(29-06-2015) Hy Lạp hạn chế rút tiền mặt vì sợ mất kiểm soát tiền tệ

Hôm nay 28-6 Hy Lạp quyết định đóng cửa toàn bộ ngân hàng và thực hiện biện pháp kiểm soát vốn nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng trong hệ thống tài chính của nước này, làm viễn cảnh nước này phải rời khỏi khu vực đồng euro ngày càng rõ nét.

Sau thất bại cuối tuần trước trong cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính giữa Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ nước ngoài, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ngưng cấp ngân sách hỗ trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, đẩy Athens vào tình thế không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa hệ thống ngân hàng để giữ các ngân hàng khỏi bị sụp đổ.

Một quan chức Hy Lạp cho biết sau cuộc họp nội các vào đêm qua rằng các ngân hàng sẽ phải đóng cửa và thị trường chứng khoán phải ngừng hoạt động, ít nhất là đến ngày 6-7, sau khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ.

Chính phủ Hy Lạp chỉ cho phép người dân rút 60 euro tiền mặt/ngày từ các máy rút tiền. Thời gian hạn chế rút tiền chưa biết chấm dứt lúc nào. Kinh nghiệm tại Cyprus, nước đã áp đặt các biện pháp tương tự vào năm 2013, phải đến tháng 4-2015 chính phủ nước này mới dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát vốn.

“Càng bình tĩnh giải quyết những khó khăn, chúng ta sẽ càng sớm vượt qua được những khó khăn này và hệ quả sẽ càng được giảm nhẹ”, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói trên đài truyền hình Hy Lạp. Ông cam kết các khoản tiền gửi tại ngân hàng sẽ an toàn và lương sẽ được trả đủ.

Không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ đẩy Hy Lạp rơi vào tình trạng vỡ nợ 1,6 tỷ euro (1, 76 tỷ USD) vốn vay từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đến hạn phải trả vào ngày 30-6. Athens cũng sẽ phải trả hàng tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu trong những tháng tới. Tình thế này đã đẩy Hy Lạp vào thế phải rời khỏi eurozone. Đến nay, chưa ai dám lưởng mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng Hy Lạp nếu như nước này rời eurozone đối với hệ thống tài chính toàn cầu và hệ lụy theo sau như giá hàng hóa.

Nhiều vị lãnh đạo châu Âu của Hy Lạp đã đổ lỗi trực tiếp cho Thủ tướng Hy Lạp Tsipras gây ra cuộc khủng hoảng. Các chủ nợ muốn Hy Lạp cắt giảm các khoản tiền trợ cấp và tăng thuế, nhưng ông Tsipras cho rằng nếu làm vậy sẽ kinh tế Hy Lạp càng tồi tệ và khủng hoảng không dứt, hơn nữa Hy Lạp hiện có ¼ lực lượng lao động bị thất nghiệp.

Sớm ngày 27-6, ông Tsipras đã bất ngờ bác bỏ những yêu cầu của các chủ nợ và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ. Sau khi công bố trưng cầu dân ý, ông Tsipras đã đề nghị gia hạn gói cứu trợ hiện tại dành cho Hy Lạp cho đến sau ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý là ngày 5-7. Tuy nhiên, các quan chức eurozone đã từ chối đề nghị này.

Bất chấp những quan điểm cứng rắn giữa những bên liên quan, các quan chức toàn châu Âu và Mỹ đã liên tục kêu gọi và tổ chức các cuộc họp nhằm cứu vãn tình hình.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong khi đó các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, đã hối thúc châu Âu và IMF cùng đưa ra kế hoạch để giữ vững đồng euro và giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro. Các chính phủ Đức và Pháp yêu cầu họp  khẩn cấp.

Các nhà lãnh đạo các nước châu Á cũng đang theo dõi diễn tiến sự việc chặt chẽ, mặc dù những hiệu ứng lan tỏa tại khu vực này hiện vẫn ở mức độ hạn chế.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã thảo luận về phản ứng của thị trường trong các phiên họp ngày 29-6, trong khi người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, chính phủ nước này đang hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản về tình hình khủng hoảng.

Trước những đồn đoán về hoạt động kiểm soát vốn trong vòng hai tuần qua, người dân Hy Lạp đã rút hàng tỷ euro ra khỏi các tài khoản của mình. Tại các siêu thị, dòng người nối đuôi mua hàng và các trước các ngân hàng nhiều đám đông tụ tập để mong rút tiền ra.

Công ty lọc dầu hàng đầu của Hy Lạp, Hellenic Petroleum, cho biết, công ty này có đủ dự trữ năng lượng cung cấp trong nhiều tháng nhưng người Hy Lạp vẫn xếp hàng dài để mua xăng dầu tích trữ.

Ngành du lịch Hy Lạp, vốn chiếm gần một phần năm nguồn thu của nền kinh tế Hy Lạp, đã khuyến cáo khách du lịch nên mang theo thêm tiền mặt nhưng các khách du lịch vẫn không khỏi bị sốc khi không thể rút tiền mặt từ các máy rút tiền tự động. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp khẳng định, việc rút tiền hạn chế với 60 euro một ngày sẽ không áp dụng với những người sử dụng thẻ tín dụng nước ngoài hay các loại thẻ ghi nợ.

Quan Di Sơn, theo Reuters

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng