Nhiều bạn đã gởi câu hỏi lệnh giao dịch TAS (Trade-at-Settlement) là gì qua email, điện thoại và cả trên mạng đăng bài liên quan của Y5cafe.
Nên xem: Có gì mới trên sàn kỳ hạn robusta?
Thiết nghĩ, đây là một câu hỏi thiết thân để hiểu thêm cách thức đặt lệnh mua bán trên các sàn chứng khoán và kỳ hạn.
Sau đây, chúng tôi cùng bạn tìm hiểu một số đặt lệnh quan trọng khi kinh doanh trên sàn.
Do cách thức đặt lệnh có nhiều, để khỏi nhầm lẫn và chia trí khi ngồi trên sàn và màn hình vì có thể có hàng chục ngàn lệnh trong ngày, hàng trăm lệnh cùng lúc.
Khi đặt lệnh, trước tiên nhà kinh doanh phải nói rõ đó là mua hay bán (buy/sell), bao nhiêu lô (hợp đồng/lot), lệnh mua bán ấy trên cơ sở tháng nào, năm nào. Như sàn robusta châu Âu giao dịch các tháng lẻ trong năm và có khi đến hết năm 2016, còn sàn arabica giao dịch đến tận năm 2018, ở mức giá nào, lệnh đặt ấy có hiệu lực như thế nào…
“Giá thị trường” (market order):
là lệnh đơn giản nhất. Khi bạn muốn mua hay bán theo “giá thị trường” tức giá nào nháy trên màn hình khi bạn đặt (còn tùy thuộc tính độ trễ từ khi bạn đặt đến đường dẫn điện tử đến sàn), là bạn mua hay bán được ngay mà không cần đợi. Lưu ý ở đây rằng trong lúc giá dao động mạnh, khi bạn đặt lệnh “giá thị trường”, giá có thể khớp ở một mức bạn không hề mong đợi. Bạn đặt bán theo giá thị trường, giá trên sàn dễ rớt thêm; bạn đặt mua trên thị trường, giá dễ tăng tiếp.
“Giá đặt đến hết ngày giao dịch” (day order hay good-for-today):
là lệnh chỉ có giá trị trong ngày giao dịch, hết ngày giao dịch lệnh bạn đặt không đạt, đương nhiên tự hết hiệu lực khi sàn đóng cửa.
Hãy dùng giá giao dịch của ngày thứ Sáu 1-5-2015 cơ sở tháng 7-2015 để làm thí dụ cho các giải thích sau đây:
Đóng cửa | Cao nhất | Thấp nhất |
1772 | 1803 | 1766 |
Thí dụ: Trong ngày 1-5, càng sớm càng tốt, bạn đặt lệnh “bán” theo lệnh “giá đặt đến hết ngày giao dịch”, tháng 7-2015, mức 1807. Suốt ngày ấy, giá này không đạt, lệnh tự hủy khi đóng cửa.
Có trường hợp giá màn hình xuất hiện rồi nhưng lệnh bạn đặt sau, thường gặp ở các mức đỉnh và đáy, thì cũng không khớp lệnh.
“Cho đến khi hủy lệnh” (good-til-cancel – GTC):
là lệnh đưa ra khi bạn không chịu áp lực hay gấp gáp, hôm nay chưa khớp thì ngày mai cũng được, miễn là cho đến khi bạn yêu cầu hủy. Thí dụ, cách nay một tuần, bạn đặt giá mua cơ sở tháng 7-2015 mức 1720. Đến nay, lệnh chưa khớp. Nhưng thứ ba tuần sau, bạn thấy giá có khả năng xuống nữa, bạn có thể hủy trước khi giá màn hình chạm 1720 để đặt lệnh khác mức thấp hơn để mua.
“Lệnh tại lúc đóng cửa” (trade-at-settlement – TAS):
là một lệnh đã được nhiều sàn sử dụng nhưng sàn Robusta ICE mới cho phép áp dụng vào ngày 5-5 tới đây mà thôi. Lệnh này cho phép người tham gia đặt mua hay bán ngay trong và trước giờ đóng cửa một mức giá cao hơn hay thấp hơn 5 USD dựa trên cơ sở giá đóng cửa.
Ví dụ: Ngày 1-5 vừa qua (tuy chưa phải lúc áp dụng, chỉ lấy số liệu đóng cửa để làm thí dụ), theo giờ VN, đến 23:30 giờ sàn IE đóng cửa. Chừng 19:30 giờ, bạn đặt lệnh TAS mua ở mức 1777 hay 1767. Do giá đóng cửa chốt 1772, lệnh mua của bạn được chấp nhận khớp vì trong dung sai +/-5 USD; đặt bán cũng thế, sẽ khớp lệnh nếu trong dung sai cộng trừ cho phép. Rõ ràng sàn cho bạn cơ hội (và cả rủi ro) khi bạn đoán giá mở cửa hôm sau tăng hay giảm để mua hay bán với lệnh TAS.
Ngoài ra, còn một số lệnh khác, mong các bạn tham khảo thêm trên trang hướng dẫn “VFM” của giacaphe.com để nắm thêm chi tiết.
Chúng tôi cố gắng diễn giải một cách dễ hiểu nhất. Nếu bạn có cách diễn giải nào dễ hiểu hơn, xin cứ hoan hỷ góp ý và trình bày cho nhiều người cùng hiểu.
Quan tâm: Chắn trên – chắn dưới trong bản tin cà phê là gì?
Nguyễn Quang Bình