu mua và đầu tư trong vài năm qua. Trong năm 2013, Nestlé đã ký bản ghi nhớ với chính quyền địa phương Pu’er để đầu tư vào trung tâm cà phê của khu vực. Starbucks cũng tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực, mở trung tâm hỗ trợ nông dân trong năm 2012 thực hiện thí điểm trồng các chủng cà phê thay thế nhằm cải thiện chất lượng cà phê. Hơn nữa, tháng 10/2014, hãng kinh doanh cà phê Volcafe công bố kế hoạch hợp tác với một công ty địa phương, Simao Arabicasm Coffee Company, để cung cấp, chế biến và xuất khẩu cà phê của Trung Quốc ra trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu

Song song với các mức sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê của Trung Quốc đã tăng mạnh trong 20 năm qua. Xét về mặt số liệu, chỉ từ 58.000 bao trong niên vụ 1994/95, Trung Quốc đã xuất khẩu 1,2 triệu bao trong niên vụ 2013/14, tăng gần 20 lần. Khoảng 90% sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc là cà phê nhân chưa qua chế biến, với cà phê hòa tan và rang xay chiếm trung bình 4% trong mỗi 5 năm qua.

Xét về điểm đến, trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc đã xuất khẩu cà phê đến 97 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới, trong đó 71% lô hàng là xuất đến chỉ 5 quốc gia (xem hình 8 dưới đây). Đức là hiện nay là nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 40% tổng xuất khẩu trong 5 năm qua, tại đây cà phê được chế biến và tái xuất khẩu.

các nước nhập khẩu cà phê của Trung Quốc

Triển vọng

Không có gì ngạc nhiên khi ngành cà phê ở Trung Quốc tạo ra sự quan tâm đáng kể bởi sự tăng trưởng khác thường trong cả sản xuất và tiêu thụ có khả năng làm thay đổi bình diện thị trường cà phê theo cách không thể đoán trước. Dựa trên số liệu thống kê chính thức của chính phủ và số liệu được suy ra, sản lượng sản xuất ước tính chỉ hơn 1,9 triệu bao và sản lượng tiêu thụ ở mức dưới 1,9 triệu, cả sản xuất lẫn tiêu thụ tăng trưởng ở mức hai con số. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng những ước tính này là cao hơn đáng kể so với các nguồn khác nằm trong khoảng 1,1-1,5 triệu bao. Điều này có thể được giải thích do tăng tiêu thụ cà phê được sản xuất trong nước, nhưng cho thấy rằng tất cả các số liệu cần được xử lý một cách cẩn thận.

Trở lại với việc so sánh với sự phát triển của ngành cà phê ở Nhật Bản, tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc có thể theo quỹ đạo tăng trưởng tương tự. Tiêu thụ cà phê ở Nhật Bản gần đây đã ổn định ở mức chỉ hơn 7 triệu bao, hay 3,5kg bình quân đầu người. Trung Quốc có dân số lớn gấp 10 lần Nhật Bản, mặc dù cà phê chủ yếu được tiêu thụ tại các khu vực đô thị chiếm khoảng một nửa tổng dân số. Đến cuối thập niên này, Trung Quốc có thể tiêu thụ hơn 4 triệu bao mỗi năm, với nhiều tiềm năng để tăng trưởng hơn nữa.

Tương tự, sản lượng Arabica ở tỉnh Vân Nam đã tăng trưởng đáng kể, và Hiệp hội Cà phê của Vân Nam đã đặt mục tiêu 4 triệu bao vào năm 2020. Hơn nữa, nhìn vào số liệu thống kê nhập khẩu/xuất khẩu của Trung Quốc cho thấy một tỷ lệ ngày càng cao của sản lượng sản xuất trong nước đang được tiêu thụ nội địa. Xu hướng này phù hợp với việc các công ty tham gia vào cả cung và cầu ở Trung Quốc, như Nestlé và Starbucks, đang ngày càng đầu tư vào sản xuất cà phê ở Trung Quốc để cung cấp cho thị trường nội địa với các loại pha chế và sản phẩm mục tiêu cụ thể. Khi sở thích uống cà phê Arabica tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng, mô hình này có nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.

Tóm lại, vẫn chưa xác định được tác động tổng thể của ngành cà phê Trung Quốc lên nền kinh tế cà phê toàn cầu. Do gia tăng sản lượng sản xuất lẫn tiêu thụ với lượng tương đối tương xứng, Trung Quốc đang hiện diện không có tính chất rõ rệt trên bảng cân đối toàn cầu. Tuy nhiên, động thái của hai xu hướng rất khác nhau, với sản lượng sản xuất gần như hoàn toàn là cà phê Arabica trong khi tiêu dùng thì nghiêng về cà phê Robusta. Cần nhiều dữ liệu hơn để phân tích sâu hơn các xu hướng này.

Phụ lục | Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Tính sẵn có của dữ liệu về cà phê ở Trung Quốc gặp một số vấn đề về phân tích xu hướng và động thái. Các con số được sử dụng trong báo cáo này được tính như sau:

  1. Dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu: ICO có được các dữ liệu thông qua số liệu thống kê hải quan bao gồm nhập khẩu và xuất khẩu vào Trung Quốc đại lục, và các cơ quan thống kê chính thức của Hongking và Macao, sau đó được tổng hợp lại.
  2. Sản lượng sản xuất: số liệu thống kê về sản lượng cà phê ở Trung Quốc có sẵn từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO). Những con số này ở dạng tấn, sau đó được chuyển đổi thành đơn vị bao 60kg.
  3. Sản lượng tiêu thụ: Không có dữ liệu thống nhất về sản lượng tiêu thụ. Vì vậy, những con số này được lấy bằng cách tính toán Sản xuất + Nhập khẩu – Xuất khẩu, và sau đó tính con số trung bình hai năm để làm phẳng số liệu của bất kỳ thay đổi bất thường nào từ năm này sang năm khác. Cách tiếp cận này cũng giả định rằng không có thay đổi nào trong tồn kho theo thời gian.

Dữ liệu này đã được tính toán trong khoảng thời gian 20 năm kể từ niên vụ (từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm sau) 1994/95 đến 2013/14. Dữ liệu đầy đủ được trình bày trong bảng dưới đây.

image017

Xem thêm: Trung Quốc xuất khẩu cà phê qua châu Âu bằng đường xe lửa

Thực hiện: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông văn Dân

    Bài đầy đủ và rất chi tiết. Nhưng dài quá, lưu lại để dành lúc nào rảnh đem ra đọc

    Cám ơn bạn Mỹ Phương

Tin đã đăng