Thế giới chưa hết lo khủng hoảng nợ Hy Lạp, đến ngại Mỹ tăng lãi suất

Đã 5 năm, Liên Minh châu Âu với tư cách là một hệ thống kinh tế-chính trị vững chãi cố tìm mọi cách để cứu gỡ trường hợp Hy Lạp. Phải nói rằng khi sử dụng đồng tiền euro, nhân dân Hy Lạp đã thực sự quen hít thở bầu không khí chung của khối sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone).

Nên dễ gì một sớm một chiều mà bỏ đi được. Chuyện “Grexit” khác xa lắm với “Brexit” (từ ám chỉ Vương Quốc Anh rời khỏi EU) vì đảo quốc sương mù có “hơi thở” riêng, “hệ tuần hoàn” riêng là đồng bảng Anh.

Đúng là trong vòng 5 năm, các chủ nợ đã bơm vốn nhiều lần cho Hy Lạp vay 240 tỉ euro để cứu nước này khỏi khốn khó. Tiền bạc, công lao và sức lực ngần ấy to lắm nên “Grexit”, trong tiếng Anh và Pháp ám chỉ chuyện Hy Lạp rời khỏi eurozone, chẳng qua chỉ là một lời dọa hờn…rồi thế nào các bên cũng tìm cách hỗ trợ nhau, nhưng không giúp nhau vô điều kiện, mà rất “tây”. Bao lâu các nhà lãnh đạo châu Âu không bóc trần toàn bộ khả năng trả nợ các khoản vay to đùng tưởng như mấy đời không trả được của Hy Lạp, khó mà có cái búng tay chấp nhận Grexit.

Giới ngân hàng có câu nhắc nhau rằng nếu ai nợ ngân hàng vài ngàn đồng, khi có chuyện xảy ra, người vay vẫn là con nợ, nhưng khi vay được bạc triệu, lỡ có chuyện gì, chủ nợ không khéo trở thành con nợ…liệu có đúng trong trường hợp này chăng?

Trong 240 tỉ euro cứu trợ cho Hy Lạp, các chủ nợ toàn là “người anh em” trong đó có Đức đóng góp 57,2 tỉ, Pháp 43 tỉ, Italia 38 tỉ và Tây Ban Nha 25 tỉ euro. Đó là chưa tính các nước này phải đóng góp các khoản vay mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dành cho Hy Lạp, tương ứng với hạn ngạch đóng góp của mỗi nước trong quỹ này!

Một điều đúng là thú vị khi nhân dân Hy Lạp nói “không” với các chủ nợ về các áp đặt thắt lưng buộc bụng trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7 vừa qua, thị trường tài chính thế giới ngay sau đó chỉ như chếnh choáng đôi chút. Đến nay, thỏa thuận hai bên chủ nợ và con nợ đã đạt được, Hy Lạp chấp nhận thắt lưng buộc bụng và chủ nợ sẵn sàng bơm vốn thêm trên 80 tỉ euro trong vòng 5 năm tới. Tình hình như đã được khống chế.

Thế giới đã từng lo sợ khủng hoảng nợ Hy Lạp sẽ tạo nên hiệu ứng “domino” lan tỏa không chỉ ở trong eurozone mà còn nhiều khu vực, lãnh vực khác. Trong cái rủi có cái may: khủng hoảng tài chính eurozone cách nay 6 năm làm nhiều nhà kỹ trị khối kinh tế này buộc phải tìm ra các cơ chế và biện pháp quản lý chặt chẽ, theo dõi tối đa “sở hữu chéo” trong hệ thống tài chính-ngân hàng, là một trong những nguồn gốc lây lan bệnh nhẹ bệnh nặng. Nghe nói rằng từ 6 năm nay không lúc nào các nhà quản lý quỹ đầu tư không tìm cách “giạt” dần vốn mình trước đã lỡ “cáp” với Hy Lạp, các hãng bảo hiểm phải tuân thủ nghiêm ngặt như một đạo luật không để rủi ro dính nợ với Hy Lạp bằng mọi con đường. Nên khi nhân dân Hy Lạp nói “không” ủng hộ các áp đặt của các chủ nợ, thì nhiều doanh nghiệp cũng báo mình “không” dính dây với nợ Hy Lạp. Nếu có lây lan chăng, trong hệ thống ngân hàng với một số quan hệ đan xen không thể tránh.

Có lẽ vì vậy mà ta thấy một số nhà lãnh đạo của các nước chủ nợ hết sức bình tĩnh và kiên trì với “thời cuộc”.

Không như đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, vì trong vòng chưa đầy một tháng, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải mất gần 30% và đi đời 3.200 tỉ đô la Mỹ…làm cả thế giới phải sốt vó, Hy Lạp sau ngày trưng cầu dân ý, dù kết quả nghịch ngẳng, hầu như không làm cho thị trường tài chính thế giới “hoảng” như nhiều người tưởng. Ngay cả đồng euro có giảm so với đồng đô la Mỹ cũng chỉ chớm xuống quá mức 1 euro 1,10 đô la Mỹ rồi lại vực dậy. Một số người cho rằng do nền kinh tế Hy Lạp nhỏ tí beo, như một giọt nước trong đại dương đối với cả nền kinh tế to lớn của eurozone.

Cái bài học hay nhất của đợt khủng hoảng Hy Lạp hiện nay là eurozone đã biết dè chừng, ngăn chặn tích cực và kịp thời các rủi ro lây lan do vỡ nợ (nếu có) Hy Lạp gây nên. Đến nỗi hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho rằng “các hãng bảo hiểm châu Âu đã cắt ngăn các rủi ro có thể có đối với con nợ và các ngân hàng Hy Lạp, bây giờ nếu có mất mác thua lỗ gì có liên quan đến ‘xù nợ’ thì cũng chỉ ở mức tối thiểu”.

Biết là thế, nhưng một nhà phân tích tài chính cho rằng giả sử Hy Lạp vỡ nợ thật, dù khả năng này đến nay rất khó xảy ra, các hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp…không dính đòn, thì ai gánh? Người đóng thuế các nước eurozone chứ ai vào đó nữa. Ai cũng biết câu trả lời là thế, nhưng ý thức sử dụng vốn vay không phải ai, nước nào cũng như nhau.

Chưa xong chuyện Hy Lạp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tỏ ý muốn tăng nhẹ lãi suất cơ bản vào cuối năm nay. Tin ấy đã làm cho giá vàng giảm mạnh, đồng USD tăng giá, và liệu các nước xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu lại phải dính đòn vì sợ giá giảm, nhất là giá nông sản?

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen ngày 15-7 cho biết Fed dự định sẽ tăng nhẹ lãi suất trong năm nay nếu thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện và lạm phát tăng gần mức 2%.

Sau khi Chủ tịch Fed Yellen phát đi tín hiệu cho thấy khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay, gây áp lực nặng nề lên vàng, khiến giá vàng giảm mạnh về mức đáy trong 8 tháng qua.

Lãi suất cao là yếu tố tiêu cực đối với vàng. Những tuyên bố lạc quan của bà Yellen đã giúp đô la Mỹ tăng 0,6% so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ ngày 15-7 và tạo áp lực giảm giá vàng. Bên cạnh đó, giá vàng cũng chịu áp lực giảm do cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp dần ổn định khi chính phủ nước này đồng ý các điều kiện khắc khổ của nhóm chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ thứ 3. Theo đó, Ngân hàng trung ương châu Âu có thể sẽ nới rộng các khoản vay, giúp các ngân hàng Hy Lạp mở cửa trở lại và khơi thông cứu trợ tài chính trong ngắn hạn, những yếu tố sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng với vai trò tài sản trú ẩn an toàn.

Đóng cửa giao dịch ngày 15-7 tại thị trường Mỹ, giá vàng giao tháng 8-2015 giảm 6,1 đô la Mỹ/ounce so với ngày trước đó, tương đương 0,5%, xuống còn 1.147,4 đô la Mỹ/ounce. Đây là phiên giảm giá thứ năm liên tiếp, đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11-2014.

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng