Tồn kho cà phê và định hướng kinh doanh (ngày 26/07/2015)

Một trong những yếu tố để quyết định mua hay bán chính là định cho được lượng tồn kho. Tuy nói là “tồn” nhưng tồn kho cà phê hoạt động và thay đổi liên tục.

Biết được tồn kho, dù số liệu tồn kho chưa phải là yếu tố quyết định tất cả, cũng giúp nhà kinh doanh định hướng được đường dài khi ghép chung số liệu với các yếu tố khác. Sau đây, xin trưng dẫn số liệu tồn kho ngay khúc quanh quan trọng: Brazil vào mùa mới bắt đầu từ 1-7-2015.

Biểu đồ: Tồn kho cà phê châu Âu (nguồn: SocGen)
Biểu đồ: Tồn kho cà phê châu Âu (nguồn: SocGen)

Tồn kho các các nước tiêu thụ tăng (1)

Báo cáo định kỳ của Hiệp hội Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cập nhật số liệu mới nhất về tồn kho cà phê tại châu Âu do ECF quản lý cho rằng tính đến hết tháng 5-2015 đạt 12,11 triệu bao (60 kg x bao), tăng gần nửa triệu bao so với tháng trước đó. Thống kê trên chỉ được đo đếm tại các kho cảng nhưng không tính cà phê đang trung chuyển và còn nằm tại các cơ sở chế biến, số này thêm chừng 2 triệu bao nữa. Tổng lượng 14 triệu bao tồn kho tại Châu Âu tương đương với nhu cầu cần cho tiêu thụ tại châu lục này trong vòng 3 tháng rưỡi.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, Hiệp hội Cà phê Hạt nước này (Green Coffee Association – GCA) cho biết tính đến hết tháng 6-2015, tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ đạt trên 5,5 triệu bao, tăng gần 221.000 bao so với tháng 5-2015, chưa tính 2 triệu bao đang trung chuyển và nằm rải rác tại các cơ sở sản xuất. Đây là mức tồn kho của GCA cao nhất tính từ năm 2005 đến nay. Lượng tồn kho đủ cung cấp cho các nhà máy trong vòng 15 tuần mà không cần nhập khẩu.

Tại Nhật bản, tồn kho cà phê đến nay ước chừng 180.000 tấn.

Như vậy, chỉ trong ba khối nước tiêu thụ cà phê truyền thống, tổng tồn kho cà phê có chừng 1,5 triệu tấn, bằng sản lượng cà phê hàng năm của Việt Nam.

Trong khi đó, tồn kho cà phê đạt chuẩn trên sàn robusta Ice London (certs) cũng tiếp tục tăng dù vừa qua các hãng kinh doanh đã bán chuyền tay một lượng khá lớn với 68.340 tấn chỉ trong tháng này. Tính đến hết ngày 20-7, lượng cà phê đạt chuẩn (certs) robusta là 200.470 tấn, tương đương với 3,341 triệu bao, tăng 164% so với cách đấy 1 năm. Tính từ ngày 1 đến 23-7, đã có 13.800 tấn đưa về tập trung tại các kho cảng thuộc sàn và đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng, trong đó cà phê robusta Việt Nam chiếm 6.070 tấn. Tồn kho đạt chuẩn trên sàn arabica nay ước đạt gần 130.000 tấn.

Tồn kho đầu kỳ của Brazil giảm (2)

Một trong những công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil COMEXIM ước rằng tồn kho đầu kỳ niên vụ 2015-16 của nước này còn 5,1 triệu bao gồm 3,5 triệu bao trong kho tư nhân và 1,6 triệu kho nhà nước, giảm 7,2 triệu bao so với năm trước.

Nếu dựa trên số ước tồn kho này để tính tổng sản lượng cà phê Brazil niên vụ mới vừa bắt đầu từ 01-07, tính trên ước báo của USDA là 55 triệu bao nếu ai cho rằng sản lượng Brazil chừng 50 triệu bao; nếu lấy ước lượng của chính phủ Brazil, ta sẽ có 48,5 triệu bao.

Nhu cầu cà phê của Brazil theo con số 2014-15 là 36,5 triệu cho xuất khẩu và 20,3 triệu cho tiêu thụ nội địa, cứ lấy tròn con số là 57 triệu bao. Như vậy, ai theo USDA sẽ không lo thiếu, ai theo ước báo chính phủ Brazil, sẽ thiếu chừng 8,5 triệu bao tính riêng cho Brazil.

Xuất khẩu nhiều, tồn kho cạn, đó là chuyện thực tế không thể chối cãi. Vấn đề hiện nay là tùy theo tính toán của từng doanh nghiệp, từng người để có kịch bản chính cho mình.

Những câu hỏi cần đặt ra ở đây là khi tồn kho Brazil giảm, các nước khác có thể bù đắp được không? Indonesia, Ấn độ, Colombia, Honduras…có được mùa thật không, Trung quốc tham gia xuất khẩu dự kiến thấp nhất chừng 100.000 tấn ra thị trường có đúng không, cộng với tồn kho chưa bán của Việt Nam vụ cũ cộng với hàng vụ mới 2015-16 sẽ ra từ ngày 1-10-2015 là bao nhiêu…? Trả lời những câu hỏi này giúp chính mình kinh doanh và có kế hoạch tốt hơn.

Song, điều đáng lo nhất cho giá cà phê hiện nay là một đồng đô la mạnh “trấn áp” các đồng tiền khác của các nước xuất khẩu cà phê.

Chắc chắn sẽ có nhiều nguồn tin khác như hạn hán, sương giá, bão lũ…để tạo sóng từ các nhà đầu cơ lớn vừa hàng thực vừa hàng giấy như trong niên vụ này đã có những thông tin sai lệch từ các tay đầu cơ có chủ đích gây thiệt hại cho người nhẹ dạ cả tin để trữ hàng.

Hãy kiểm tra thật kỹ nguồn tin để có phản ứng kịp thời. Tìm cách bảo hiểm giá hàng hóa để khỏi theo thị trường hàng ngày và rủi ro về tỷ giá có thể làm hạn chế kim ngạch xuất nhập khẩu và thua lỗ cho chính mình và doanh nghiệp.

(1) và (2) Nguyễn Quang Bình, trong bài “Lo ngại cà phê phải đối mặt với giá thấp”, TBKTSG online, ngày 25-7-2015  

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81