Biến động tỷ giá, biến hóa kinh doanh (ngày 30/08/2015)

Mới ngày nào, kinh doanh mua bán sao dễ ăn dễ làm, cứ hôm nay mua hàng sẵn, mai ký hợp đồng bán, thậm chí đôi khi “hứng chí” bán trước vài ba container hột điều, vài chục tấn tiêu đen hay vài trăm tấn cà phê… hôm sau mua lại để giao hàng, không lời nhiều cũng lời ít, chỉ cần cân đối kỹ đầu vào đầu ra là xong, ông bạn giám đốc một tổng công ty nông sản đã nói như vậy khi nhớ lại thời kinh doanh vàng son ở thập niên 1990.

Ngày nay, phương tiện thông tin liên lạc, nối mạng Internet, tin tức giá cả tình hình thị trường không thiếu, nhưng các nhà xuất khẩu phải vò đầu vỗ trán, chạy đôn chạy đáo có khi chẳng tìm được hướng nào, dù chỉ để đạt được một yêu cầu đơn giản là bán ít hàng hóa nông sản kiếm chút lời trả lương cho công nhân, được vậy đã là kỳ công! “Hay do luống tuổi, phản ứng thị trường bọn mình chậm đi?”, một ông bạn kinh doanh khác tự ti nói khan.

Nhóm bạn đồng nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê từ cuối thế kỷ trước (nói thế cho ra vẻ xa xôi chứ 20 năm thời gian cách biệt với hiện nay có là bao!), bọn tôi chừng mươi người cứ có cơ hội lại tìm gặp nhau, nhưng không phải ai đến giờ này cũng còn đeo theo hột cà phê. Có người đã lái qua làm một mặt hàng nông sản khác hay chuyển hẳn sang thủy sản, chỉ còn vài anh bám trụ với nghề cũ, số đếm không hết hai bàn tay.

Mới có dịp dăm người cùng “chiến hào” chúng tôi gặp lại nhau, tự nhiên có ông cám cảnh rằng kinh doanh mọi thời không khó nhưng nay cách làm đã khác. Trước đây, chỉ cần theo dõi nước này mất mùa, chỗ kia được mùa, ước chào giá mức bao nhiêu là có thể gom được mớ hàng cà phê hay kể cả nhiều loại nông sản khác để chuẩn bị xuất khẩu một cách dễ dàng.

Nhận định thị trường trên cơ sở cung-cầu từ bấy đến nay trở thành quán tính đối với nhiều người. Tuy nhiên, tin vào chuyện được mùa hay mất mùa một mặt hàng nông sản nhiều lúc công ty phải trả giá bằng cách dẹp tiệm vì đôi khi đó chỉ là tin đồn, cố tình nói khác đi để hưởng lợi riêng. Nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ngay sau đó ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển đua nhau in và bơm tiền thông qua các chương trình kích cầu, chẳng hạn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã sử dụng chương trình có tên là “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) tung tiền mạnh vào thị trường với chủ đích khống chế khủng hoảng. Tiền vô kể đã chảy vào các sàn chứng khoán và kinh doanh hàng hóa, bơm giá lên cao, vô số tiền được dùng để trả tiền mua nguyên liệu tràn ngập các nước sản xuất. Tiền nhiều, sức mua mạnh, giá càng dâng cao, các nước cung cấp hàng hóa nguyên liệu phát triển sản xuất, tăng năng suất…và cứ tưởng giá tăng là do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực sự. Ngờ đâu hiện tượng tăng giá ấy là do lượng tiền khổng lồ bơm phình thành bong bóng, đến ngày nào đó phải nổ!

Ở giai đoạn ấy, như trong ngành xuất khẩu cà phê, ai có tiền mua sẵn hàng để đó mai bán là có lời. Bấy giờ ai áp dụng triệt để phương châm “mua trước bán sau” dễ trở thành đại gia như chơi.

Nay, tình thế khác xa… Từ đầu năm đến nay, ai theo cách suy nghĩ cũ “ăn quen bén mùi”, mua trước bán sau thì chỉ có ôm vạ vào thân. Trường hợp nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng núi tiền do trước Tết mua hàng cà phê trữ ở mức 40 triệu đồng/tấn nay giá chỉ còn quanh mức 35 triệu đồng/tấn, nhưng giá cà phê trên thị trường không lên mà cứ xuống liên hồi, nên phải ôm hàng như ngậm bồ hòn.

Nghe rằng Mỹ đã thay đổi cuộc chơi: rút lại chương trình kích cầu, có nghĩa là đồng tiền “dễ” không còn tự do bông lông ba la trên thị trường, lượng tiền mặt vơi dần, Mỹ lại muốn tăng giá đồng đô la của mình. Trước đây, để kích sức mua, nước này đã hạ lãi suất căn bản xuống quanh mức 0% thì nay họ muốn nâng lên dần. Nghe tin ấy, giá nhiều loại hàng hóa giảm mạnh. Đơn cử từ đầu năm đến giữa tháng 8-2015, giá cà phê trên sàn kỳ hạn Mỹ giảm 23% và giá trên sàn châu Âu rớt trên 12% tính trên lợi suất đầu tư.

Mới mươi bữa trước, chỉ trong vòng vài ngày, Trung Quốc lại quyết định phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), kéo theo nhiều nước phải hạ tỷ giá so với đồng đô la Mỹ để bảo vệ xuất khẩu cho nước mình. Việt Nam phải trở tay nhanh và Ngân hàng Nhà nước quyết định giãn biên độ giao dịch tỷ giá liên ngân hàng ±3%. Trước đây, 1 đô la Mỹ chỉ ăn bằng chừng trên 21.200 đồng thì chỉ sau một tuần lên trên 22.500 đồng!

Đây là đợt giãn biên độ giao dịch tỷ giá khá mạnh tay để “phòng ngự” đối với đồng NDT và các đồng tiền khác phá giá mức độ mạnh hơn. Đáng ra, tỷ giá tiền đồng rẻ hơn giúp giá hàng hóa vững hay cao hơn. Nhưng đáng tiếc, người ôm trữ hàng cà phê vẫn chịu vì giá nội địa không lên mà còn xuống thấp hơn khi phá giá tiền đồng.

Giới đầu cơ tin rằng đồng NDT còn trượt và sẽ kích các nước xuất khẩu nguyên liệu phá giá tiếp đồng bản tệ của mình. Đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa tại nhiều nước, họ đã sử dụng thuần thục các công cụ kinh doanh như mua hay bán trên các sàn kỳ hạn, bảo hiểm rủi ro tỷ giá và hàng hóa trên thị trường quyền chọn, nên họ không chăm chăm theo mặt hàng mà bằng mọi cách thiên biến vạn hóa để giữ được giá gốc cho hàng tồn kho của họ. Ta chỉ dừng ở đoạn kinh doanh “hàng” mà chưa tận dụng các công cụ “kinh doanh hàng hóa” nên rủi ro thua lỗ khi gom hàng là rất lớn nếu như có biến động tỷ giá. Trong tình thế hiện tại, biến động tỷ giá đang có lợi cho xuất khẩu nhưng các nhà xuất khẩu vẫn lúng túng chưa biết cách nào giải phóng hàng.

Tại nhiều nước, khi các nhà xuất khẩu đoán đồng bản tệ nước mình còn xuống nữa, họ sẵn sàng bán trước, bán đón để có giá bằng ngoại tệ cao hơn, một mặt nhờ tỷ giá rẻ sẽ giảm thua lỗ và nếu như mua lại, sẽ có cơ hội thu gom nhiều hàng hơn do đã bán được giá cao.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại trong nước đã có nhiều sản phẩm bảo vệ hàng hóa và tỷ giá, nhưng chẳng mấy nhà kinh doanh quan tâm sử dụng các công cụ này.

Các nước xuất khẩu nguyên liệu đang đua nhau phá giá sau khi đồng NDT bị phá giá mạnh, cuộc chiến tranh tiền tệ như mới được châm ngòi lại. Không tận dụng các công cụ kinh doanh và các biện pháp bảo hiểm trên thị trường tài chính phái sinh, chắc chắn kinh doanh hàng hóa xuất khẩu của nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, từ đó sẽ không đủ sức để khuyến khích người sản xuất riêng về mặt giá cả… Thiếu công cụ chống rủi ro, kinh doanh chưa thể gọi là đồng bộ và bền vững được.

>> Rủi ro về giá trong kinh doanh cà phê

Nguyễn Quang Bình, TBKTSG bản in số 35 ra ngày 27-8-2015

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng