Liệu hướng tích cực còn tiếp tục trên sàn cà phê? Đó là câu hỏi nóng lòng của nhiều người đang chờ trả lời.
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn quay đầu giảm nhẹ vào ngày 5-6-2015 đúng dịp cuối tuần. Đó là ngày thứ 8 có giá giảm nhẹ sau 7 ngày liên tiếp có giá tăng. Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu 5-6, giá kỳ hạn robusta IE âm 8 USD về mức 1728 USD/tấn, nhưng cả tuần tăng 96 USD/tấn. Sàn arabica IU qua một tuần cũng tăng từ 126.15 cts/lb lên 135.10 cts/lb, tương đương với 197 USD/tấn.
Nếu đứng trên góc độ bình luận từng ngày, giá giao dịch trên 2 sàn cà phê ngày cuối tuần qua 5-6 giảm được cho là do giá kỳ hạn các sàn nông sản rớt theo khuynh hướng chung. Trong 9 sàn nông sản, ngày cuối tuần chỉ có 2 sàn là ca cao và thịt heo có giá tăng, còn 7 sàn khác đều có giá giảm trong đó có sàn cà phê. Lý do: chỉ số đồng USDX tăng mạnh lại, dương 0.868 điểm đạt mức 96.361 điểm để đồng Real Brazil (BRL) xuống mức 1 USD ăn 3,17 BRL và đồng Euro mất giá 1 Euro ăn 1,11 USD.
Người ngồi trên sàn cho biết rằng khi giá hạ, một số hợp đồng bán giao kho từ Việt Nam được đưa ra chốt giá. Đây là hiện tượng lạ đối với họ vì bình thường hàng Việt Nam chờ giá rất kiên trì mà trên các bản tin hiện nay thường sử dụng từ “kháng giá”.
Hầu như thông tin cuối tuần chẳng màng đến chuyện dự báo sản lượng Brazil, Việt Nam hay các nước nữa. Chuyện sản lượng to hay nhỏ nay đã qua và không là yếu tố “làm giá” cho tuần rồi. Cái quan tâm nhất hiện nay của thị trường là các quỹ đầu cơ trên sàn kỳ hạn arabica mua bù các lô bán khống đã được bao nhiêu, nhiều hay ít, và đó sẽ quyết định hướng giá cho những ngày tới.
Dĩ nhiên nhiều người tin là có giảm “chắc”, nhưng bao nhiêu thì nhiều người chưa có con số cụ thể trong tay. Tuy nhiên, khi có con số cụ thể rồi, phải đoán liệu họ có bán khống lại không? Hay tiếp tục mua bù?
Bây giờ mới “lòi” ra cái chuyện mua bán khống trên sàn dính dáng đến con số sản lượng to hay nhỏ. Khi mua bù khống đủ túc số theo tính toán của họ rồi, nếu như “ngựa quay lại đường cũ” tức bán khống, tức ta tạm hiểu họ báo rằng họ không tin Brazil và các nước sản xuất mất mùa. Nếu mất mùa thật, chẳng dại gì họ bán khống để thua lỗ mà mua tiếp, thậm chí chuyển từ vị thế bán khống sang vị thế mua khống mạnh để đầu cơ giá cao.
Vai trò làm giá của các quỹ đầu cơ ở thời điểm hiện nay trên các sàn kỳ hạn cà phê rất lớn, lấn lướt cả các hãng rang xay và hệ thống bán lẻ cà phê trên thế giới. Hầu như trong đợt giảm trước đây, nhiều người trong ngành công nghiệp và dây chuyền bán lẻ cà phê như bất động. Một mặt do hàng tồn kho giá cao năm ngoái còn nhiều đến nay chưa xài hết. Nhiều hãng rang xay cà phê phải chịu “điều tiếng” do người tiêu thụ trách sao giá nguyên liệu cà phê xuống nhưng giá bán lẻ vẫn ở mức cao, im re không nói một lời!
Nhiều hãng rang xay như JM Smucker và nhiều công ty khác đành hứa sẽ “bù giá” sau khi tồn kho giá cao giảm mức độ nào đó. Nói vậy tức là các hãng rang xay lớn vẫn chưa thể mua vì “kẹt”.
Trên sàn kỳ hạn robusta, những ngày cuối tuần qua như thiếu sức mua nhưng thừa sức bán. Nói cho công bằng giá sàn này chỉ tăng nhờ sàn arabica “hà hơi tiếp sức”.
Vậy, khuynh hướng giá 2 sàn kỳ hạn tuần tới đây lại phải tùy thuộc vào thái độ của các quỹ đầu cơ: họ đã bù được bao nhiêu, liệu quay sang bán khống lại để đoán hướng giá.
Nếu đứng tại thời điểm này dựa trên biểu đồ mà nói, giá hai sàn vẫn còn tích cực, nhưng sàn arabica có nhỉnh hơn.
Trên sàn robusta, làm sao để đứng thật vững trên mức 1750 USD/tấn để có cơ sở tăng lên mức kỳ vọng 1800, nếu dưới mức quan trọng 1750, sẽ nhiều khả năng quay về 1700.
Trên sàn arabica, giá dứt khoát phải nằm trên 133 cts/lb để làm đà vượt qua 138 lên 143. Nếu không được như vậy, dễ phải phiền về lại 127, thậm chí còn thấp hơn.
Nguyễn Quang Bình
thái độ của các quỹ đầu cơ: họ đã bù được bao nhiêu, liệu quay sang bán khống lại để đoán hướng giá. chỗ này em không hiểu xin anh giải thích thêm
Tức là các quỹ đầu cơ muốn tiếp tục bán khống nữa hay mua để thanh lý các hợp đồng đã bán khống, cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích của họ, túi tiền của họ, cách chơi của họ.
Tại sao giá cà phê cứ nằm ở mức thấp như vậy, lúc lên thì chậm và lại tụt cơ chứ. Trong khi 40k/kg là vẫn chưa đủ để trả lại số tiền đầu tư vào và công sức bỏ ra. Vậy mà giá cà phê đến nay vẫn nằm dưới mức đó. Chỉ đến lúc giá lên tới 50k/kg thì người nông dân mới bớt khổ!