Đồng USD tăng ăn thâm vào giá cà phê khá nhiều, tạo thêm hình ảnh tiêu cực cho giá cà phê, kể cả nước sản xuất lẫn nông dân trồng cà phê.
Ngân hàng thế giới (WB) hôm qua phát hành báo cáo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thật là một cú sét đánh ngang tai. WB hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống mức 2,8%, là mức rất thấp.
Lực tăng trưởng hiện nay có nhiều điều cần bàn. Nếu như trước đây, các nước mới nổi là lực kéo chính thì nay nó trở thành lực trì. Tăng trưởng của hai nước Mỹ và Anh đang cố kéo kinh tế thế giới tăng nhưng bị lực cản từ các nước mới nổi.
Thật vậy, trong nhóm BRIC, chỉ có Ấn độ tăng trưởng 7,5%, còn Brazil bị “tam tai” gồm khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế và lạm phát. Nga thì lúng túng với trừng phạt của phương Tây, giá dầu thô, món hàng xuất khẩu chính của Nga, bị giảm giá mạnh. Trung quốc thì cố tình giảm đà tăng nóng để quay về tăng trưởng bền vững.
Nhưng khi Trung quốc cố tình chậm lại, thì các nước xuất khẩu nguyên liệu lại bị dính đòn vì hàng hoá không ai mua. Chứng minh cho điều này, Trung quốc tiêu thụ dầu thô và năng lượng ở mức thấp nhất tính từ 1997 đến nay.
Trên tờ La Tribune hôm qua nói rằng dù phát triển hay đang phát triển tất cả các nước đều phải chuẩn bị “thắt nịt an toàn” cho những tháng tới vì WB đang lo một đợt chỉnh giá xuống của nhiều hàng hóa nguyên liệu và nâng lãi suất ngân hàng của Mỹ.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ra hôm qua cho biết thế giới vẫn thiếu hụt cà phê ngay trong niên vụ này vì chỉ đạt 141,9 triệu bao trong niên vụ 2014-15, giảm 3,9 triệu bao so với nhu cần tiêu thụ.
Báo cáo nói: “Chúng tôi vẫn tin rằng niên vụ 2014-15 này thế giới vẫn thiếu 8 triệu bao dù hàng tồn trữ cà phê tại Việt Nam vẫn còn lớn ”.
Tháng trước Volcafe ước thế giới thiếu hụt chừng 6,4 triệu bao, giảm 2,5 triệu bao trong niên vụ này.
ICO nói do Việt Nam xuất khẩu giảm, thống kê chính thức của Việt Nam báo trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê giảm 40% thì do “xuất khẩu ít, một lượng cà phê lớn đang còn nằm trong nước,” báo cáo ICO khẳng định.
Một nguồn tin đến trễ từ thị trường cho biết tuần trước rang xay bất ngờ mua một đợt khá nhiều hàng cùng lúc với các quỹ đầu cơ mua thanh lý các lô bán khống. Rút kinh nghiệm sợ đầu cơ đẩy mua mạnh làm giá tăng cao, rang xay đã cùng ra tay nhờ vậy giá bấy giờ có phần cứng hơn. Tại nhiều nước sản xuất arabica, giá bán ra thấp hơn giá thành nên đấy cũng là cơ hội cho rang xay mua vào.
Ủy hội Xuất Khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) ước trong tháng 5-2015 nước này xuất khẩu được 2,784 triệu bao cà phê, giảm 7,7% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, nhìn góc độ khối lượng, xuất khẩu robusta tăng mạnh, đạt 404.561 bao tăng 89%, arabica giảm 16,6% đạt 2,091 triệu bao, cà phê rang xay chỉ 1.538 bao, giảm 14,25 và cà phê hòa tan đạt 286.894 bao, giảm 2%. Như vậy, trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5-2015, Brazil xuất khẩu đạt 36,697 triệu bao, tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2014.
Tồn kho cà phê tại Nhật tính đến hết tháng 4-2015 tăng thêm 803 tấn, đạt 178.431 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014 là 179.037 tấn (-0,34%)
Dự kiến sàn robusta Ice Europe mở cửa chiều 12-6 từ không đổi đến giảm nhẹ.
Khuynh hướng chung:
- Arabica: Trung tính
- Robusta: Trung tính
Nguyễn Quang Bình
Mình nghĩ qua phiên hôm qua, xu hướng giảm đà bắt đầu rồi. Giờ chỉ nên đầu cơ giá xuống thôi. Lại khổ cái đại lý và nông dân rồi. Chạy đôn chạy đáo kiếm hàng gửi vào kho.
Mình có bao nhiêu hàng gởi chốt giá tháng nào? ứng bao nhiêu tiền, stoploss nằm ở đâu? “nhà cái” đều biết… trừ khi nhà cái muốn làm từ thiện?