Đồng hồ thời điểm cú nhảy bất ngờ
Bất ngờ xảy ra thế nào tại sàn kỳ hạn arabica New York:
15:00 131.70 mở cửa
15:30 132.35
16:35 132.25
16:36 132.40
16:39 133.95
16:41 136,45
21:04 132.10
00:29 134.00 giao dịch cuối / chưa chỉnh giá đóng cửa
Chuyên gia nói gì trước khi hai sàn cà phê mở cửa
Trước giờ mở cửa ngày thứ Sáu 8-5-2015, tức cái ngày có đợt giá tăng mạnh đầy nghi ngờ ấy, nhà phân tích Jack Scoville của hãng IF (Mỹ) vẫn còn nhận định: “Tuy giá đóng cửa ngày hôm qua thứ Năm 7-5 hồi phục nhẹ, thị trường chẳng có bao nhiêu tin mới và nhìn chung chẳng mua bán gì nhiều. Các ý tưởng và ước báo về Brazil được mùa năm nay gây sức ép trên sàn kỳ hạn New York, còn trên sàn London nặng với tin nói đơn chào hàng robusta từ các nước xuất khẩu châu Á đã xuất hiện”.
Sau đó ông nói tiếp: “Nhìn theo biểu đồ kỹ thuật, khuynh hướng còn xuống, và New York có khả năng xuống dưới 100 cts/lb nếu như dự báo sản lượng Brazil là đúng và đồng Real Brazil (BRL) giữ mức yếu”.
Thế mà dự đoán của một tay phân tích kỳ cựu cả thế giới ai cũng biết tên đã không đúng với những điều xảy ra trên sàn. Đồng BRL tự nhiên mở cửa tăng mạnh so với USD. Chỉ trong ngày 8-5, USD mất giá đến 1,66% so với BRL. Giá bỗng leo nhanh như “người nhện”, vượt tường cao như đồng hồ treo ở đầu bài. Nói cho công bằng nếu chỉ dựa vào những gì xảy ra trong ngày để nói rằng Jack sai, quả khá oan, vì đấy là một dự đoán dành cho người kinh doanh đường dài hơn. Jack sai nhưng cú nhảy của thị trường có thể nói đã hóa giải được một số “uẩn khúc” trên biểu đồ.
Người trong và ngoài sàn trở tay không kịp
Tuy nhiên, cái đáng suy nghĩ của người tham gia trên cả hai thị trường kỳ hạn ở New York cho arabica và London cho robusta là trong mấy phút tăng mạnh ấy, lượng hợp đồng giao dịch rất ít, người trên sàn muốn bán cũng không kịp lúc tăng cực điểm. Nhưng khi giá hết căng chùng xuống, lạ rằng sức bán vẫn không nhiều.
Điều này chứng tỏ sự cố xảy ra quá bất ngờ. Nhiều người bán cà phê xuất khẩu theo hợp đồng chênh lệch trừ lùi/cộng tới (differential) báo rằng họ không thể chốt kịp để thoát bớt. Người trên sàn hồ nghi và cho rằng hay một ai đó cố ý tạo nên sự cố ấy để thanh lý những tồn đọng về vị thế trên hai sàn cà phê? Nói đến vị thế, tức là tài chính, là trao tay đổi chủ các hợp đồng với nhau một cách kín kẽ, dù giá nhảy nhưng bên ngoài ít ai được chia sẻ phần mình muốn giữ, hay khớp lệnh trên sàn.
Điều này lại khẳng định rằng nhà phân tích đúng vì cũng trong ngày hôm ấy, Jack bình luận rằng “nhu cầu mua trên thế giới vẫn còn lẻ tẻ, nhà kinh doanh chỉ giao dịch cầm chừng, chỉ đi chợ khi cần mua mà thôi”.
Như vậy, có thể nói giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước nằm gọn trong tay đầu cơ, hành động u u minh minh. Ngay các hãng kinh doanh lớn có vốn hàng trăm triệu USD cũng dáo dác mắt không biết chuyện gì xảy ra, thì buồn làm chi khi một đại lý hay một nông dân cà phê tại một nước xa xôi nào đó biết được?
Đầu cơ trên sàn lời chỗ nào?
Nhìn vào giá trên sàn kỳ hạn arabica (vì ảnh hưởng đến robusta khá nhiều dù robusta đến nay giá chưa phải là tồi nếu so với arabica), tính đến 8-5, ai ôm cà phê, ai trữ mặt hàng này trong kho và trên sàn, đều phải chịu thua lỗ vì lợi suất trên sàn cà phê tính từ một năm đổ lại đây giảm gần 21%. Ở đây, cũng cần xác định lại vị thế của một số người trong chúng ta bán hàng đưa vào kho chưa chốt giá, họ nói “tôi bán rồi cơ mà! Chuyện treo trên sàn là chuyện của người mua chứ đâu phải của tôi!”. Không nên hiểu như thế! Khi bạn giao hàng vào kho, chưa chốt giá, người nhận hàng phải treo vị thế mua của họ lên sàn với các mức chặn lỗ. Bao lâu bạn thoát bằng cách chốt bán, bấy giờ mới thực sự khỏi vị thế mua. Nên hiểu như thế mới thấy khi bán qua tay người mua, mình nên thanh lý càng sớm càng tốt, thậm chí có lúc phải hy sinh để kiếm cơ hội khác dù phải thua lỗ. Giải thích như thế để thấy chủ trương trữ hàng mà không có biện pháp hỗ trợ tài chính đi kèm thì chẳng bằng khuyến khích bán, giá cao chừng nào bán nhiều chừng ấy, lợi dụng và cưỡi lên trên tin đồn mà tranh thủ bán.
Nói vậy để thấy ngay từ đầu rằng kể từ một năm nay, ai bán ra nhiều bao nhiêu, khả năng lời to bấy nhiêu hay trong kinh doanh cà phê thực, hướng này hay được gọi là “bán trước mua sau” (sell first, cover later).
Như vậy, đầu cơ trên sàn arabica bán ra từ suốt cả năm nay, họ lời rõ mười mươi.
Các con số vị thế mua/bán
Để chứng minh, bài viết đi theo hướng nghiên cứu vị thế kinh doanh trên bảng quyết toán vị thế kinh doanh ra hàng tuần, sàn arabica ra khuya thứ sáu, sàn robusta ra khuya thứ hai nhưng khóa sổ vào ngày thứ ba trước đó.
Tính từ bảng quyết toán vị thế kinh doanh (COT-Commitment of Traders) ngày 29-4-2014 đến ngày 29-4-2015, giá arabica New York mất 74,75 cts/lb (gần 1650 USD/tấn). Trong thời gian đó, các quỹ đầu cơ tăng cường bán thanh lý và bán khống, các quỹ đầu cơ chỉ số bán thanh lý các hợp đồng mua khống trước đó, nhưng về phía các hãng rang xay/nước sản xuất/nhà chế biến/nhà kinh doanh (gọi chung là nhóm kinh doanh/rang xay commercial) lại mua mới và mua để thoát các hợp đồng đã bán.
Tính đến ngày 29-4 theo bảng quyết toán, năm ngoái vị thế mua của nhóm kinh doanh/rang xay là 17,21 triệu bao thì đến năm nay tăng lên 25,42 triệu bao cà phê đã mua cho chặng thời gian dài phía trước (từ tháng 7-2015 đến cuối 2016?). Như vậy, nhóm này tăng cường mua trong suốt cả năm nay.
Còn đầu cơ, năm ngoái, vị thế mua khống là 37.910 lô và bán khống chỉ 7.568 lô thì nay mua khống 36.119 lô và bán khống đến 45.853 lô. Như vậy sau 1 năm nhóm đầu cơ bán 38.285 (45.853-7.568).
Nhóm kinh doanh mua vào 28.951 lô, thanh lý lô bán 33.291 lô để thoát bằng các lô mua, nên tổng số lô mua của nhóm kinh doanh là 62.242 lô (28.951+33.291).
Những câu hỏi cho chặng đường dài phía trước
Nhìn trên sàn ta thấy nhóm kinh doanh gồm cả rang xay đang ở vị thế MUA khá lớn. Liệu họ tiếp tục mua? Thường họ chỉ đợi giá xuống các mức mới họ mới ra tay mua tiếp tạo nên sóng giá xuống mới.
Liệu đầu cơ quay lại mua? Họ có thể quay lại mua với điều kiện nếu các nước sản xuất cà phê lớn mất mùa thực sự, được tai nghe mắt thấy như họ không chỉ nghe mà thôi, nếu vốn nhiều hơn với các chính sách kích cầu, nếu sàn dầu thô, vàng…hết hứng làm ăn.
Liệu tin đồn thời tiết như hạn hán, sương giá… sẽ ảnh hưởng gì? Có, nhưng chỉ rất chóng qua nếu đó chỉ là tin đồn như mọi năm.
Cái gì làm giá lên lại? Giả sử như một cơn bão làm hư nóc một dãy kho làm hư cà phê trong kho hàng chục ngàn tấn như cách nay mấy năm tại Trieste, Italia đã từng xảy ra tình trạng này.
Tình trạng cà phê đạt chuẩn trên hai sàn nay hầu như trong tay một chủ, nên kinh doanh cần có cách ứng phó mới. Cách nào? Rất không tiện nói ở đây.
Nguyễn Quang Bình
Cảm ơn bài phân tích của bác Bình. Bài viết rất đầy đủ xúc tích. Nó lột tả hết cái thị trường hư hư thực thực trong ngành cà phê. Là người theo chiều hướng kinh doanh nên chọn pp đầu tư dài hạn mới an toàn. Còn trong ngắn hạn nhắm mình đủ sức hay không hãy bắt đầu cuộc chơi. Sự thật vốn nghiệt ngã, như thế thật sự khổ cho người nông dân vốn đang chờ giá lên. Giá xăng dầu đăng tăng trở lại, thời tiết ngày càng khắc nghiệt mà giá cà phê lại không thể tăng.
Cảm ơn bài phân tích của bạn, rất hữu ích !
Sao bác bình o nói trên sàn đầu cơ đẩy giá lên cao để hốt bên bán khống, tại vì mấy bữa trước tin đưa ra toàn xấu.
Không thể kết luận như vậy được trong trường hợp này vì cả hai sàn đều tăng mạnh cùng một lúc. Nếu họ muốn hốt bán khống trên sàn robusta, thì arabica giải thích làm sao? Tuy nhiên, bạn có quyền nghĩ theo ý bạn miễn là có lý.
Hư thực, thực hư. Hư hư thực thực. Trong tiềm có lộ … Ấy mới là thị trường. Nếu chúng ta quá dễ bắt mạch hoặc suy đoán đúng thì ai ai cũng có thể kiếm tiền được nhiều. Cho dù có thật là giá nhảy quá cao 1 thời điểm để giết những hợp đồng bán khống Robusta và sàn Arabica tăng theo cũng là 1 cách nghi binh. Theo cá nhân cháu thời điểm hiện tại tiếp tục bán robusta ra ở hợp đồng hàng giấy cho đúng yếu tố cung cầu.
Chẳng có gì chỉ trong hai phiên mất tới gần 80 usd. Lấy lại có 40 usd mà cứ làm ầm cả lên, cùng lắm là chặt cà phê đi trồng cây khác khỏi phải nghĩ ngợi cho nó đâu đầu…!!!
ĐỀ NGHỊ CÁCH XƯNG HÔ KHI THAM GIA DIỄN ĐÀN: Nhiều lần tham gia diễn đàn, tôi thấy quá nhiều cách xưng hô: chú bác cô thầy…Tuy nghe rất thân mật, vẫn có cảm giác cách xưng hô ấy làm giảm đi tính khách quan, nghiêm túc trong làm việc. Nên chăng, hãy xem người tham gia bình luận góp ý là một cá nhân trưởng thành, cứ xưng bản thân mình là TÔI, xưng người mình muốn đối thoại bằng TÊN hay TÊN TRÊN MẠNG CỦA HỌ, đối với người viết nên xưng TÁC GIẢ.
Biết rằng mất được xưng CÔ THẦY CHÚ BÁC là tiếc lắm, nhưng chọn một cách xưng hô chung để người ngoài diễn đàn thấy rằng chúng ta làm việc trên cơ sở khách quan, nghiêm túc.
Đấy là ý kiến cá nhân. Mong ai thấy hợp lý hợp tình thì ủng hộ.
Đồng ý với phản hồi điều chỉnh cách xưng hô của NQB. Những phản hồi xưng danh; con, cháu, chú ,bác với tác giả Nguyễn Quang Bình, tôi cứ nghĩ những người này là người thân ruột thịt của tác giả NQB
Cách xưng hô thể hiện văn hóa ứng xử. Gọi là chú, bác, thầy cũng là để thể hiện sự tôn trọng khi biết tuổi của tác giả …Hiểu sao hay ngộ nhận sự thân mật đó là do cảm tính của người ngoài. Tuy nhiên theo chủ ý của tác giả thì tôn trọng xưng hô như thế ấy. Chuyện này không có gì lớn lao cả.
Đọc bài của tác giả Mr Bình thấy tương lai mờ mịt quá !!! bây giờ chỉ còn hy vọng vào tin sương giá có xảy ra nửa ko thôi ??? Rất mong Mr Bình theo dõi tin thời tiết ở Braxin sắp tới và cập nhật cho bà con nhờ , nhé Mr Bình !!!
theo như tôi biết diễn biến giá cà phê mấy năm nay vào thời điểm này thì năm giá cao nam giá thấp tôi đoán từ nay tới tháng 6 dương lich giá cà phê chi giao động từ 37k-38.5k thui wa tháng 7 sẽ lên đươc 39.5k
Thời gian 6 tháng nữa mới vào vụ mới ca phê tạm trữ mới nửa chặn đường. Trận đấu vào hiệp 2mới bất ngờ. Đầu vu ai ai dư đoán cà phê sau têt nguyên đán sẽ tăng mạnh vi mất mùa nhưng thời gian qua giá ngược lại. Bây giờ không tin nào có thể cà tăng giá nhưng nó lại tăng vây mới là thị trường.
Bạn nguyễn ngọc tiến ah cứ từ từ đi rán hết số mỡ của tháng 5 rồi sẽ biết còn bạn quả quyết như vậy bạn có dám cược với bà con nông dân không? dân tui chừ khun lắm rùi không hù được đâu
bạn nguyễn thị hiền ah mình tin ” sau cơn mưa trời lại sáng”