(14-10-2015) Tiêu thụ cà phê: Kẻ nói nhiều, người nói ít

Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu không tăng mạnh như người ta tưởng

Đây được xem là một bài phản biện từ những đánh giá và nhận định của một số nhà kinh doanh cà phê trong bữa “Dạ tiệc Cà phê Thụy sỹ” xảy ra cách nay chừng mươi ngày. Tại đó, một số nhà kinh doanh có vẻ quá lạc quan với mức độ tăng trưởng tiêu thụ cà phê và cho rằng sắp tới thế giới không có đủ cà phê đâu để sử dụng. Tuy nhiên, Reuters ngày 12-10-2015 đã đưa ra một số lý lẽ phản biện sau đây.

Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu đang chậm lại vì các nên kinh tế mới nổi đang gặp phải lực cản ngày càng lớn, làm hạ nhiệt các kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ. Nếu như đặt vấn đề Brazil sẽ soán ngôi tiêu thụ cà phê số 1 từ tay Mỹ, thì kinh tế khó khăn của nước này sẽ làm cụt hứng cơ sở lý luận của tính toán này.

Phải nói rằng châu Á tiếp tục vẫn giữ vị trí tiên phong trong tiêu thụ cà phê, song các nỗi lo sợ về nền kinh tế Trung quốc xuống dốc làm nhịp độ tăng trưởng ấy giảm lại từ nhiều năm nay.

“Các nước châu Á đang là động lực tăng trưởng cho tiêu thụ cà phê, nhưng vấn đề hiện nay là các nền kinh tế ở đấy đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn chứ không mạnh như thập niên trước, đặc biệt tại hai nước Trung quốc và Ấn độ,” Stefan Uhlenbrock, một nhà phân tích giá hàng hóa nông nghiệp kỳ cựu của hãng F.O. Licht nói thế.

Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường ED&F Man Kona Haque đưa quan điểm riêng rằng các nước Á-Phi vẫn là động lực tăng trưởng tiêu thụ cà phê, nhưng chất lượng cà phê sẽ giảm do người tiêu thụ chịu ảnh hưởng kinh tế xuống dốc.

Trong các nền kinh tế mới nổi đã từng làm đầu kéo cho tăng trưởng tiêu thụ cà phê trong vài năm gần đây, Brazil bây giờ lại trở thành đường dẫn yếu nhất.

Giới kinh doanh cà phê bấy lâu cứ có cái nhìn rằng sự bành trướng kinh tế nhanh chóng của Brazil trong mấy năm gần đây sẽ tạo nên hiện tượng Brazil sẽ soán ngôi của Mỹ để trở thành nước tiêu thụ cà phê số 1 thế giới, Brazil cũng là nước sản xuất cà phê hạng 1 thế giới.

Nhưng kỳ vọng ấy giờ đây phải treo lại. “Đáng ra Brazil là nơi làm thay đổi các con số về tiêu thụ, nhưng nay nước này lại phải vật vã với tăng trưởng tiêu thụ cà phê chứ không như ta đã từng thấy,” Haque nhận định.

Carlos Mera, một tay phân tích thị trường hàng hóa phái sinh kỳ cựu của ngân hàng Rabobank lại nói: “Một năm trước, cúng ta đều kỳ vọng Brazil sẽ soán được ngôi tiêu thụ cà phê số 1 từ tay Mỹ. Nhưng nay chắc điều này không thể xảy ra”.

Nathan Herszkowics, giám đốc điều hành Hiệp hội Rang xay Cà phê Brazil (Brazilian Coffee Industry Association – ABIC) tâm tư với Reuters rằng ông chẳng kỳ vọng gì nữa đến tăng trưởng tiêu thụ cà phê tại Brazil  trong điều kiện kinh tế tồi tệ như thế này.

“Giảm thì chắc không giảm nhưng ổn định trong khoảng 20,3 triệu bao, quanh mức tiêu thụ năm ngoái,” ông phát biểu.

“Nhu cầu có giảm tại một vài phân khúc như là nhà hàng và tiệm cà phê, vì tiền đủ đâu mà đi ăn đi uống bên ngoài hoài”.

F.O. Licht ước tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng chừng từ 1-1,5% trong niên vụ 2015-16 so với 2% trong niên vụ 2013-14.

Rabobank dự đoán tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng chừng 1,6% trong năm 2015, giảm từ 1,7% trong năm 2014 và 2,7% năm 2013.

Còn Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước tiêu thụ cà phê thế giới tăng bình quân 2,3% mỗi năm tính từ năm 2011.

Lời bình: Đây là một phản biện được nhiều nhà phân tích từ nhiều đơn vị khác nhau. F.O. Licht là hãng thống kê, Rabobank là ngân hàng, ED&F Man là hãng kinh doanh đóng tại nước tiêu thụ, ABIC là hiệp hội ngành hàng của Brazil. Hy vọng tổng hợp các góc độ nhìn này sẽ làm bạn đọc có nhận định tổng hợp hơn sau khi nhiều người cho rằng tiêu thụ cà phê sẽ tăng mạnh.

Tin tồn kho

Hiệp hội Cà phê hạt Mỹ (GCA) cho biết dự trữ cà phê tại các kho cảng tính đến hết tháng 8-2015 tăng 239.814 bao lên 6.123.163 bao.

Hiệp hội Cà phê Nhật bản báo tính đến hết tháng 8-2015 tồn kho cà phê tại Nhật bản tăng 6.841 tấn lên 202.411 tấn. Như vậy, con số tồn kho này cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 7% tức 189.150 tấn. Đấy cũng là mức cao kỷ lục.

Tồn kho đạt chuẩn ICE robusta tính đến 8-10 đạt 203.030 tấn. Tồn kho đạt chuẩn ICE arabica đạt 1.931.057 bao.

Giá đóng cửa hai sàn kỳ hạn cà phê ngày 13-10 giảm, một trong các lý do là do đồng real Brazil giảm đến 2,7%. Giá tháng 1-2016 robusta London xuống mức 1619 USD/tấn giảm 18 USD và giá arabica New York giảm nhẹ với âm 0.10 cts/lb đạt 137.75 cts/lb cơ sở giao dịch tháng 3-2015.

Dự kiến sàn robusta Ice robusta London tháng 1-2016  mở cửa chiều 14-10 không đổi.

Nguyễn Quang Bình.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thongnguyen

    giá cá phê thế nay bá con đã chịu không nổi nữa rồi còn xuống tiếp thì xong mùa lại khuyến cáo bà con đừng chặt bỏ cà phê chuyển đổi cây trồng nhé

  2. TuấnMinh@Dakha

    Cafe lại xuống giá nữa rồi chán quá ,mỗi lần vào xem giá cả cà phê là thấy lo lo ko biết giá có lún sâu nữa không

  3. Nguyenthihien

    Cà phê xuống để lấy đà.
    Ai mà nao núng mắc lừa như chơi.
    Cà ta để tận bây giờ Bán ra giá đó nực cười lắm thay.
    Lên đây tham khao thị trường
    Học hỏi kinh nghiệm những người đàn anh
    Nhung mà nhắc nhở mọi người.
    Học hỏi tốt học theo đừng.
    Cà ta ta quyết xin đừng trách ai

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80