Hy Lạp nói KHÔNG với các yêu cầu của chủ nợ (06-07-2015)

Nhân dân Hy Lạp hôm qua đã nói KHÔNG trong cuộc bầu cử trưng cầu dân ý (TCDY) với các điều kiện cứu trợ và cự tuyệt với các yêu cầu của các chủ nợ là Ngân Hàng Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tê (IMF) và Liên Minh châu Âu (EU).

Phát biểu trên sóng truyền hình ngay khi có kết quả, thủ tướng Alexis Tsipras nói rằng dựa trên kết quả này ông sẽ tiến hành thương thảo ngay với các chủ nợ.

Kết quả bỏ phiếu cuối cùng cho thấy 61% số phiếu ủng hộ Thủ tướng Tsipras qua đó từ chối cắt giảm chi tiêu hơn nữa. Cuộc trưng cầu dân ý chưa từng có tiền lệ này cũng đẩy Hy Lạp đến bên bờ sụp đổ về tài chính.

Tsipras miêu tả kết quả này là “chiến thắng vĩ đại”, đồng thời cho rằng người dân Athens sẽ quay trở lại bàn đàm phán vào hôm nay với vị thế mạnh mẽ hơn.

Đồng euro giảm giá ở châu Á, trong khi những người ủng hộ Tsipras tụ tập ở quảng trường Syntagma ở trung tâm của Athens với rừng quốc kỳ Hy Lạp. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 7/7 tới.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý khiến giờ đây tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào bà Merkel và các chủ nợ khác của Hy Lạp – những người phải quyết định có cứu trợ tiếp cho đất nước nặng nợ nhất của khu vực hay không. Kết quả trên cũng khiến khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone tăng vọt trong bối cảnh các ngân hàng của nước này đã cạn kiệt tiền mặt và nền kinh tế trong trạng thái tồi tệ.

Hôm nay NHTW châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp bàn về việc tung ra phao cứu trợ mới cho các ngân hàng Hy Lạp. Hệ thống này đã đóng cửa suốt tuần trước, sau khi Tsipras triển khai các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn dòng vốn tháo chạy.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Hy Lạp. Tôi tin rằng ECB nhận thức được đầy đủ về khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp”, Tsipras nói.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời một quan chức châu Âu cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu không hề sẵn sàng thỏa hiệp. trước tiên họ muốn đợi xem Tsipras sẽ đưa ra lời đề nghị như thế nào để giữ Hy Lạp ở lại eurozone.

Giờ đây câu hỏi là liệu họ có thể đàm phán được với một chính phủ đã từ chối các điều kiện mà họ đưa ra hay không. Bồ Đào Nha và Ireland đã chấp nhận các biện pháp tương tự và có thể thoát ra khỏi khủng hoảng nhờ các chương trình cứu trợ.

Tsipras và đảng Syriza đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra từ tháng 1 và lên cầm quyền. 5 tháng tiếp theo là những cuộc đàm phán gay gắt và triển vọng về một thỏa thuận bỗng chốc tan vỡ khi Hy Lạp kêu gọi trưng cầu dân ý.

Cầm trong tay lá cờ có hai màu xanh trắng, John Govesis (26 tuổi) cho biết anh và cả gia đình đã chọn nói không với thắt lưng buộc bụng. “Tôi thích tự do và không cần đến những đồng tiền đến từ châu Âu. Đây là cách duy nhất để tiến lên. Hôm nay tôi có việc làm nhưng có thể ngày mai sẽ thất nghiệp”, anh nói.

Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ xóa sạch những gì đã đạt được sau 4 thập kỷ hòa nhập với kinh tế châu Âu. Nền kinh tế nước này đã suy giảm 25% trong 6 năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong eurozone.

Các ngân hàng Hy Lạp sẽ khó có thể mở cửa trở lại nếu như không nhận được trợ giúp mới từ ECB, trong khi các nhà nhập khẩu lo ngại về khả năng thanh toán và người già có thể không nhận được tiền lương hưu.

Phạm Kỳ Anh (tổng hợp báo chí trong và ngoài nước)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Hoàng Quỳnh

      Hy Lạp trong EU giống như nhọt độc trong cơ thể. Chữa lâu không khỏi, cắt đi tuy đau nhưng sẽ liền sẹo, cơ thể khỏe mạnh.
      Cà phê sẽ lên 50, ai bán rồi nhất định sẽ tiếc.

  1. Đông ky sốt

    Và tóm lại bà con nào còn hàng bán hết đi thôi, lãi + mốc + hao hụt, thua keo này rồi bà con ơi càng cố càng kiệt thôi. Vốn dĩ giá cà phê không nằm trong tầm tay của người nông dân chúng ta và các đại lý rồi. Giá không theo cung cầu hay hàng thực mà nằm ở trong tay các nhà đầu cơ. Bán đi cắt lỗ còn lo trang trải nợ nần, trữ cà phê “tổn thọ” lắm ạ. Em ngày ngày nhìn đống cà cả chục tấn mà suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất. Thôi đắt rẻ gì em tuần này cũng bán. Lo đầu tư công sức chăm sóc cho vườn nó tốt, nghiên cứu tìm cây kết hợp xen canh với cà phê kiếm thêm chút đỉnh coi như bù vào những lúc bán phải giá thấp bà con ạ. Cuộc sống chả bao lâu lo toan tính toán những thứ mình chủ động được có lẽ tốt hơn chứ giá cà phê thì…mình chỉ như khán giả vậy thôi ạ, cổ vũ có nhiệt tình thì Việt Nam vẫn thua Thái Lan thôi bà con ạ.

    1. caphenghot

      Mình thích ý kiến của @Đông ky sốt cứ ” cân nhắc giá bằng lòng ” chứ dừng đánh nhau với cối xay gió

  2. hoangmanh

    Giá cà khó có thể lên khi san robusta lại ở London Anh đó là khu vực châu Âu, khi Hylap khủng hoảng kinh tế ai còn cà nếu mà lên 38 thi bán đi. Tôi đồng quan điểm với bạn Đông ky sốt. cà lên 50 chỉ là trong mơ mà thôi, chúc bà con trong tuần này khi cà có lên thì đưa ra quyết định đúng đắn

  3. k duông

    đã lỡ rồi cho lỡ luôn, giống như đã bị lũ cuốn trôi thì bám được cái gì cứ bám, còn hơn là buông suôi cuộc đời cho lũ cuốn đi à. Cà phê cũng vậy thôi, nếu đã lỡ rồi thì cho lỡ, Chấp nhận mang sổ đỏ ra ngân hàng vay ít tiền để đủ trang trải trong cuộc sống. Cái gì rẻ lắm thì sẽ đắt lại thôi. Vì khi rẻ thì tiền đầu tư và công sức bỏ ra không đủ bù đắp nên mọi người sẽ tìm cách phá đi trồng cây khác có lợi nhuận cao hơn. Theo tôi chúng ta không nên làm ăn theo kiểu trứng bỏ một giỏ lỡ thì bể hết, Chúng ta có thể trồng xen bơ, hồ tiêu vào vườn cà phê, trong lúc cà phê rẻ ta có hồ tiêu và bơ bán lấy tiền chi tiêu, ngược lại nếu tiêu và bơ rẻ ta bán cà phê lấy tiền chi tiêu. Một số ý kiến vậy thôi. hi

Tin đã đăng